Hình ảnh trụ sở của Tập đoàn Evergrande (Ảnh: Caixin Global)
Đại diện của Evergrande ngày 14/9 đã thừa nhận tập đoàn đang đứng trước sức ép “đặc biệt lớn” và có thể không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ lớn. Sự sụp đổ của ông lớn này có thể sẽ gây ra thảm họa lớn, khi mà có tới 1,5 triệu khách hàng đã bỏ tiền ra mua căn hộ còn chưa được xây dựng.
Trong hai ngày trở lại đây, nhiều khách hàng đã tụ tập, biểu tình phản đối tại trụ sở chính của Evergrande với thái độ tức giận. Họ đòi lãnh đạo Evergrande cho biết thông tin về tương lai của tập đoàn. Giới đầu tư đang ngày một lo ngại, bởi nếu Evergrande sụp đổ sẽ lan tỏa đến các nhà phát triển bất động sản khác, tạo nguy cơ hệ thống đối với ngành ngân hàng Trung Quốc.
Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn đã hoàn thành 900 dự án xây nhà thương mại, hạ tầng bất động sản. Gần đây, Evergrande còn mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực mới như thực phẩm, giải trí, nghiên cứu phát triển xe điện.
Evergrande mới đây vẫn còn là doanh nghiệp bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc xét theo doanh thu. Có trụ sở đặt tại Thâm Quyến, Evergrande – trước đây còn có tên là Hengda, chuyên về mảng cung cấp căn hộ cho đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình và thu nhập cao.
Tập đoàn được thành lập vào năm 1997, do ông Hui Ka Yan đứng đầu. Ông cũng nhanh chóng gia nhập đội ngũ tỉ phú mới nổi trong quá trình mở cửa kinh tế ở Trung Quốc. Năm ngoái, ông Hui là người giàu thứ ba tại Trung Quốc theo xếp hạng của Forbes, nhưng tài sản của ông chủ Evergrande cũng từ đó bắt đầu bốc hơi.
Vấn đề lớn nhất mà Evergrande đang gặp phái là sức ép đến từ “núi nợ” lên đến 300 tỉ USD sau nhiều năm đi vay để có đủ vốn hỗ trợ tăng trưởng nhanh. Kể từ vài năm trước, Evergrande cũng đã đẩy nhanh việc mua bán, sáp nhập, vì muốn tận dụng được đà tăng trưởng nóng của ngành bất động sản.
Nhưng mọi chuyện bắt đầu vỡ lở khi Bắc Kinh đã đưa ra những biện pháp mới trong tháng 8/2020 về giám sát và kiểm soát chặt chẽ tổng mức nợ của các công ty, doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Căn hộ do Evergrande cung ứng được giao dịch chủ yếu dựa trên các hợp đồng bán mua bán góp vốn trước. Nên việc chính quyền siết chính sách đã buộc tập đoàn này phải bung hàng ra thị trường với mức chiết khấu, giảm giá ngày một lớn.
Theo nguồn tin của Bloomberg, chính quyền Quảng Đông đã khuyến khích những ngân hàng lớn của Evergrande thành lập một ủy ban cho vay. Điều này sẽ cho phép các nhà băng kiểm soát những quyết định lớn, bao gồm thanh lý tài sản.
Các ngân hàng khá do dự trước đề xuất trên, cho đến khi nhận được cái gật đầu từ cơ quan quản lý quốc gia.
Các nhà đầu tư tập trung tại trụ sở của Evergrand để đòi lại những sản phẩm quản lý tài sản quá hạn hoàn trả. Ảnh: Reuters.
Ước tính các khách hàng đã ứng tiền theo kiểu góp vốn trước này cho khoảng 1,5 triệu căn hộ. Nhiều người mua bày tỏ lo ngại về khả năng liệu có rút được tiền về hay không sau khi các dự án xây dựng bị đóng băng. Tuần trước, Fitch và Moody đã đồng loạt hạ mức tín nhiệm với Evergrande và cổ phiếu của tập đoàn này đã mất giá đến 80% trong năm nay.
Đến ngày 14/9, Evergrande lại ra một thông cáo mới gửi tới Sở Giao dịch chứng khoán Hong Kong – nơi tập đoàn chọn niêm yết cổ phiếu. Evergrande khẳng định đã thực hiện việc thuê chuyên gia tài chính để khảo sát “tất cả các biện pháp khả thi” để giúp giải tỏa tình cảnh khan hiếm tiền mặt. Nhưng thông cáo cũng cảnh báo rằng sẽ không có bảo đảm chắc chắn về việc Evergrande có đủ khả năng tuân thủ các nghĩa vụ tài chính, trả nợ vay đúng hạn.
Vấn đề đặt ra hiện nay là việc chính quyền có ra tay trợ giúp Evergrande hay không. Bất động sản là một trong những động lực chính đối với tăng trưởng của Trung Quốc, chiếm 29% sản lượng kinh tế. Giới phân tích nhận định một tập đoàn lớn như Evergrande phá sản sẽ gây ra những hệ lụy lớn. Sự sụp đổ này nếu diễn ra sẽ là bài thuốc thử khắc nghiệt nhất mà hệ thống tài chính-ngân hàng tại Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây.