Năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam chỉ tăng 1,84% so với năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua dù mặt bằng giá cả thị trường trong nước chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2022, Việt Nam đặt ra mục tiêu CPI tăng khoảng 4%, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia đánh giá việc kiểm soát và thực hiện mục tiêu này sẽ không dễ dàng.
Thực tế, mục tiêu CPI của năm 2022 đã tăng khá cao ngay từ đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, bình quân hai tháng đầu năm 2022, chỉ số CPI tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Riêng tháng 2/2022, chỉ số CPI tăng 1,42%, lạm phát cơ bản tháng 02/2022 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ý kiến của các chuyên gia, lạm phát đang chịu áp lực tăng khá lớn của cả yếu tố "cầu kéo" và yếu tố "chi phí đẩy" do nhiều nguyên nhân.
Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn DKRA Việt Nam cho hay, thị trường giao dịch bất động sản từ đầu năm đến nay không chỉ do Covid-19 mà còn chịu tác động không nhỏ vì chiến sự ở Ukraine. DKRA có khoảng 600 nhân viên kinh doanh nhưng từ đầu năm đến nay chỉ bán được gần 400 sản phẩm, trong khi theo kế hoạch phải bán được 1.500 sản phẩm mới được xem là đạt chỉ tiêu. Tại TP.HCM và nhiều tỉnh không có dự án mới.
Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực PropertyX (thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh), cũng đồng quan điểm là sản phẩm ít và giá quá cao là lý do khiến thị trường trầm lắng. Còn nếu có dự án hợp lý thì vẫn bán khá tốt vì nhu cầu cao và tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản (BĐS) là kênh đầu tư an toàn. Hiện giá vật liệu xây dựng cũng tăng quá cao nên khi có dự án mới, chủ đầu tư cũng đẩy giá lên tới “nóc”.
Theo Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường Dat Xanh Services nhận định, bất động sản có mối tương quan cùng dấu với lạm phát, khi lạm phát tăng cao thì bất động sản cũng thường tăng giá theo và được các nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn.
Khi lạm phát tăng, đồng tiền ngày càng mất giá, nhà đầu tư sẽ đầu tư vào các tài sản có giá trị tích lũy như đất đai hoặc các tài sản có giá trị tăng trưởng lâu dài. Chưa kể, gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào kết cấu hạ tầng càng hỗ trợ kênh đầu tư này tăng giá.
Mặc dù vậy, bất động sản chỉ tăng tương quan với lạm phát trong bối cảnh lạm phát Việt Nam tiến dần tới lạm phát mục tiêu (4%). Nếu như lạm phát tăng vọt, vượt con số này, thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao, từ đó tác động ngược tới thị trường bất động sản, bởi tỷ trọng vốn vay với nhà đầu tư bất động sản là khá lớn.
Chính vì vậy, nhà đầu tư phải lưu ý và có chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng cho nền giá và tính thanh khoản của thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn các bất động sản có tính thanh khoản cao, các chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên tìm kiếm các sản phẩm có vị trí thuận lợi cho kết nối giao thông, nằm tại các khu quy hoạch đô thị, có pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, hệ thống tiện ích nội khu, ngoại khu đa dạng và đồng bộ, đáp ứng được các nhu cầu của cư dân cùng môi trường sống xanh và cộng đồng dân cư tương lai văn minh,…
Hiện nay, các dự án bất động sản vùng ven đang bùng nổ, có một làn sóng các nhà đầu tư đổ về các tỉnh vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông... để đầu tư vào đất nền, đất nông nghiệp. Dù có nhiều cảnh báo nhưng thực tế các nhà đầu tư đã thu về khoản lời “khủng” bất chấp dịch bệnh thời gian qua.
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2022 sẽ là năm bản lề khi Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó nhóm dự án hạ tầng chiếm tỷ trọng lớn. Nếu giải ngân đầu tư công hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ kích thích thị trường ở quy mô hàng trăm nghìn tỉ đồng. Đây sẽ là cú hích cực lớn khiến giá bất động sản tiếp đà tăng của những năm trước và kỳ vọng thị trường bất động sản cũng sẽ khởi sắc hơn, nhất là khởi sắc về giao dịch.
Còn ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát kỳ vọng, thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ là tâm lý sở hữu nhà đất khá mạnh của người Việt được truyền qua nhiều thế hệ và có xu hướng tăng lên chứ không giảm xuống. Do đó, thị trường đầu tư bất động sản và khả năng tăng giá tài sản, đặc biệt ở nhóm liền thổ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tâm lý đám đông. Các hiện tượng sốt đất, tăng giá nhà, đầu cơ tài sản từng diễn ra hàng thập kỷ qua đều bắt nguồn từ tâm lý này. Vì vậy, biến số này tiếp tục tác động đến việc tăng giá bất động sản trong năm nay.