Nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản
Ngay từ giữa tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước.
Tại Hội nghị, một trong những giải pháp cho nguồn vốn đang bị tắc nghẽn đã được đưa ra, với đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Gói tín dụng này sẽ tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân kèm mức lãi suất thấp hơn 1,5-2% so lãi suất vay thông thường vào từng giai đoạn của thị trường.
Cùng với đó, thời gian gần đây, Chính phủ còn đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay, từ đây có những giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường tiếp tục phát triển bền vững và lành mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành bất động sản và xem bất động sản là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng.
Giải pháp kích cầu của chủ đầu tư
Trên thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu ra mắt và mở bán các dự án của mình. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn khi thị trường vẫn đang bất ổn và áp lực tài chính đè nặng do mặt bằng lãi suất tăng cao, nên nhiều chủ đầu tư đã xây dựng chính sách bán hàng ưu đãi hướng đến mục tiêu giải bài toán tài chính cho người mua nhà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Điển hình như dự án Celesta height Nhà Bè tung ra chính sách giãn tiến độ thanh toán lên đến 7 năm, thanh toán chỉ 30% trong 3 năm tới lúc nhận nhà và ngân hàng hỗ trợ vay vốn 70% giá trị sản phẩm hay Dự án Dela sol được thanh toán nhanh trong năm 2023 sẽ giảm ngay10%.
Ngoài ra, chủ đầu tư An Gia tung ra những sản phẩm cuối trong giỏ hàng căn hộ Westgate tại trung tâm hành chính huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Đi kèm là chính sách mua nhà “3 không” gồm: Không vay vốn ngân hàng, không áp lực thanh toán, không chờ đợi nhận nhà. Theo đó, khách hàng chỉ cần thanh toán tối đa 30% là có thể sở hữu ngay căn hộ đã hoàn thiện.
Một dự án khác đang chào bán là 9X An Sương của Hưng Thịnh Land cũng đưa ra chính sách thanh toá "dễ thở" hơn cho nhà đầu tư. Cụ thể, khách hàng sau khi đặt cọc giữ chỗ thì chỉ cần thanh toán mức 8 - 12% giá trị sản phẩm và hàng tháng trả góp cho chủ đầu tư từ 7 - 8 triệu, tức là 0,5% giá trị sản phẩm mỗi tháng. Tới khi đủ 30% khách sẽ ký hợp đồng mua bán và tiếp tục tự trả cho chủ đầu tư mỗi tháng khoảng 3% giá trị sản phẩm mà không cần vay ngân hàng với lãi suất cao. Hay dự án Moonlight Avenue cũng được chủ đầu tư chiết khấu nếu thanh toán nhanh 98% trong 5 ngày sẽ được giảm 42%.
Nam Long Group cũng duy trì chính sách ưu đãi lãi suất vay với hai dự án căn hộ chào bán tại TP. Hồ Chí Minh là Akari City (Bình Tân) và Mizuki Park (Bình Chánh). Theo đó, khách hàng mua căn hộ Akari City giai đoạn 2 được lựa chọn hai hình thức thanh toán linh hoạt gồm, áp dụng lãi suất 0% và ân hạn nợ gốc trong 18 tháng hoặc áp dụng mức lãi suất ổn định 6% và ân hạn nợ gốc kéo dài trong 2 năm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng miễn phí quản lý trong 2 năm đầu từ khi khách nhận bàn giao nhà. Phú Đông Group ra chính sách thanh toán 0,5%/tháng với dự án Phú Đông SkyOne, cam kết thuê lại cố định 12 triệu/tháng. Đồng thời, doanh nghiệp này để chính hỗ trợ với lãi suất 0%, kèm ân hạn nợ gốc cho đến khi nhận nhà.
Không chỉ với loại hình căn hộ, dự án nhà phố, biệt thự cũng áp dụng chính sách bán hàng ưu đãi như: Trần Anh Group đưa ra chính sách khách hàng khi mua nhà tại dự án Phúc An Asuka chỉ cần đóng 12% bước đầu, mỗi tháng đóng 0,5% (khoảng 7 triệu đồng) là có thể sở hữu nhà ở.
Tại thị trường Hà Nội, mới đây, một chủ đầu tư của dự án Tổ hợp thương mại và căn hộ Hà Nội Melody thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) đã mạnh tay áp dụng chính sách chiết khấu lên tới 38% với điều kiện người mua nhà phải thanh toán trước 95% giá trị của căn nhà.
Chia sẻ với Reatimes, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, khó khăn chính trên thị trường tập trung chính vào hai vấn đề là pháp lý dự án và áp lực tại chính cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Nếu chủ đầu tư nào cần thanh khoản nhanh để giải quyết an toàn dòng tiền và áp lực tài chính thì sẽ triển khai các chính sách bán hàng với nhiều ưu đãi.
“Tuy nhiên, giải pháp này chưa chắc mang lại hiệu quả ngay vì việc bán hàng được hay không phụ thuộc vào tình trạng của dự án. Hiện tại rất nhiều dự án không sẵn sàng về mặt pháp lý để có thể triển khai kinh doanh. Ngay cả khi nhiều chủ đầu tư chấp nhận “bán lúa non” thông qua việc giảm giá mạnh cũng vấp phải sự e dè của phía khách hàng. Bản thân các chủ đầu tư cũng không dám tung ra quá nhiều chính sách ưu đãi vì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của nhóm khách hàng cũ. Điều này vô hình chung có thể tạo ra những khủng hoảng cho thương hiệu của chủ đầu tư”, ông Kiệt chia sẻ.
Ngoài ra, ông Kiệt còn cho biết thêm, về phía khách hàng, nhóm nhà đầu tư thì đang e ngại thị trường có nhiều rủi ro nên chỉ cân nhắc đầu tư vào những dự án thực sự tiềm năng, năng lực chủ đầu tư tốt.
Nhà đầu tư thận trọng vì giá vẫn cao
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam tháng 1/2023 của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (FERI), tỷ lệ khách hàng giữ tiền chờ thời điểm phù hợp để xuống tiền ước chiếm đến 88,7%.
Với phân khúc đất nền, mặc dù nhiều chủ đất đã sẵn sàng giảm mạnh giá bán từ 20 - 30%, tư vấn nhiệt tình cho khách hỏi mua, thế nhưng để chốt được giao dịch vẫn hoàn toàn khó khăn.
ác chuyên gia đánh giá, thị trường bất động sản năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Thế nhưng, bối cảnh nào cũng thế, trong nguy luôn có cơ, trong thách thức luôn có cơ hội. Với những khách hàng có tiềm lực tài chính tốt, đang sở hữu các bất động sản đúng xu hướng, am hiểu thị trường là những người có đủ cơ hội tham gia giai đoạn này. Nhận định về dài hạn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn, lợi nhuận cao, giữ giá trị tài sản tốt nhất.
Có thể nói, thị trường địa ốc hiện tại vẫn có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu của con người về tài sản bất động sản ngày một tăng lên. Bài toán đặt ra là bên cạnh tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn hay pháp lý thì việc lấy lại niềm tin cho các nhà đầu tư là một yếu tố rất quan trọng giúp thị trường vực dậy.
Nhà đầu tư dè chừng hơn với sản phẩm bất động sản vì thiếu sự tự tin. Sự dè chừng này cũng tạo ra hiệu ứng chung với những người quan tâm và có ý định đầu tư vào lĩnh vực này, mọi thứ trở nên nhạy cảm hơn. Đôi khi chỉ một thông tin vô căn cứ cũng gây tâm thế hoang mang, làm xáo trộn cả thị trường.