Để khẳng định độ chính xác, ngành y tế tiếp tục lấy ngẫu nhiên 26 mẫu trong 70 mẫu nhiễm biến chủng Omicron để giải trình tự gen và 100% kết quả là biến chủng Omicron.
"Đây là cơ sở khoa học cho thấy, biến chủng Omicron tại TPHCM đang tăng cao. Điều này cũng một phần lý giải cho số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng tăng", ông Tăng Chí Thượng đánh giá.
Số ca mắc COVID-19 tại TPHCM có chiều hướng tăng. Ảnh minh hoạ
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong tuần qua, TPHCM đã ghi nhận số ca mắc mới ở trẻ em tăng cao do các em mới đi học lại.
Cụ thể từ ngày 7-13/2, TPHCM ghi nhận 449 trẻ mắc COVID-19 tại 117 trường. Tuy nhiên tuần qua, số này tăng lên hơn 6.000 trường hợp tại 201 trường.
Hiện 3 bệnh viện nhi của TPHCM đang có 100 trường hợp F0 là trẻ em, trong đó 15 F0 chuyển đến từ các tỉnh. Hầu hết những bệnh nhân này không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Hàng nghìn gia xúc chết rét tại miền Bắc
Thời tiết rét đậm, rét hại gây chết gia súc ở huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN
Do ảnh hưởng của không khí lạnh liên tục tăng cường khiến nhiệt độ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc giảm mạnh, gây thiệt hại đến chăn nuôi, ảnh hưởng tới đời sống của người dân và từ đó, đã xuất hiện gia súc bị chết rét.
Hơn 2.900 gia súc chết do rét đậm, rét hại ở miền Bắc từ 19/2 đến nay, trong đó riêng ngày 22/2 gần 2.000 con.
Tại Nghệ An, anh Lương Văn Nánh, 41 tuổi, bản Tân Thái, xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), cùng vợ vẫn chưa hết buồn bã vì 4 con bò của gia đình vừa chết rét.
Nghệ An là tỉnh ghi nhận số lượng gia súc chết nhiều nhất trong ngày hôm nay - gần 800 con, trong khi đó, Sơn La vẫn là tỉnh thiệt hại nặng nhất với hơn 1.000 con chết (tăng hơn 600 con). Số lượng gia súc chết ở Hòa Bình, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên lần lượt hơn 260, gần 170, gần 140, trên 160.
Kịch bản mở cửa du lịch từ 15/3 được Tổng cục Du lịch tiết lộ là gì?
Ảnh minh hoạ.
Trao đổi với báo chí ngày 21/2, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Bộ VHTTDL đang hoàn thiện bước lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về phương án mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15/3.
Từ nay tới 14/3, các địa phương tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2. Bộ VHTTDL có hướng dẫn số 465 về đón khách quốc tế giai đoạn 2, trong đó điều kiện bắt buộc khách tham gia chương trình trọn gói ít nhất 7 ngày được rút xuống còn 3 ngày bắt buộc. Sau thời gian này khách có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tự do tham gia các chương trình du lịch khác.
Tuy nhiên dự kiến khi du lịch mở cửa hoàn toàn từ 15/3, khách sau khi đáp ứng đủ yêu cầu về xét nghiệm âm tính có thể du lịch tự do như thời điểm trước 2020. Khách quốc tế khi này cũng được tham gia mọi hoạt động như khách nội địa (không cần xét nghiệm trừ trường hợp điều tra dịch tễ khi đến từ vùng dịch cấp độ 3, 4).
Đề xuất đầu tư 2.231 tỉ đồng thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM
Kẹt xe ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Minh Quân
Dự án thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM với 36 cổng thu phí và một trung tâm điều hành có tổng vốn đầu tư 2.231 tỉ đồng, được đề xuất chuẩn bị đầu tư trong năm nay, khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.
Theo đó, “Dự án thu phí xe ôtô lưu thông vào trung tâm Thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” là một trong 12 dự án quan trọng sẽ được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM xem xét, thông qua 8,3 tỉ đồng vốn chuẩn bị đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án dự kiến đầu tư 36 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành có nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và điều hành quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Nhà đầu tư đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TPHCM khung giờ cao điểm 6h - 9h và 15h - 9h. Mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm. Taxi đăng ký tại TPHCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe.
Tổng vốn đầu tư dự án 2.231 tỉ đồng, trong đó chi phí đầu tư dự án 448 tỉ đồng và chi phí vận hành 1.783 tỉ đồng.
Hoa Kỳ tăng nhập khẩu rau quả Việt Nam
Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Hoa Kỳ chiếm 7,6%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với tháng 01/2021.
Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2022 đạt 293,2 triệu USD, giảm 2,1% so với tháng 12/2021 và giảm 5,2% so với tháng 1/2021.
Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ trong tháng 1/2022 đạt 22,4 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng 12/2021 và tăng 69,8% so với tháng 1/2021. Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Hoa Kỳ chiếm 7,6%, tăng 3,3 điểm phần trăm so với tháng 1/2021. Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng của trái cây Việt khi có tới 332 triệu khách hàng với thu nhập đầu người cao và xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, hệ thống phân phối tại Hoa Kỳ đa dạng, nhiều kênh, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ.
Gần 300 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng
Phát hiện nhiều cửa hàng còn xăng nhưng không bán với nhiều lý do.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ ngày 28/1/2022 đến ngày 21/2/2022, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành gần 16.000 lượt kiểm tra, giám sát đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Kết quả đã phát hiện gần 300 cửa hàng ngưng bán hàng với các lý do khác nhau. Trong đó, 101 cửa hàng ngưng bán hàng vì giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hết hạn, đang chờ cấp lại; 44 cửa hàng cho biết việc ngừng bán hàng đã được Sở Công Thương chấp thuận; 3 cửa hàng ngưng bán hàng trái phép; 38 cửa hàng ngưng bán vì hết xăng, dầu; 94 cửa hàng đưa ra lý do khác.
Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, nguyên nhân chủ yếu của việc đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh bao gồm không có đủ nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán.
Nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe chuyên chở không kịp phục vụ.
Nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng; ảnh hưởng dịch bệnh Covid 19 – chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng nhiễm bệnh.
Tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng cửa hàng; tạm ngưng hoạt động do thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng...