Theo số liệu thì có 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng thực tế số lượng người chưa tiêm còn lớn và nhiều trường hợp tử vong.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP đã triển khai tiêm mũi nhắc lại và bổ sung vaccine COVID-19 gần 1 tuần qua. Đến nay, có 5.747 mũi tiêm bổ sung cho đối tượng suy giảm miễn dịch, hơn 11.000 người được tiêm nhắc lại. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tăng tốc việc tiêm bổ sung và nhắc lại này.
Hiện nay, thống kê số liệu tại 20 quận, huyện và TP.Thủ Đức cho thấy có hơn 37.000 người trên 18 tuổi chưa được tiêm vaccine. Riêng huyện Nhà Bè và quận 6 chưa cập nhật số liệu.
TP.HCM có 650.000 người trên 65 tuổi, đến nay đã khảo sát được 109.350 người, trong đó mới chỉ có 54.509 người chi tiết dữ liệu với 4.545 người đã được tiêm 1 mũi (chiếm 8,3%), 46.932 người tiêm 2 mũi (chiếm 86,1%) và 3.032 người chưa tiêm (chiếm 5,6%).
Trước đó, tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, theo số liệu thì có 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng thực tế số lượng người chưa tiêm còn lớn và nhiều trường hợp tử vong. Nguyên nhân là tỷ lệ tiêm chủng được Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM thống kê ở thời điểm trước dịch. Trong khi đó, tình hình di biến động dân cư ở thành phố phức tạp.
Chuyển đổi số là yếu tố then chốt để phục hồi kinh tế sau đại dịch
Chuyển đổi số là yếu tố then chốt để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Là trung tâm kinh tế- tài chính chủ đạo của nền kinh tế với xấp xỉ 20% GDP và 10% dân số của cả nước, TP.HCM mang một trọng trách to lớn nhằm tạo nên động lực có sức đột phá lớn cho cả nước trong thời kỳ hậu COVID-19”. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế.
Giáo sư Hà Tôn Vinh - người Việt Nam ở Mỹ, chuyên gia tài chính quốc tế, dự báo giai đoạn 2023-2025 là thời điểm hồi phục kinh tế của Việt Nam: “Chúng ta phải đặt mục tiêu là tất cả cơ sở phát triển sản xuất, doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại, tạo đà cho sự phát triển. TP.HCM đưa ra chương trình hoạt động chuyển đổi số để doanh nghiệp bắt đầu đưa sản phẩm đưa dịch vụ của mình. Những dịch vụ số hóa của thành phố, kinh tế số của thành phố được cải thiện, hạ tầng số có thể đi tới với người dân mau lẹ hơn và đỡ tốn kém hơn cho người dân”.
Song song đó, chiến lược phát triển bền vững trong thời đại số cần phải nâng tầm quản trị. Cụ thể, TP.HCM có thể xin phép Trung ương để xúc tiến bàn với 6 tỉnh phụ cận là: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang và Tây Ninh để hình thành nên một khu kinh tế cộng hưởng. Vùng kinh tế này với tổng số 20 triệu dân và 23.000 km2 diện tích, tạo ra trên 35% GDP của cả nước. Nỗ lực đột phá của TP.HCM cùng các tỉnh trong vùng kinh tế cộng hưởng sẽ tạo ra sức mạnh đặc biệt lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong các năm tới.
Tập đoàn nào đóng thuế nhiều nhất Việt Nam trong 5 năm qua?
Trụ sở Tập đoàn Viettel tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Viettel là nhà khai thác viễn thông và tập đoàn, tổng công ty nhà nước duy nhất góp mặt trong top 10 danh sách V1000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất của Tổng cục Thuế. Giai đoạn 2016-2021, tập đoàn đã nộp hơn 230.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Để duy trì mức độ tăng trưởng, Viettel đã chuyển dịch chiến lược từ năm 2018, tập trung đẩy nhanh các hoạt động chuyển đổi số và chuyển dịch thành công thành một nhà cung cấp dịch vụ số. Viettel hình thành 6 lĩnh vực nền tảng của xã hội số, gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Doanh nghiệp này cũng tiên phong cung cấp các sản phẩm số nền tảng, đặc biệt là triển khai Chính phủ số, trung tâm điều hành đô thị thông minh, y tế số, giáo dục số, giao thông số...
Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư
Ảnh minh hoạ.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thời gian qua đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không cần thiết phải có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, thời gian qua, trái phiếu “3 không” - không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán - xuất hiện tràn lan trên thị trường, tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 11/2021, 94,5% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là trái phiếu riêng lẻ. Đáng lưu ý, có tới một nửa trái phiếu doanh nghiệp phát hành phát hành không có tài sản đảm bảo. Một nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc các dự án hình thành trong tương lai, vốn có tính biến động rất cao và giá trị khó định giá chính xác.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đầu tư vào trái của doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo mang rủi ro rất lớn: “Các nhà đầu tư cá nhân nên xem xét khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, những trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng tài sản thì rất tốt nhưng có rất nhiều trái phiếu tín chấp, không có tài sản đảm bảo đi cùng, độ rủi ro rất cao.
Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu
500 cảnh sát phá đường dây cho 10.000 người vay nặng lãi
Đường dây cho vay nặng lãi của Dũng và đồng bọn tại nhiều tỉnh thành bị triệt phá. Ảnh: Công an cung cấp.
Ngày 16/12, Công an tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự Nguyễn Sỹ Dũng (39 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh) để làm rõ hành vi Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Cơ quan điều tra cũng tạm giữ 51 người khác, trú ở các tỉnh, thành trong cả nước để làm rõ hành vi liên quan.
Theo cơ quan chức năng, Dũng là giám đốc Công ty tài chính Tân Tín Đạt với hàng chục văn phòng đại diện tại 28 tỉnh, thành trong cả nước. Dưới vỏ bọc này, người đàn ông 39 tuổi cùng đồng bọn cho người có nhu cầu vay tiền với lãi suất cao sai quy định.
Theo thỏa thuận, cứ một triệu đồng, khách vay phải trả cho hệ thống công ty của Dũng mức tiền lãi 5.000 đồng/ngày, tương đương 200%/năm.
Rạng sáng 15/12, Công an tỉnh Nghệ An huy động 500 cảnh sát phối hợp với công an hàng chục tỉnh, thành bắt giữ những người trong đường dây, thu nhiều hồ sơ liên quan hoạt động cho vay nặng lãi. Công an xác định, có ít nhất 10.000 người bị nhóm Dũng cho vay nặng lãi với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.