Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao của Savills trao đổi trên Dân trí, Nghị định 49/2021/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội yêu cầu các dự án nhà ở thương mại mà quy mô từ 2 ha trở lên tại đô thị đặc biệt, loại một, từ 5 ha trở lên tại đô thị loại 2, 3 phải bố trí 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội. So với quy định cũ của Nghị định 100/2015/NĐ-CP, dự án trên 10 ha phải bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội đã khó thực hiện trong thực tế thì quy định mới từ 2 ha trong quy định mới sẽ càng khó hơn.
Theo đó, chuyên gia của Savills đề xuất Nhà nước nên tự bố trí quỹ đất sạch và thống nhất với doanh nghiệp biên độ lợi nhuận hợp lý với các dự án nhà ở xã hội để triển khai. Ông Khương nhận dịnh, một khi dự án được phê duyệt nhanh chóng, có quỹ đất giá rẻ và biên độ lợi nhuận phù hợp như 7-10%, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.
Cũng tương tự quan điểm của ông Sử Ngọc Khương, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng nếu có chính sách hỗ trợ đất đai, tín dụng từ cơ quan quản lý, sự chung sức của các doanh nghiệp, các căn hộ với tầm giá 25-30 triệu đồng/m2 hoàn toàn có thể xuất hiện trên thị trường để đáp ứng nhu cầu của bộ phận lớn người lao động.
Vì thế, trong ngày đầu của năm 2022, HoREA đã gửi văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát quy định mới liên quan đến vấn đề cấp tín dụng cho người vay mua, thuê nhà ở xã hội.
Đánh giá về Thông tư số 20/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến loại bỏ nhóm đối tượng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, không còn được vay vốn tín dụng ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định. Nếu hộ gia đình, cá nhân mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ được vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng phải thực hiện "gửi tiết kiệm nhà ở xã hội". Thông tư này chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 20/1. Ông Châu cho rằng quy định này của Ngân hàng Nhà nước không hợp tình hợp lý, gây bất lợi cho các đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Hiệp hội này nhận định việc Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là một trong những chính sách cốt lõi nhất để có thể hiện thực hóa chủ trương xây dựng nhà ở xã hội.
Kiến nghị sửa đổi quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-NHNN chuẩn bị có hiệu lực theo hướng khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay vốn tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng.
Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung "Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách về nhà ở xã hội" vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các Chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trung hạn trong giai đoạn 2021-2026, để có căn cứ pháp luật để bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện chính sách về nhà ở xã hội.
Vừa qua, ngày 6/1 Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh), Tập đoàn Đồng Tâm (Đồng Tâm Group) và Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) đã tổ chức lễ công bố sáng kiến nhà ở vừa túi tiền với chất lượng bảo đảm dành cho người có nhu cầu phổ thông với giá dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP HCM và ở một số tỉnh thành khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… là dưới 20 triệu đồng/m2.
Theo đó, Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ đứng ra đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng bảo đảm, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp… thông qua việc tối ưu hoá hệ sinh thái của tập đoàn. Đồng Tâm Group và Trường Thành sẽ nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng bảo đảm chất lượng, với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.
Đây là tín hiệu tích cực, tin vui cho những người dân có thu nhập thấp muốn thuê nhà. Song, để thực hiện tốt, theo nhiều chuyên gia thì chính sách hỗ trợ từ Nhà nước rất cần thiết để các dự án đi vào hoạt động.