Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho hay, ngay từ đầu Quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch Covid lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mức độ hấp thụ trên thị trường rất thấp nên dù lượng cung mới hạn chế nhưng lượng lượng sản phẩm chào bán trên thị trường 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng cao so với cùng kỳ các năm 2019, 2020 (các sản phẩm chào bán hiện đa phần là hàng tồn từ trước)
Một phần nguyên nhân khiến bất động sản tăng giá là do giá vật liệu xây dựng đã tăng 30 - 40% so với cuối năm 2020.
Cũng do ảnh hưởng covid, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Và theo nguyên lý kinh tế vĩ mô, nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm.
Tuy nhiên, trên thực tế thị trường lại cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý, đó là: Cầu thực giảm (thể hiện ở số lượng giao dịch giảm), nhưng tổng tiền vào thị trường bất động sản lại đang tăng mạnh lên.
Nguyên nhân bởi một lượng tiền lớn rút từ các lĩnh vực khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm.
Nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn nhưng nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2, tháng 3/2021 vừa qua.
Ngoài ra, mức giá BĐS bị đẩy lên cao một phần cũng là do khung giá đất ở rất nhiều địa phương bị điều chỉnh tăng lên 15%. Vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều đã tăng khoảng 50% (nhóm chi phí này chiếm tỷ trọng trên 50% giá thành đầu vào bất động sản).
Từ các yếu tố trên khiến thị trường BĐS tăng giá mạnh và là cơ hội cho một bộ phận đầu cơ tham gia phát triển thị trường không tuân thủ quy định pháp luật. Thậm chí, có hiện tượng "xẻ thịt" chia lô đất, rừng đồi, ruộng để bán làm náo loạn trật tự ở nhiều địa phương trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Đính phân tích, Từ năm 2019, nguồn cung ra thị trường đã bắt đầu dần khan hiếm. Đến nay, tình trạng này cũng không mấy được cải thiện. Theo nguyên lý thị trường, khi cầu tăng, hàng hóa thiếu hụt, cung sẽ gặp cầu ở mức giá cao hơn, điều này lý giải hiện tượng tăng giá mạnh thời điểm đầu năm nay, nhiều dự án đã đưa ra mức giá còn cao hơn giá thị trường.
"Các dòng tiền hiện nay đang chảy vào thị trường BĐS gồm thu lợi từ thị trường chứng khoán, kiều hối, tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp... làm lực cầu BĐS tăng. Để thị trường BĐS Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, minh bạch về giá, các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường BĐS, kiểm soát lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của BĐS; đồng thời, kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực khác BĐS... Qua đó, điều chỉnh các dòng vốn về đúng mục tiêu để hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia", ông Nguyễn Văn Đính nhận định.
Đưa ra nhận định về giá BĐS trên thị trường trong quý III và 6 tháng cuối năm 2021, lãnh đạo Batdongsan.com.vn cho rằng, đại dịch COVID-19 là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội cho thị trường. Dòng tiền đầu tư mạnh vào thị trường BĐS khẳng định Việt Nam luôn là thị trường tiềm năng và BĐS vẫn là kênh "trú ẩn" tài sản an toàn, sinh lời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hay đại dịch.
“Khó xảy ra tình trạng mất thanh khoản thị trường và giảm giá. Quý III và 6 tháng cuối năm vẫn là giai đoạn có nhiều khó khăn, nhưng giá BĐS khó giảm sâu, chỉ dưới mức 5%. Do đó, nhà đầu tư cần xác định đầu tư dài hạn để có biên độ tăng giá tốt, còn trong ngắn hạn sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp BĐS cũng mong chờ các cơ chế chính sách tháo gỡ những bất cập hiện nay, hạn chế tình trạng có văn bản 6 tháng mới có hiệu lực, nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp", ông Nguyễn Quốc Anh cho hay.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/nguyen-nhan-nao-khien-bat-dong-san-tang-gia1625911238.html