Theo Dân trí, tháng 10 năm ngoái Nguyễn Quốc Khánh đã mua lô đất ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), có diện tích hơn 400 m2 với giá 1,8 tỷ đồng. Khi thị trường đang sôi động, mảnh đất này được nhiều môi giới hứa hẹn mảnh đất mang giá trị 2,1 tỷ đồng. Nhưng tháng 4 vừa, anh rao bán và 2 lấn xuống giá vẫn chưa có khách mua.
"Tôi đã phải 2 lần xuống giá từ khi rao bán, từ 2,1 tỷ đồng xuống 2 tỷ đồng và giờ là 1,9 tỷ đồng. Nếu phải về mức 1,8 tỷ đồng như thời điểm mua thì mất tiền chi phí liên quan và lãi ngân hàng hơn 6 tháng qua", anh Khánh nói.
Hay như anh Nguyễn Văn Đức (Hà Nội) cũng đang bị đọng vốn ở Thanh Hóa sau khi mua đất nền ở huyện Thọ Xuân. Ban đầu, nhóm của anh tính mua ô đất hơn 3.000 m2 để phân lô tách thửa, nhưng do thời gian làm thủ tục lâu dẫn tới việc bán ra thị trường ngoài dự tính.
Dù nghĩ hướng chia ô đất thành các lô nhỏ để phù hợp với vốn đầu tư của nhiều người, nhưng anh Đức thừa nhận, thời điểm hiện tại thị trường không còn lớn như trước. Việc bán các lô đất giá chỉ từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng cũng chật vật. Trước áp lực lãi ngân hàng phải trả hàng tháng, nhóm đầu tư của anh Đức đang tính dần phương án giảm giá để thoát hàng.
Cũng trên Dân trí, anh Nguyễn Văn Quang- một môi giới lâu năm ở khu vực tỉnh Nam Định cho biết, thị trường đất nông thôn ở các huyện của tỉnh này có đang có dấu hiệu chững lại từ đầu tháng 4 vừa qua. Số lượng nhà đầu tư có nhu cầu mua đất cũng ít hơn nhiều so với thời điểm trước đó.
Không ít lô đất đấu giá trên địa bàn huyện Giao Thủy, Hải Hậu (Nam Định) cũng đang khó tìm được người mua. Chủ đất chủ động rao giá giảm hơn đợt đăng bán trước nhưng vẫn ế.
Theo VnExpress, cuối tháng 2, giá đất nông thôn các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh tăng gấp hai, ba lần so với năm trước.
Batdongsan cũng cho biết 3 tháng qua, trên các chợ địa ốc trực tuyến tại Hà Nội ghi nhận giá đất nền thổ cư tại huyện Chương Mỹ đội lên 74% so với năm 2021. Các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai ghi nhận giá bán đất nền tăng 20-26%. Còn giá đất thổ cư tại Bắc Giang tăng 35%, Hải Phòng tăng 29%. Các tỉnh khác như Bắc Ninh, Quảng Ninh lần lượt ghi nhận giá đất đội lên 16-20%.
Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, thời gian qua tốc độ đô thị hóa ở nhiều khu vực nông thôn diễn ra mạnh mẽ, kết hợp với hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra đã tác động mạnh đến sự phát triển của bất động sản. Theo đó, giá đất đã tăng mạnh, nhiều vùng quê trước kia giá đất chỉ vài trăm nghìn đồng/m2 thì nay có nơi đã đến vài chục triệu đồng/m2.
Hệ quả là giá đất thiết lập mặt bằng mới, vượt giá trị thực khiến người có như cầu thực cũng không mua nổi đất.
Cũng theo nguồn tin Dân trí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay có nhiều khu vực thiết lập mặt bằng giá mới rất cao do yếu tố đầu cơ, gây tác hại rất lớn đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở các đô thị ngày càng xa vời.
Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho rằng, mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tình trạng lệch pha cung cầu. Bởi thị trường đang rất thiếu nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với người thu nhập thấp nhưng lại dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ nghỉ dưỡng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý I, tình trạng "sốt đất" cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường… Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Cũng theo ông Đính, thị trường bất động sản đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.