Thị trường bất động sản ở các tỉnh thành trong năm vừa qua ghi nhận "cơn sốt" không hề nhỏ, giá tăng chóng mặt. Điều này gây khó cho thị trường khi người muốn mua không mua được, người định bán lại… ngập ngừng rồi "hét giá". Cung - cầu khó gặp nhau.
Không chỉ có đất nền, những phân khúc chung cư, biệt thự, liền kề, shophouse cũng được dân môi giới quảng cáo "ra hàng đợt nào hết hàng đợt đó". Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ đầu tư than thở, họ rao bán mãi chưa có người "chốt" mua trong khi hỏi thì nhiều. Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng chỉ ra rằng, thị trường có dấu hiệu bất ổn khi sốt đất khắp nơi, giá các phân khúc bị đẩy cao nhưng giao dịch lại thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản, quả thực nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này nhiều môi giới, đầu cơ cứ tiếp tục đẩy giá lên. Nhưng nhiều chỗ đẩy quá cao người ta sẽ không mua. Trong khi những người có nhu cầu mua, họ cần tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý thì vẫn sẽ có thanh khoản tốt.
Ông Đính nhận định, nguyên nhân việc thổi giá gây sốt ảo phần lớn là do đội môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do, mua gom đất, tung tin, tạo sốt ảo, kịch bản này diễn ra nhiều lần. Ngoài ra, tình trạng dự án san đồi, san ruộng vi phạm pháp luật, xâm phạm tài nguyên quốc gia, gây bất ổn địa phương, giá trị đất đai tăng đột biến, không có lợi cho sự phát triển kinh tế khác.
Bên cạnh đó, việc mua bán nhiễu loạn tạo rủi ro khi giấy tờ thủ tục không đảm bảo, quy trình không chuyên nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, đã nhiều lần bật khóc vì bất lực, ấm ức bởi thủ tục hành. Theo dó, công ty của bà Loan có 12 dự án, với tổng diện tích 150 ha trên địa bàn TP.HCM nhưng tất cả đều bị ách tắc. Trong đó 1 dự án đất ở có diện tích 3.000 m2, không thuộc diện rà soát của chính quyền TP, được bà kỳ vọng sẽ triển khai được ngay nhưng cũng chung số phận.
Lô đất này được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 7/2017. Khi đó, công ty đã hoàn thành đầy đủ hồ sơ thủ tục, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500. Song, đến khâu trình UBND TP.HCM để chấp thuận đầu tư, chuyên viên ủy ban trả lại hồ sơ với lý do Sở Xây dựng ghi là cơ bản hoàn thành mà không khẳng định hoàn thành.
Chỉ một chữ “cơ bản” này mà công ty phải làm lại hồ sơ dự án từ đầu, từ trình chấp thuận chủ trương đầu tư, xin phê duyệt lại quy hoạch 1/2.000, trong khi dự án đã được phê duyệt quy hoạch 1/500.
Trong gần 3 năm trở lại đây, tâm lý “sợ ký” của lãnh đạo chính quyền nhiều tỉnh, thành cũng khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá nhà đất ngày càng xa tầm tay của người dân.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Vietnam, nếu không sớm tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cho các dự án BĐS được thực hiện thì tình trạng khan hiếm nguồn cung sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong trung hạn. Khi thiếu cung, giá sẽ tăng. Giá tăng trong khi thu nhập của người dân giảm thì giao dịch sẽ giảm vì họ không đủ tiền để mua nhà.
Theo nguyên lý thông thường giao dịch giảm, nền kinh tế gặp khó khăn thì giá BĐS sẽ giảm. Nhưng hiện nay, ngay cả khi GDP giảm, giá nhà vẫn tăng là điều đáng lo ngại. Nó sẽ làm méo mó thị trường vì hình thành khung giá ảo, gây lệch pha cung cầu (thừa nhà giá cao, thiếu nhà giá rẻ), thanh khoản nhà ở suy giảm.