Ngày 20/5, Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gàn, đơn vị phát triển Dự án trang trại điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3.500 MW thuộc sở hữu của Copenhagen Infrastructure Partners, cùng Asiapetro và Novasia đã ký kết hai hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên - Môi trường Biển Khu vực phía Bắc (CPIM) thuộc Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam.
Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn hợp tác cùng Đan Mạch tại tỉnh Bình Thuận nhắm tới việc xây dựng một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên và sẽ góp phần phát triển nền năng lượng gió ở Việt Nam.
Cụ thể, hai hợp đồng là Khảo sát Địa vật lý La Gàn và Hợp đồng Nghiên cứu Địa chất La Gàn sẽ bao gồm các cuộc khảo sát và nghiên cứu địa chất lớn trị giá nhiều triệu USD.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Kim H. Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết với việc ký kết các hợp đồng khảo sát này, dự án Điện gió Ngoài khơi La Gàn đã thể hiện sự cam kết, thái độ nghiêm túc và sự sẵn sàng đầu tư lớn cả về mặt tài chính và kỹ thuật để có thể xúc tiến dự án ngay khi nhận được giấy phép từ chính phủ.
“Chúng tôi mong Dự án La Gàn có thể được đưa vào Quy hoạch điện 8 càng sớm càng tốt, không chỉ giúp tạo động lực khởi đầu tốt cho cả ngành năng lượng mà còn góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của chính phủ về phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững” ông Kim H. Christensen chia sẻ.
Đại sứ quán Đan Mạch cho hay, khảo sát và nghiên cứu địa vật lý là những công việc then chốt giúp cho các dự án điện gió ngoài khơi nắm được hiện trạng đáy biển và xúc tiến các hoạt động các mô hình mặt đất và thiết kế nền móng.
Theo hợp đồng Khảo sát Địa vật lý La Gàn, các đơn vị của Việt Nam và Đan Mạch sẽ phối hợp chặt chẽ để thu thập dữ liệu thủy văn cùng các mẫu trầm tích đáy biển để xác định độ sâu, đặc điểm đáy biển và địa chất tầng đáy.
Trong khi đó, với hợp đồng Nghiên cứu Địa chất La Gàn, các đơn vị của Việt Nam và Đan Mạch cũng sẽ tiến hành đánh giá điều kiện địa chất, sinh vật biển và sử dụng tài nguyên biển để có các thông tin đầu vào thiết yếu cho quá trình phát triển trang trại điện gió ngoài khơi.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, là một trong những quốc gia từ rất lâu nay đã luôn đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng sang hướng xanh và bền vững, Đan Mạch mong muốn Quy hoạch Phát triển Điện lực quốc gia 8 sớm được phê duyệt vì Quy hoạch này sẽ tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của ngành năng lượng Việt Nam, bao gồm việc huy động các nguồn lực kinh tế và tài chính xã hội cần thiết, cả trong nước và quốc tế.
Trước đó, vào tháng 2/2021, Công ty Cổ phần Phát triển dự án điện gió La Gan đã ký 4 biên bản ghi nhớ (MOU) về cung cấp nền móng và các dịch vụ bến cảng.
Với việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, sử dụng công nghệ điện gió tiên tiến nhất, mục tiêu của dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là đảm bảo nhu cầu năng lượng dài hạn của Việt Nam và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tỉnh Bình Thuận một cách bền vững.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng đặc biệt lớn để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và có cơ hội bứt phá khỏi sự phụ thuộc vào than đá và nhập khẩu khí đốt.
Một nghiên cứu tác động kinh tế do các chuyên gia quốc tế thuộc BVG Associates (đơn vị tư vấn của Ngân hàng Thế giới) thực hiện, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi hoàn thành và đi vào hoạt động hết công suất sẽ cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt Nam mỗi năm và giúp giảm phát thải 130 triệu khí thải CO2 trong suốt vòng đời dự án.
Trên thực tế, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió đã được Chính phủ đề cập từ rất sớm, năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định 37/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và đến năm 2018, có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 37/2011/QĐ-TTg. Nhờ đó điện gió đã có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên mới ở loại hình trên bờ và gần bờ.
Nhằm tận dụng những cơ hội phát triển điện năng lượng tái tạo, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương đã đưa vào dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi từ 2-3 GW đến năm 2030, chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất nguồn điện đến năm 2030.
Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài cả điện gió gần bờ và xa bờ, Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) dự báo, Việt Nam có thể sẽ trở thành 1 trong 5 trung tâm điện gió ngoài khơi của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.
Điện gió ngoài khơi tạo ra một lượng lớn năng lượng không có carbon với năng suất cao. Do đó, nó cung cấp nguồn năng lượng tái tạo đáng tin cậy nhất để đáp ứng các thách thức về nhu cầu và nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn, đồng thời hướng tới các mục tiêu loại bỏ cacbon trong dài hạn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện biện pháp nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ngăn tình trạng thiếu điện trong tương lai, điện gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng có thể cung cấp giải pháp cho vấn đề này cả về quy mô và độ tin cậy.