Đỗ đại học, nhưng trượt ký túc xá
Những ngày này, nhiều gia đình tỉnh lẻ đã phải chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ ở cho con cái vào đại học. Vì nhu cầu chỗ ở tăng cao, nên việc tìm được một chỗ ở là một điều không dễ dàng. Có một thực tế, nhu cầu cao thì đi kèm với giá thuê phòng trọ cũng tăng theo, nên việc sống trong những khu ký túc xá (KTX) của trường đại học cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, tổng số KTX của nhiều trường đều thấp hơn với số lượng tuyển sinh mới.
Quang cảnh ký túc xá trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại Cầu Giấy.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Hòa nhập, năm học 2022-2023, Đại học Quốc gia Hà Nội bố trí được 3 ký túc xá (KTX Mễ Trì, KTX Ngoại ngữ và KTX Mỹ Đình) với 6000 chỗ ở, trong đó ưu tiên quỹ nhà ở cho sinh viên năm thứ nhất là 1700 chỗ. Thế nhưng, năm nay số lượng tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội là 13.150 chỉ tiêu với tất cả các ngành, lĩnh vực đào tạo của nhà trường.
Ký túc xá trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 120 phòng, mỗi phòng có thể bố trí được 4-5 chỗ ở (tức chỉ đủ cho 600 sinh viên có thể ở trong KTX). Trong khi đó, số lượng sinh viên tuyển mới của trường Đại học kinh tế quốc dân là khoảng hơn 6.000 sinh viên/năm. Tương tự, Đại học Nội vụ cũng có khu ký túc xá gồm 03 dãy nhà với 56 phòng, diện tích từ 30-50m2/phòng và có thể đáp ứng được 566 chỗ ở dành cho sinh viên. Trong năm nay, Đại học Nội vụ mới đón gần 3000 sinh viên năm nhất vào nhập học. Như vậy, ký túc xá của nhà trường sẽ không thể đáp ứng được lượng sinh viên nhập học, ngược lại sẽ có rất nhiều sinh viên phải ra ngoài tìm nhà trọ riêng với mức giá cao gấp nhiều lần so với mức giá có thể thuê được ở ký túc xá.
Bạn Nguyễn Hà Phúc (sinh năm 2004, quê ở Hà Giang) là sinh viên năm nhất trường Đại học Nội vụ cho biết, bản thân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở. Do không thuộc diện được ưu tiên ở KTX, nên hàng tháng Phúc phải chi trả 2 triệu đồng tiền thuê phòng trọ, ngoài ra còn các chi phí sinh hoạt hàng tháng khiến gia đình phải chi một khoản tiền lớn để Phúc có thể theo học Đại học ở Hà Nội. Còn rất nhiều bạn sinh viên trường Đại học Nội vụ cũng đang phải tìm nơi ở bên ngoài vì ký túc xá của trường không thể đáp ứng được thêm sinh viên vào ở. Nguyện vọng của Phúc là trường Đại học Nội vụ sẽ mở rộng, bổ sung thêm nhà ở cho sinh viên, ký túc xá để gia đình Phúc giảm được chi phí sinh hoạt gửi lên để Phúc đi học.
Cũng giống như Phúc, rất nhiều bạn sinh viên năm nhất chia sẻ mong muốn có một chỗ ở trong KTX của nhà trường để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đỡ áp lực cho gia đình, hơn nữa ở trong KTX cũng phần nào yên tâm hơn vì an ninh – trật tự sẽ tốt hơn bên ngoài. Tuy nhiên, thực tế số lượng chỗ KTX của các trường đại học không thể đáp ứng nhu cầu của tân sinh viên, nên nhiều bạn đã phải ra thuê chỗ ở bên ngoài vì không được nằm trong diện ưu tiên được ở trong KTX của nhà trường.
Thực trạng nhà ở sinh viên và giải pháp
Đối mặt với sự quá tải lượng sinh viên trên địa bàn thành phố, thời gian qua Hà Nội đã xây dụng nhiều khu nhà ở sinh viên tại Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) hay khu đô thị Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, đã hơn 10 năm tính từ thời điểm dự kiến đi vào hoạt động nhưng một số dự án mới chỉ hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 tòa nhà và hầu như bị bỏ không. Trong khi đó, hàng ngàn sinh viên vẫn phải thuê phòng trọ với mức giá cao gấp nhiều lần so với mức giá thuê tại nơi này là 205.000 đồng/người/tháng.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội là trường có quy mô đào tạo lớn, cơ sở vật chất, hệ thống trường tại Hòa Lạc được xây dựng để đáp ứng được lượng sinh viên đang còn học tập và lượng sinh viên tuyển mới do cơ sở tại Xuân Thủy-Cầu Giấy, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn phải thuê của Đại học Ngoại ngữ và hiện tại đang dần không đủ để đáp ứng lượng sinh viên ngày càng tăng của trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc vẫn chưa được đưa vào sử dụng mà thực tế hiện tại mới chỉ phục vụ cho công tác giáo dục quốc phòng và sử dụng với mục đích nghiên cứu.
Bạn Đào Vân Thảo - sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn được chuyển tới cơ sở mới tại Hòa Lạc để có thể ở kí túc xá gần trường. Nhà ở dành cho sinh viên ở khu vực Xuân Thủy luôn kín, việc phải thuê trọ xa trường ảnh hưởng nhiều tới việc học của Thảo và các bạn sinh viên khác. Hiện nay vẫn chưa có thông báo nào về việc sinh viên trường Đại học Quốc gia được học tập, nghiên cứu tại cơ sở mới ở Hòa Lạc khiến các bạn sinh viên tiếp tục phải gia hạn thuê trọ ở xa trường.
Chất lượng cuộc sống sinh viên đang ở mức báo động bởi thực trạng nêu trên. Đã đến lúc Nhà nước có những chính sách đầu tư thích đáng cho nền giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng trường học, chỗ ở dành cho sinh viên. Đặc biệt trú trọng vào chất lượng nhà ở và những bất cập ảnh hưởng tới sinh hoạt của sinh viên trên địa bàn Hà Nội.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/ha-noi-bao-gio-sinh-vien-het-kho-khan-ve-nha-o1666314591.html