Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Thực hiện chỉ thị trên, một số ngân hàng đã có động thái siết cho vay bất động sản. Theo các chuyên gia, siết tín dụng cho vay bất động sản nhằm mục đích giảm sức nóng của thị trường khi tình trạng đầu cơ diễn ra phổ biến.
Song ở chiều ngược lại, không ít người lo lắng điều này sẽ khiến nhóm khách hàng thực muốn sở hữu một căn nhà bị thu hẹp. Điều này cũng có nghĩa, tệp khách hàng mua nhà ở thực vừa phải chấp nhận mức giá bất động sản gia tăng không ngừng, vừa khó sử dụng đòn bẩy tài chính.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, có thể thấy ‘cặp đôi’ bất động sản và ngân hàng thương mại gắn bó nhau khá nhiều năm trong việc ngân hàng cấp tín dụng, bất động sản nhờ đó tăng mạnh.
Tuy nhiên, từ năm 2019, các cơ quan quản lý đã nhận thấy rủi ro đối với hoạt động cho vay bất động sản nên đã ‘siết’ tín dụng đổ vào lĩnh vực này. Năm 2020-2021, trong lúc ngân hàng giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản thì trái phiếu doanh nghiệp phát hành rất mạnh, với phần lớn trái chủ là các ngân hàng và cũng đã dần được kiểm soát chặt hơn.
“Khi bị “siết” tín dụng, bất động sản chắc chắn gặp khó khăn. Khó khăn từ phía nhà đầu tư không còn thuận lợi dễ dàng để vay, mặc dù có thể nhà đầu tư cá nhân vẫn tính toán được miếng đất tốt, chấp nhận trả lãi, ‘gồng’ trong giai đoạn giá chưa tăng nhưng ngân hàng không dám cho vay; dẫn đến nhà đầu tư không mua được miếng đất này.
Theo đó, thị trường không bán được, mất thanh khoản, tạo dây chuyền lan rộng, thị trường có thể đi đến ‘đóng băng’. Với doanh nghiệp bất động sản trong chiến lược ‘đất là vua’, lấy đất trước, xây dựng sau, bán hàng sau chắc chắn khó khăn trong giai đoạn tới”, ông Hiển nhận định.
Còn với người mua nhà để ở, nhất là mua căn hộ chung cư, ông Hiển cho rằng, ngân hàng vẫn có thể cho vay. Tuy nhiên, người mua nhà có thể sẽ chịu áp lực về lãi suất có thể sẽ tăng thêm.
Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc hạn chế, hoặc ngừng vay mua bất động sản của một số ngân hàng đến từ tình trạng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tới ngưỡng, cần siết lại. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhờ nhu cầu của thị trường lớn, lãi suất cho vay cao nên ngân hàng không bỏ qua.
Ông Lâm cho rằng, số lượng người vay vốn để đầu cơ bất động sản không nhiều, nhất là đầu cơ mua đất bởi đây là khoản đầu tư dài hạn, nhiều rủi ro về thanh khoản và giá cả. Phần lớn những người vay vốn mua bất động sản đều có nhu cầu mua nhà để ở, trong đó chủ yếu là mua chung cư và thế chấp bằng chính tài sản đó. Đây là nhóm khách hàng nằm trong danh sách bị hạn chế. Vị chuyên già này đưa ra khuyến nghị rằng, các ngân hàng sẽ siết tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, không nên khóa van tín dụng bất động sản. Trường hợp tín dụng bị khoá đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.
Thông tin trên Tuổi trẻ Online, Tổng giám đốc một NH lớn khác tại TP.HCM cho hay với việc giá đất tăng dựng đứng thời gian qua, việc NH Nhà nước tuýt còi, yêu cầu siết cho vay bất động sản là hợp lý. Tuy nhiên, NH này vẫn đang cho vay cả với nhà phát triển dự án lẫn người vay mua nhà.
"Không có chuyện tất cả NH cùng dừng cho vay kinh doanh bất động sản. NH Nhà nước không hạn chế việc cho vay với người dân mua nhà để ở nên nhiều NH vẫn cho vay bình thường", vị này nói.
Hay ông Tiết Văn Thành, tổng giám đốc Agribank, cho biết NH này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỉ đồng. Bên cạnh đó, việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường.