Mới đây, chia sẻ trên Dân trí về việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bày tỏ những quan điểm riêng với vấn đề này.
Vị chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, sắc thuế này rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu rất kỹ, không phải "dăm câu ba điều" là có thể đề xuất được. Việt Nam cần nghiên cứu, xem xét cần có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế gắn chặt với điều kiện, hoàn cảnh trong nước.
Theo ông Võ, đề xuất đánh thuế nhà thứ 2 khó thực hiện bởi việc minh bạch tài sản chưa được làm rõ. Những người giàu vẫn có trăm phương ngàn kế để "lách", để người khác đứng tên…
"Chưa kể, mấy năm trước chúng ta từng rộ lên việc người Việt đứng tên thay cho người nước ngoài. Việc kiểm soát đứng tên hộ cũng không hề đơn giản. Khi xem xét thuế tài sản thì phải đưa ra được cả việc giải thích như nào về nguồn tài sản có thể chấp nhận được, thế nào phi lý. Chúng ta phải có số liệu chứng minh, tổng nhà thứ hai là khoảng bao nhiêu, số liệu ngần này, phải tăng thuế ngần này, giảm ngần này….
Một sắc thuế liên quan tới rất nhiều thứ phức tạp. Trong khi đó hệ thống thuế của chúng ta còn nhiều điều bất cập. Chúng ta nên lưu ý rằng việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay vẫn giao cho thôn, xóm ở nông thôn và tổ dân phố ở đô thị thực hiện theo kiểu "thủ công". Cách quản lý trên giấy lạc hậu hiện nay không thể đưa kỳ vọng thành hiện thực. Hiệu quả của sắc thuế này chỉ có thể chắc chắn khi hành chính đất đai - bất động sản và hành chính thuế là hành chính số, làm được mọi thứ thật minh bạch".
Khi mối quan tâm của đa số người dân là làm sao tiếp cận được giá nhà tốt, hạ nhiệt giá bất động sản, ông Võ cho rằng cần phải giải toả được nguồn cung. Giải pháp trước mắt để gỡ khó cho thị trường hiện nay có thể làm ngay là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh.
Về mặt pháp lý, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nhà nước cần tập trung sửa đổi Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị. "Thực tế, Luật Đất đai hiện hành đã xuất hiện rất nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ để khai thác tối đa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội… Khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế đình trệ, giá bất động sản có xu hướng tăng cao thì việc cơ quan Nhà nước cần làm là tập trung vào sửa đổi pháp luật, thảo luận triết lý phát triển thời gian tới, giải pháp về đất đai, bình ổn thị trường ra sao. Tuy nhiên, chúng ta lại dừng lại chưa bàn.
Chúng ta mới công nhận đất nhà ở là phải từ đất ở hoặc đất có "dính" đất ở (đất hỗn hợp). Nhưng có thực tế là đất nông nghiệp hiện nay chiếm rất lớn, không thể bỏ nó ra ngoài đô thị được. Việc phê duyệt các dự án nhà ở phải phụ thuộc vào quy hoạch, dựa vào quy hoạch. Nếu quy hoạch khoảng đó là nông nghiệp, khoảng xanh thì phải để nó thế. Còn quy hoạch là nhà ở thì có thể cho chuyển đổi", ông Võ nói.
Còn TS Dương Kim Thế Nguyên, Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH) chia sẻ trên TTO nhận định: "Việc đánh thuế đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước phải nắm được những thông tin dữ liệu về đất đai. Thực tế hiện nay việc này rất bất cập, dữ liệu về người sử dụng đất không được liên thông giữa các cơ quan và rất khó để phát hiện ra một người hiện đứng tên bao nhiêu nhà đất.
Một việc quan trọng hơn là xác định đúng giá trị nhà đất để tính thuế. Hiện tại thông tin về giá trị nhà đất rất mơ hồ, có tình trạng giá kê khai thấp hơn giá thực tế giao dịch nên giá thị trường là bao nhiêu không dễ xác định, nên đòi hỏi phải kiểm soát lại minh bạch giá chuyển nhượng nhà đất.
Cách tạo thị trường lành mạnh, ổn định, đáng quan tâm nhất lúc này có lẽ là một giải pháp mang tính tổng hợp, trong đó, nền tảng là sửa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị. Cứ làm tốt việc sửa đổi 2 luật này thì tôi tin là thị trường bình ổn, hạ nhiệt rồi.