NVL nợ gần 3.000 tỷ tại PVcombank
Theo báo cáo tài chính được công bố, về tình hình vay nợ trái phiếu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland; mã chứng khoán NVL), nhiều ngân hàng TMCP đứng top đầu trái chủ lớn của Novaland hiện nay như Ngân hàng Quân Đội, VPBank, TPBank, Credit Suisse AG, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank).
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2022 mới được công bố, NVL đang nợ PVComBank khoảng 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, Novaland đang có khoản nợ 1.350 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn tại PVcomBank – chi nhánh Sài Gòn đã mua. Gói trái phiếu đáo hạn vào năm 2024. Lãi suất cho kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 12,5%/năm. Lãi suất cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chỉnh ba tháng một lần và bằng lãi suất cơ sở tại thời điểm điều chỉnh cộng 5%. Trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của các cổ đông.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Đồng thời, Novaland cũng ghi nhận khoản nợ 1.650 tỷ đồng trái phiếu dài hạn tại PVComBank – chi nhánh Sài Gòn. Đây là khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu, đáo hạn vào tháng 11/2024. Lãi suất cho kỳ tính tính lãi đầu tiên cố định 12,5%. Trái phiếu này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của hai dự án tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Kết thúc năm 2022, số dư trái phiếu của Novaland tại PVcomBank đã giảm hơn 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.
PVcombank lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng vọt
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022 được PVcombank công bố, thu nhập lãi thuần Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) trong 6 tháng đầu năm đạt mức 1.097,6 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, nhiều mảng hoạt động kinh doanh của PVComBank cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh như hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 327,6% lên mức 161,7 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 128,6% lên mức 363,6 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ 5,3% đạt 197 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối của PVComBank ghi nhận lỗ hơn 51,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ gần 15,5 tỷ đồng); Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần giảm tới 75,3% xuống còn 6,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng tăng 114% so với cùng kỳ năm trước lên mức gần 396 tỷ đồng. Tuy nhiên, PVcomBank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro lên 334,7 tỷ đồng do nợ xấu tăng mạnh. Đồng thời thuế của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm lên tới 17,5 tỷ đồng (cao gấp 3 lần cùng kỳ) nên lợi nhuận sau thuế còn lại chỉ đạt 43,3 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết thúc quý 2/2022, tổng tài sản của PVcomBank đạt 196.473 tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 6,5% đạt 94.495,7 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng đạt 155.550 tỷ đồng, tăng 4%.
Đáng lo ngại, chất lượng cho vay khách hàng của PVComBank đang có dấu hiệu suy giảm khi tổng nợ xấu nội bảng của ngân hàng tính đến ngày 30/06/2022 là hơn 3.031 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần so với đầu năm. Đáng chú ý là Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn cao tăng 38,2% lên mức 2.144,4 tỷ đồng, chiếm 70,7% tổng nợ xấu của PVComBank. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PVComBank tăng từ 1,6% hồi đầu năm lên 3,21%.
Ngoài khoản hơn 3.031 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, PVComBank cũng đang sở hữu khoản nợ xấu hơn 7.500 tỷ đồng tại Công ty TNHH TMV Quản Lý Tài Sản Của Các TCTD Việt Nam (VAMC).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng đưa ra "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác..
Theo báo cáo dư nợ cho vay theo ngành, cuối quý 2/2022, PVcomBank đang cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức 9.778 tỷ đồng chiếm 10,3% dư nợ cho vay của ngân hàng này.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/nvl-no-gan-3000-ty-dong-trai-phieu-tai-pvcombank1680662994.html