Trước tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn ngân sách Nhà nước cho phát triển NƠXH, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank cam kết bố trí gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho 2 đối tượng là NƠXH và nhà ở cho công nhân được vay ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1,5 – 2%/năm.
Đến ngày 3/4/2023, NHNN chính thức có văn bản gửi các ngân hàng nêu trên triển khai gói tín dụng này. Theo đó, thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi 3 năm đối với chủ đầu tư; 5 năm đối người mua nhà kể từ ngày giải ngân, không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.
Nhưng lãi suất cho vay lại được áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư; 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.
Khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay do ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; được xác định rõ hoặc nêu rõ cách xác định tại thỏa thuận cho vay ký kết giữa ngân hàng với khách hàng.
Ảnh minh hoạ.
Những tưởng gói tín dụng ưu đãi mà phía NHNN đưa ra sẽ ngay lập tức kích cầu công nhân, người lao động thu nhập thấp mua NƠXH nhưng thực tế không phải như vậy.
“Khi nghe thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi mua NƠXH, tôi rất phấn khởi nhưng việc mua nhà với tôi vẫn là ước mơ xa vời. Hiện tại, thu nhập của tôi là 10 triệu đồng/tháng. Tiền tiết kiệm được khoảng 600 triệu đồng sẽ dùng đóng tiền các đợt đầu, còn lại tôi phải vay khoảng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhưng với lãi suất 8,2%/năm thì tôi phải trả hơn 12 triệu đồng/tháng, vượt quá thu nhập của mình. Để tránh áp lực về tài chính, tôi chọn tiếp tục ở nhà thuê, thay vì mua nhà lúc này” - chị Nguyễn Thị Thời (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, đơn giản hóa thủ tục và điều kiện thuận lợi nhất, dễ dàng nhất từ trước tới nay, tạo điều kiện cho đối tượng thụ hưởng nhanh chóng tiếp cận.
NHNN cũng đã quy định rất rõ nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và khách hàng thuộc đối tượng vay vốn bắt đầu từ ngày 1/4.
“Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, đến nay gói tín dụng này chưa phát sinh dư nợ. Những khó khăn, vướng mắc về giải ngân NƠXH liên quan đến nguồn cung, như lựa chọn chủ đầu tư; quỹ đất; ưu đãi dành cho chủ đầu chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán; quy định về điều kiện được mua NƠXH... là nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng” – ông Nguyễn Xuân Bắc cho hay.
Trước tình trạng trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị, để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, các bộ, ngành cần rà soát, sửa đổi văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Bên cạnh đó, UBND các địa phương cần quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận.