Phân khúc biệt thự, nhà phố vẫn khó thanh khoản
Chi sẻ với báo chí, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho biết, cao ốc văn phòng cho thuê ở TP.HCM đạt công suất trên 93%. Hiện nay giá cho thuê văn phòng đang tăng do còn có nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thuê vẫn tăng cao.
Minh họa (Nguồn: Internet).
Cùng với đó, phân khúc căn hộ dịch vụ vẫn được đánh giá ổn định nhất, các nhà đầu tư luôn có biên độ lợi nhuận đạt từ 7%-10%. Thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm thương mại lớn cũng đang hồi phục theo rất nhanh do sự phục hồi nhanh chóng của thương mại sau đại dịch. Tuy nhiên, không phải tất cả các thị trường cho thuê đều đang hồi phục mạnh mẽ. Ông Sử Ngọc Khương nhận định, mặt bằng bán lẻ nhà phố, biệt thự, khu vực ở các thành phố lớn vẫn đang gặp khó khăn.
“Do các DN Việt Nam đang còn chịu tác động của những khó khăn trước đây. Khi phát triển lại, các chuỗi cửa hàng của họ chưa kịp bắt nhịp được với sự tập trung phát triển của nền kinh tế. Do vậy các mặt bằng bán lẻ riêng lẻ ở các trục đường lớn đang còn có khuynh hướng chịu tác động”, ông Khương phân tích.
Nguồn cung hạn chế và có tình trạng mất cân đối
Thống kê thị trường của CBRE Việt Nam cho thấy, quý III/2022 nguồn cung thị trường nhà ở (trong đó gồm cả chung cư và nhà phố, biệt thự), bị sụt giảm mạnh khi chỉ có vài trăm căn được tung ra, nhưng sức thanh khoản của thị trường cũng không cáo....
CBRE Việt Nam cũng đưa ra dự báo, quý IV/2022, TP.HCM sẽ chào đón 1.822 căn hộ mới từ 11 dự án. Do nguồn cung hạn chế, có tình trạng mất cân đối, và việc tiếp cận nguồn vốn vẫn đang rất khó khăn, nên phân khúc trung cấp và bình dân sẽ không có nhiều lựa chọn.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở của Công ty CBRE Việt Nam cho biết, nguyên nhân là do chi phí phát triển dự án ngày càng bị đẩy lên cao, nên hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Ông Kiệt cũng đưa ra dự báo việc bán hàng sẽ khó khăn, ít sôi động hơn.
“Trong giai đoạn tới, mức độ hấp thụ có xu hướng giảm so với thời gian trước. Thứ nhất là do mức giá của thị trường hiện đã tăng rất cao. Thứ hai là nhóm sản phẩm thuộc nhu cầu ở thực như tầm trung và bình dân không có nhiều, trong khi nhà đầu tư hiện nay yếu tố được cân nhắc kỹ về dòng tiền và tài chính”, ông Kiệt lý giải.
Đối với các phân khúc khác như đất nền, nhà phố… ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa cho rằng, thị trường BĐS tại TP.HCM và vùng lân cận sau thời gian ngắn tăng nóng, hiện đang bước vào giai đoạn đảo chiều, nơi “nóng”, nơi “lạnh” thất thường. Những tháng còn lại của năm 2022 tiếp tục sẽ rơi vào tình trạng trầm lắng. Nguyên nhân là những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, cùng với chính sách siết chặt tín dụng đổ vào BĐS.
“Những khu vực BĐS mang tính đầu cơ, đầu tư và khoảng cách địa lý quá xa đang gặp khó khăn. Có những địa phương BĐS đang giảm từ 10%-20%, tuy nhiên vẫn không có giao dịch, còn những khu vực ở trung tâm giá BĐS đi ngang”, ông Quang thông tin.
Thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu thị trường đều dự báo thị trường BĐS chưa có dấu hiệu ấm lên, sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Công ty DKRA Việt Nam nhận định, trong quý IV/2022, sức cầu chung thị trường có thể giảm nhẹ nếu động thái kiểm soát tín dụng chưa được tháo gỡ. Thị trường thứ cấp có khả năng duy trì ở mức ổn định, khó có sự tăng giá đột biến trong giai đoạn cuối năm. Ngược lại, mặt bằng giá trên thị trường sơ cấp vẫn tiếp tục đà tăng do chịu ảnh hưởng của các loại chi phí đầu vào.