Chia sẻ trên Dân trí, luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc ôm đất bỏ hoang đã vi phạm những nguyên tắc cũng như chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng, đầu tư vào đất đai. Thậm chí, việc bỏ hoang, không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích còn là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai 2013.
Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng đất bỏ hoang, Luật Đất đai 2013 quy định, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai trong những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thiếu trách nhiệm trong quản lý và một số trường hợp khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo vị luật sư này, quy định này lại rất chung chung. Thậm chí, không có quy định cụ thể đối với trường hợp để xảy ra tình trạng không thu hồi đối với những trường hợp không sử dụng đất thì xử lý ra sao, không có quy định ở những văn bản dưới luật hướng dẫn xử lý.
Theo các chuyên gia bất động sản, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, bền vững, các địa phương thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cách để ngăn đà tăng giá ảo của đất đai là sử dụng công cụ thuế. Và câu chuyện chính là phải cải cách thuế. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, công cụ thuế đóng vai trò ngăn ngừa đầu cơ, tích trữ bất động sản (bao gồm cả đất đai) dưới dạng có bất động sản nhưng để hoang hóa, giữ đất nhưng đầu tư cầm chừng, sử dụng đất không hiệu quả. Khi đầu cơ được kiểm soát, giá bất động sản sẽ giảm, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và dễ dàng tiếp cận nhà ở cho nhóm người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, thuế bất động sản cũng đảm bảo chức năng thu giá trị bất động sản tăng thêm không do đầu tư của chủ sở hữu mang lại. Việc này sẽ ngăn chặn tình trạng sốt giá đất cục bộ xảy ra trong quá trình đô thị hóa như thành lập các khu kinh tế mới, chuyển từ huyện thành quận..., thông qua cách đánh thuế lũy tiến vào những trường hợp nhận chuyển nhượng rồi chuyển nhượng ngay trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ này, cần phải nhấn mạnh rằng chưa nên nói tới thuế thời điểm Covid-19. Nền kinh tế khó khăn, việc đưa ra một chính sách thuế là cực kỳ nhạy cảm, dù hệ thống thuế của Việt Nam thực sự còn nhiều vấn đề.
"Thuốc đặc trị" tốt nhất bây giờ là kiểm soát được Covid-19, kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh phục hồi, dòng tiền được nắn vào sản xuất kinh doanh, phát triển thực chất thay vì đầu tư tài sản.
Cùng với đó, ông cho rằng nên cần duyệt quy hoạch sớm để mọi thứ nó rõ ràng, cái gì đầu tư mới thì rõ ràng đi. Mọi thông tin phải công khai và minh bạch để người dân biết.
Bộ Xây dựng đề nghị sớm hoàn thiện thế chế, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.
Đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất… Đồng thời, tập trung tháo gỡ pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung, tạo điều kiện phát triển các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình, điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp nhu cầu của thị trường…
Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra đồng thời xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có). Đặc biệt, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.
Rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.