Nhiều điểm mới trong dự thảo
Để chuẩn bị thông qua tại kỳ họp Quốc hội này, Dự thảo Luật Nhà ở 2022, đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong quần chúng nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp có nhiều điểm mới như với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung mới.
Tại Dự thảo lần này, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án sở hữu nhà chung cư. Trong đó, phương án 1 bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Phương án 2, không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Mặc dù đưa ra 2 phương án, song theo quan điểm của Bộ Xây dựng, phương án 1 sẽ gỡ được nút thắt về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang rất vướng mắc. Theo Bộ Xây dựng nếu phương án 1 được lựa chọn, giá bán chung cư có thời hạn có thể sẽ giảm hơn so với sở hữu lâu dài, từ đó tạo điều kiện để người dân có cơ hội tiếp cận nhà ở tốt hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho hay, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư với tất cả dự án mới. Thay vào đó, nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...
Vị chủ tịch HoREA nhấn mạnh, căn hộ chung cư là tài sản có giá trị rất lớn với người dân đô thị, đa số người Việt muốn để lại cho con cháu. Sâu xa hơn, điều này còn đóng vai trò thúc đẩy chính sách khuyến khích người dân lựa chọn sống trong căn hộ cao tầng, phù hợp với Luật Đất đai yêu cầu sử dụng đất hiệu quả với quy hoạch đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 ưu tiên phát triển nhà chung cư. Do đó, nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư dựa trên thời hạn sử dụng công trình thì sẽ dẫn đến những bất cập, gây tâm lý bất an cho người mua căn hộ và làm thị trường bất động sản nhà ở biến động.
Dự thảo Luật bỏ quyên đối tượng yếu thế là người khuyết tật
Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm lớn là đề xuất bỏ quy định chỉ được bán nhà ở xã hội (NƠXH) sau 5 năm. Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê NƠXH theo 2 phương án.
Cụ thể, phương án 1: cơ bản giữ nguyên quy định của luật hiện hành nhưng có sửa đổi quy định bên mua, bên thuê mua NƠXH được bán lại nhà ở này sau 5 năm nhưng chỉ được bán lại cho các đối tượng thuộc diện được mua NƠXH theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
Phương án 2: bãi bỏ quy định thời hạn được bán lại nhà ở, nhưng bên mua, bên thuê mua NƠXH chỉ được bán lại nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được mua NƠXH theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
Và một điểm đặc biệt khác nữa là, trong Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã bỏ quên đối tượng người yếu thế là người khuyết tật. Cụ thể tại Điều 88 quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung Điều 49) lại không thấy xuất hiện đối tượng là người khuyết tật.
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ông Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Theo Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, ông Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 cho rằng. Không chỉ pháp luật Việt Nam mà Luật pháp Quốc tế cũng quy dịnh rõ người khuyết tật là đối tượng chính sách người yếu thế cần được bảo vệ và được pháp luật bảo vệ và được ưu tiên một số chính sách theo quy định của pháp luật.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này được Bộ Xây dựng, triển khai xây dựng nhưng đối tượng chính sách là người khuyết tật lại bị bỏ qua. Đặc biệt hơn là điều 88 lại không có một câu chữ nào thể hiện quyền của người khuyết tật, cho thấy Bộ Xây dựng khi xây dựng Dự thảo Luật này đã chưa quan tâm sâu săc, đúng mức đối với người khuyết tật, đây là một điều rất đáng tiếc. Nếu Bộ Xây dựng vẫn giữ nguyên quan điểm không đưa đối tượng người khuyết tật vào Dự thảo Luật lần này để trình Quốc hội thông qua, thì quyền và chính sách của người khuyết tật bị xâm phạm nghiêm trọng.
Cụ thể: Theo Luật Người khuyết tật (Luật số 51/2010/QH12 ngày 17/6/2010. Tại Điều 4 quy định Người Khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;Điều 5 quy định chính sách của Nhà nước về người khuyết tật quy định hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.; Điều 6 quy định chi tiết xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Đặc biệt là tại Điều 14 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội. Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của người khuyết tật. Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật.
Tại Chương VII Luật Người khuyết tật cũng quy định về nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông quy định rất rõ về những ưu tiên đối với người khuyết tật được hưởng.
Hay như Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, và Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 nhằm mục tiêu chung hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
Dẫn chứng những văn bản Pháp luật và Nghị định, Quyết định, ông Quảng cho rằng, việc trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này không đưa những nội dung có tính kế thừa, nhân văn của Luật người Khuyết tật vào dự thảo là một điểu rất đáng tiếc. Mong sao Bộ Xây dựng lắng nghe, tiếp thu thêm trong nhân dân và tâm tư người khuyết tật, để làm sao Dự thảo Luật sát với thực tế và thể hiện tính nhân văn vốn có của con người Việt Nam và phù hợp với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta.
Tư tưởng của Bác Hồ là Người khuyết tật “tàn nhưng không phế” cho thấy tư tưởng của người luôn coi trọng người khuyết tật, khuyến khích người khuyết tật vượt qua khó khăn của bản thân để vươn lên sống tốt, sống có ích và được xã hội tôn trọng. Tư tưởng của Người luôn là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi chính sách. Theo ông Quảng, Dự Thảo luật lần này Ban soạn thảo cần bổ sung thêm đối tượng Người Khuyết tật để đảm bảo tính công tâm, công bằng của xã hội.
Cũng theo ông Quảng, Hiệp Hội sẽ có văn bản góp ý về Dự thảo Luật Nhà ở 2022 (sửa đổi) gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban soạn thảo.