Từ cuối năm 2021 đên nay, tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Sài Gòn hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Theo chuyên gia BĐS, tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm "nóng" thị trường.
Trao đổi tại toạ đàm về môi giới BĐS, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, vài ngày tới đây, một tỉnh ở khu vực phía Bắc sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Tuy nhiên, số lượng đăng ký tới gần 1.000 người/đợt khiến Sở Xây dựng địa phương “choáng”. Họ không biết tổ chức chấm như thế nào, đề thi phân chia ra sao khi số lượng thí sinh tham dự quá đông.
Hay câu chuyện một người tốt nghiệp Đại học Xây dựng (Hà Nội), không vào làm việc ở bất kỳ một doanh nghiệp nào mà 5 năm qua kiếm được khoảng 10 tỷ đồng từ hoạt động môi giới BĐS. Hiện, người này đã mở công ty riêng chuyên về hoạt động môi giới… cho thấy, nghề môi giới BĐS dường như đang quá hấp dẫn đối với người dân.
Qua thống kê hiện có khoảng 300.000 người tham gia vào các dịch vụ môi giới BĐS trên cả nước. Con số thực tế có thể nhiều hơn, bởi ai cũng làm được công việc này. Các đại diện doanh nghiệp cũng nêu lên thực trạng nhiều đơn vị môi giới mới mở “ăn trộm” các thương hiệu BĐS. Họ lập website giống hệt, đưa cả nhân sự cao cấp vào, chỉ khác địa chỉ liên hệ và số điện thoại. Điều này khiến khách hàng không phân biệt được, làm giảm niềm tin vào thương hiệu. Doanh nghiệp mất uy tín khi bị giả mạo.
Trước thực trạng trên, vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định, tới đây sẽ có những quy định chặt về hoạt động của lĩnh vực môi giới BĐS.
Trước thực trạng trên, vị Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định, tới đây sẽ có những quy định chặt về hoạt động của lĩnh vực môi giới BĐS.
Cụ thể, có quay lại hình thức bắt buộc việc giao dịch các sản phẩm BĐS phải thông qua sàn để quản lý hay không? Nên bắt nhà môi giới độc lập phải vào các công ty để hoạt động được chuẩn hóa, có trách nhiệm hay việc cấp chứng chỉ hành nghề, định danh và mã số hóa các nhà môi giới BĐS.
Cũng theo vị này Bộ Xây dựng đang tích cực lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các bên để đưa vào quy định của Luật, trình Quốc hội.
Trong khi đó, TS. chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, môi giới BĐS cũng như mọi nghề khác, gọi họ là “cò” không phải có ý nghĩa xấu. Bởi, trên thị trường BĐS, chênh lệch giữa giá ý định bán và giá quyết định bán từ 20-30% là bình thường. Đối với BĐS có vị trí khác biệt, muốn tìm người mua hợp lý với giá hợp lý thì rất cần đội ngũ môi giới vào cuộc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương, trong đó Bộ đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Mới đây, Chính phủ thống nhất xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022. Trong đó, đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản, trong đó lưu ý đánh giá kỹ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,… để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.