Theo Tri thức trẻ, anh Trần M.D, sinh sống tại Lâm Đồng, bản thân đã phải ngậm đắng nuốt cay bồi thường cọc cho người mua 500 triệu đồng, chỉ bằng một chiêu thức gài bẫy diện tích thực tế lệch so với trên sổ đỏ.
Anh D. cho hay, gia đình anh sở hữu một mảnh đất rộng 2.700m2, trong đó có một phần là thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Vì có lợi thế từ thiên nhiên nên mảnh đất của anh rất hợp vừa đầu tư và xây nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do để lâu mà không có nhu cầu sử dụng tới, nên cuối năm 2021 vừa qua anh có rao bán mảnh đất đó với mức giá 3 tỷ đồng.
Mấy ngày sau thì 2 người này quay lại thương lượng, cuối cùng anh cũng chốt bán với mức giá 2,8 tỷ đồng. Sau đó, người mua yêu cầu làm hợp đồng đặt cọc 1 tỷ đồng, có công chứng và hẹn 2 tuần nữa sẽ tới giao dịch nốt.
Ảnh minh hoạ
Ban đầu, anh M.D nghĩ rằng, người mua có thiện chí nên mới đặt cọc nhiều. Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu xảy ra kể từ đây, đúng ngày hẹn người mua quay lại và đo đạc diện tích mảnh đất. Khi đó anh M.D mới tá hỏa, mảnh đất của anh diện tích không đủ 2.700m2 như cam kết trong hợp đồng.
“Sau khi đo lại thực tế diện tích mảnh đất chỉ có 2.500m2. Vì chưa bao giờ mua bán gì nên tôi thấy trên sổ đỏ ghi bao nhiêu thì tôi rao bán như thế. Tôi cũng chủ quan không đo lại trước khi rao bán”, anh M.D phân trần.
Người mua yêu cầu anh bồi thường, lúc này anh D. mới ngã ngửa phát hiện ra trong hợp đồng mua bán có cam kết: “Nếu diện tích đất không đủ, phải bồi thường người mua bằng số tiền cọc”.
“Ngoài căn nhà tôi đang ở mua lại của người quen thì đây là bất động sản đầu tiên tôi giao dịch nên cũng không lường hết được. Theo hợp đồng tôi phải bồi thường cho họ bằng số tiền cọc, tức 1 tỷ đồng. Nhưng sau khi trao đổi lại, họ đưa ra lý do đã cam kết bán mảnh đất này cho người khác và họ cũng đã nhận cọc. Cùng đó là chi phí, thời gian của họ đi lại, cuối cùng họ chốt bồi thường 500 triệu đồng và ký hủy hợp đồng mua bán thì người mua mới đồng ý. Nếu không bồi thường, mảnh đất này của tôi sẽ bị thuộc đất tranh chấp và không bán cho ai được nữa, vì khi ký hợp đồng mua bán đã có công chứng rồi”, anh M.D nói.
Tuy nhiên, mấy ngày sau, anh M.D được những người hàng xóm cho biết, trước ngày đặt cọc đã thấy một nhóm người tới mảnh đất của anh để đo diện tích. Khi ấy, anh mới hiểu là đã bị người mua gài bẫy.
“Mấy ngày sau, có người nói với tôi là thấy có người đến đo mảnh đất của tôi, khi ấy hàng xóm của tôi nghĩ là tôi đưa họ đi đo đất. Lúc đó, tôi mới tá hỏa ra là bị họ gài bẫy về diện tích đất. Nhưng cũng không thể kiện tụng hay làm gì được họ, bởi tôi không có bằng chứng gì, mà hợp đồng mua bán thì đã rõ ràng”, anh M.D nói.
Một môi giới bất động sản tại Lâm Đồng cho biết, có rất nhiều người, đặc biệt tại vùng nông thôn do diện tích đất lớn nên trong quá trình sử dụng bị người khác lấn chiếm hoặc vì lý do khác dẫn tới mất đất nhưng họ không phát hiện ra. Trong khi đó, họ chưa từng giao dịch bất động sản bao giờ nên khi gặp người mua đất họ am hiểu nhiều sẽ dễ dàng gài bẫy.
Còn tại Kon Tum, nhiều người phản ánh việc đất của gia đình bị đưa lên các trang mạng xã hội rao bán dù có ý định chuyển nhượng nhưng chưa từng làm việc hoặc tiếp xúc với người môi giới bất động sản. Đặc biệt, có trường hợp đất của người dân bị người khác phân lô, rao bán chính mảnh đất mình sở hữu.
Tại đây, nhóm người này đã tự ý cắm nhiều cọc để phân lô rồi tổ chức giới thiệu, quảng cáo, tư vấn để bán các lô đất này.
Qua các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và qua công tác kiểm tra thực địa, lực lượng chức năng TP.Kon Tum cũng xác định trên địa bàn các xã, phường như: Chư Hreng, Ngok Bay, Đăk Cấm, Đăk Rơ Wa, Hòa Bình, Vinh Quang, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo… có xảy ra tình trạng một số người đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại diện tích đất nông nghiệp này. Tuy nhiên, không lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ bằng hình thức viết giấy tay, thỏa thuận giữa bên mua, bên bán.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng TN-MT TP.Kon Tum cũng cho biết có tình trạng làm giả sổ đỏ để lừa đảo. Cụ thể trong thời gian từ năm 2020 - 2022, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Kon Tum đã phát hiện hàng chục sổ đỏ giả trong quá trình công chứng, làm thủ tục chuyển nhượng.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/mat-nua-ty-dong-khi-ban-dat-vi-chieu-gai-bay-cuc-tinh-vi1648726382.html