Kể về nghịch cảnh, ông Bảo cho biết năm học lớp 4, ông bị tai nạn điện. Gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời, thoát chết trong gang tấc nhưng cơ thể đầy vết bỏng nặng. Lúc tỉnh lại, ông điếng người khi bị cưa mất một bên tay, kèm theo đó là nỗi lo lắng tột cùng khi bác sĩ dự báo khả năng nuôi 1 chân và cánh tay còn lại chỉ 50/50. Nhưng rồi nỗi thất vọng bủa vây khi cuộc điều trị bất thành.
Trong gia đình, ông Bảo là anh cả của 8 người em. Tai nạn khiến ông nhiều lúc rơi vào khủng hoảng tinh thần khi nghĩ tới tương lai mịt mù phía trước. Nhưng không để nỗi buồn lấn át quá lâu, 4 năm sau, ông quyết định đi học lại, nuôi hy vọng tìm được việc làm phù hợp với hoàn cảnh tật nguyền. Tiền gia đình gửi cho không đủ, ông cùng 3 người em bán hàng dạo ở các tuyến phố để gầy dựng sự học.
Ông Bảo vẽ tranh trên áo dài bằng tay giả
Chật vật lắm chàng trai khuyết tật mới học xong lớp 12. Cứ ngỡ điều ước sắp thành sự thật thì cánh cửa đại học bỗng dưng đóng lại. Ông ấp ủ được học ngành Anh ngữ để đi dạy, nhưng khi gửi hồ sơ vào các trường đại học ở Cần Thơ thì đều không được nhận vì cùng một lý do là không đủ sức khỏe.
Theo ông Bảo, NKT học nghề không dễ dàng, ông bị mất 3 chi nên càng khó khăn hơn. Khi có lớp dạy vẽ tranh truyền thần miễn phí, ông đăng ký học để tìm cơ hội mới. "Nhiều người nói tôi không biết lượng sức, trèo cao chỉ té đau. Người bình thường học vẽ đã khó, cánh tay giả của tôi sao làm nên chuyện. Tôi chỉ biết lấy sự cần cù, cố gắng để bù đắp thiệt thòi của số phận. Bởi lúc đó tôi không có sự lựa chọn khác, tôi không muốn mãi làm gánh nặng của gia đình".
Ông Trần Hùng Bảo tâm sự với vovgiaothong.vn: "Khoảng thập niên năm 1990, tôi thấy cái phong trào vẽ áo phát triển. Lúc đó, tôi cũng có vẽ truyền thần, người ta cũng ít đem lại cho tôi vẽ, nên tôi suy nghĩ để chuyển qua vẽ áo thử. Một thời gian thấy vẽ áo được, rồi về nhà từ từ làm. Nhờ bà con, mấy thợ may ủng hộ đưa đồ cho vẽ. Cứ từ từ, nghề truyền nghề, lúc đầu tôi vẽ xấu chứ không đẹp, rồi nghiên cứu, sáng tạo thêm và mỗi ngày vẽ đẹp lên".
Nhờ nghề vẽ tranh truyền thần, ông Bảo tự tìm được miếng cơm, manh áo nuôi mình. Tuy nhiên, loại tranh này dần kén khách hàng nên từ năm 1990 đến nay ông chuyển sang vẽ tranh trên áo dài. Khi thành công, ông mở lớp dạy nghề miễn phí cho những người đồng cảnh ngộ. Lớp đã nhận đào tạo 4 học viên, trong đó có người câm điếc bẩm sinh.