Nữ giáo viên nói lý do tiêm 2 mũi AstraZeneca cách nhau 10 phút
Khoảng 7h30 ngày 18/9, Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã tổ chức cho các giáo viên trên địa bàn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy làm thủ tục tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Đúng lịch hẹn, cô L.T.L (32 tuổi) có mặt tại điểm tiêm và mang theo 2 tờ giấy, gồm: Giấy tự nguyện kê khai tiêm vắc-xin và tờ giấy do bác sĩ khám xác nhận tiêm vắc xin để vào làm thủ tục tại bàn tiêm số 1. Sau khi tiêm, thay vì nộp giấy ở bàn cấp phát giấy chứng nhận và ngồi chờ 30 phút theo quy trình tiêm chủng thì nữ giáo viên này lại di chuyển sang bàn tiêm số 2.
Bản tường trình (Ảnh Dân Việt).
Nữ giáo viên giải thích rằng do bản thân quá run sợ nên không để ý đến việc phải nộp giấy tại bàn chứng nhận mà tiếp tục di chuyển qua bàn số 2 để làm thủ tục tiêm và khẳng định không hề cố tình che giấu hay có chủ đích để tiêm 2 mũi cùng lúc, bởi cô hiểu rõ việc tiêm 2 mũi vắc-xin liên tục sẽ rất nguy hiểm. Theo cô L. một số luồng thông tin nói cô có ý định gian dối để tiêm "4 mũi vắc-xin cùng lúc" là không đúng. Nữ giáo viên cũng đã làm tường trình sự việc để gửi lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Lệ Thủy.
Nhảy cầu cứu cô gái, thượng úy quân đội nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư khen ngợi tinh thần dũng cảm lao mình xuống dòng sông Đáy cứu người của Thượng úy Ngô Văn Thứ, nhân viên Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam vì đã dũng cảm lao mình xuống sông Đáy cứu cô gái bị đuối nước, đưa vào bờ an toàn.
Trước đó khoảng 11h30 ngày 17/9, người dân lưu thông qua cầu Châu Sơn, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam phát hiện một cô gái đang chấp chới dưới dòng sông nên hô hoán, kêu cứu. Đúng lúc này Thượng úy Ngô Văn Thứ đi làm từ cơ quan về nhà thấy vậy đã lao mình xuống sông và bơi đến chỗ người bị nạn.
Với kinh nghiệm của một quân nhân từng được huấn luyện cơ bản về các kỹ năng bơi, kinh nghiệm cứu vớt người đuối nước, anh đã nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, cố gắng đảm bảo an toàn khi di chuyển giữa dòng nước và giúp nạn nhân không bị ngạt thở.
Thượng uý Thứ bơi ra cứu cô gái bị đuối nước (Ảnh Dân Việt).
Theo thượng uý Ngô Văn Thứ, khoảng cách từ trên cầu xuống mặt sông khoảng 20 m chưa kể phải bơi gần 90 m mới tiếp cận được nạn nhân. Tuy nhiên, lúc đó trong đầu anh chỉ nghĩ bằng mọi cách phải cứu được người gặp nạn, chứ không nghĩ đến nguy hiểm trước mắt.
Bố lùi xe đè trúng khiến con trai 2 tuổi tử vong
Chiều 20/9, UBND thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc đáng tiếc khi người bố vô tình lùi xe khiến con trai bị cán tử vong.
Theo đó, vào khoảng 11h ngày 20/9, anh T.B.P. (30 tuổi) lùi xe tải vào nhà ở tổ dân phố Kim Thành, thị trấn Đồng Lộc để chở hàng.
Thời điểm lùi xe, do không biết con trai 2 tuổi của mình đang đứng phía sau nên đã đè trúng cháu bé.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, người nhà đã nhanh chóng gọi xe cấp cứu nhưng bé trai đã tử vong. Được biết, cháu bé là con đầu của vợ chồng anh P.
Sự việc khiến gia đình, người thân vô cùng đau xót.
Hà Nội yêu cầu lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải
Theo đó, để đảm bảo thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái), xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng Công-ten-nơ, xe đầu kéo) trên địa bàn Thành phố:
Khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 và khoản 5 Điều 34 Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-01-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Hà Nội yêu cầu lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải (Ảnh TTXVN).
Đối với các đơn vị đã lắp đặt camera trên xe ô tô: Báo cáo về Sở GTVT Hà Nội danh sách các xe đã lắp đặt Camera (số lượng phương tiện đã lắp/số lượng phương tiện phải lắp) với nội dung “v/v lắp đặt Camera trên xe ô tô” định kỳ trước 20 hàng tháng cùng với báo cáo kết quả hoạt động vận tải.
Sở GTVT cũng giao phòng Quản lý vận tải tăng cường tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Định kỳ vào ngày mùng 5 hàng tháng, tổng hợp và báo cáo UBND Thành phố và Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết quả thực hiện lắp camera theo quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn Thành phố, đề xuất tạm dừng giải quyết các Thủ tục hành chính đối với các đơn vị vận tải không nghiêm túc thực hiện các quy định.
Chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà là người khuyết tật
Người khuyết tật mắc COVID-19, ngoài việc cần chăm sóc như mọi người nhiễm thì cần được quan tâm, chăm sóc đặc biệt, nhất là với người có khó khăn trong tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày...
25 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh
Bộ GD&ĐT thông tin về tình hình tổ chức dạy học tại 63 tỉnh, thành phố, theo đó, có 25 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh.
Các địa phương này gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Cao Bằng, Điện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Ngoài ra, có 14 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Sơn La, Thừa Thiên Huế.
Còn lại 24 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh và TPHCM.
25 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh (ảnh minh họa).
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch COVID-19.
Theo đó, đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội và không tổ chức dạy học trực tiếp tại trường: Triển khai tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình các nội dung lí thuyết, hướng dẫn học sinh khai thác hiệu quả sách giáo khoa để học tập.
Đối với lớp 1, lớp 2: Ưu tiên tổ chức dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này, khi học sinh đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.
Đối với lớp 3 đến lớp 12: Tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Hướng dẫn tổ chức tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài thời gian như học trực tiếp trên lớp để bảo đảm sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, ti vi.
Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19: Tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi địa phương có thể tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần; đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để triển khai dạy học trực tuyến khi cần thiết.
Quảng Ninh một số hoạt động dịch vụ du lịch nội tỉnh được mở cửa trở lại
Sau 84 ngày, tỉnh Quảng Ninh không phát hiện ca nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Trong tuần qua, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung cao nhất cho tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19.
Tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt triển khai tiêm trên 1.066.000 liều vắc xin phòng Covid-19 cho gần 90% dân số trong tỉnh. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã mở lại một số hoạt động dịch vụ du lịch nội tỉnh.
Quảng Ninh một số hoạt động dịch vụ du lịch nội tỉnh được mở cửa trở lại (Ảnh minh họa - VOV.VN).
Cụ thể, ngày 19/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) ban hành Công văn số 8673/UBND-VP về việc mở lại một số hoạt động dịch vụ trong tình hình mới. Theo đó, thành phố sẽ mở lại một số hoạt động trên địa bàn, gồm: Các bãi tắm công cộng; các dịnh vụ, hoạt động thể thao (sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a,...) và các hoạt động vui Tết Trung thu.
Tiếp theo đó là TP Móng Cái thông báo từ 12h ngày 20/9 mở lại các dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa…; Các khu, điểm du lịch, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nhà hàng, quán ăn trong nhà, hàng quán đường phố, cà phê, giải khát, quán nước, đám hỏi, đám cưới.
Cũng từ 17h ngày 20/9, TP Uông Bí cho phép mở lại một số hoạt động trên địa bàn, gồm dịch vụ, hoạt động thể thao: sân bóng đá, phòng tập gym, yoga, câu lạc bộ bi-a (tiếp tục tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, mát xa, bar, trò chơi điện tử).
TP Cẩm Phả cũng vừa có thông sẽ mở lại các hoạt động dịch vụ văn hoá - thể thao, vui chơi giải trí; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, ăn uống… từ 0h ngày 21/9.