Thứ trưởng Công Thương: Thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ
Ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Văn Thành chiều 8/2. - VnExpress đưa tin.
Ông Hải khẳng định, tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. "Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày...", ông nói.
Theo Thứ trưởng Công Thương, hiện nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí cho biết, những vướng mắc trước mắt của nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn hiện đã được tháo gỡ, từ giữa tháng 2, nhà máy sẽ dần khôi phục lại sản xuất như bình thường. Từ trước Tết, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2/2022 đã nâng công suất lên 105%.
Thiếu xăng dầu chỉ là cục bộ (Ảnh minh họa).
Tại cuộc họp với các ban ngành liên quan và đại diện các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sáng 8/2, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết, một số doanh nghiệp chủ lực cam kết đảm bảo nguồn cung ứng xăng liên tục trong 40-60 ngày tới.
Theo bà Thắng, tác động của thị trường thế giới và trong nước đã ảnh hưởng đến nguồn cung ứng và hoạt động phân phối xăng dầu những ngày qua. Trong đó, có một vài cửa hàng có dấu hiệu dừng bán xăng.
Để tránh thiếu hụt trên diện rộng, UBND TP HCM đã chỉ đạo các thương nhân tăng dự trữ hàng, lên kế hoạch đàm phán với đối tác cung ứng nước ngoài để nhập khẩu, đảm bảo đủ mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày.
"Qua trao đổi, hầu hết thương nhân đầu mối xăng dầu cam kết vẫn đảm bảo lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố trong 30 ngày tới", bà Thắng thông tin.
Riêng một số doanh nghiệp chủ lực như Công ty xăng dầu KV II – TNHH MTV (Petrolimex), Công ty cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MT... đã cam kết đủ cung ứng ra thị trường liên tục trong 40-60 ngày.
Hiện tổng kho dự trữ xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối có công suất chứa 1,23 triệu m3 (chưa tính hệ thống kho xăng dầu của đơn vị quân đội). Kho trữ này có thể đảm bảo đủ mức tồn trữ xăng dầu tối thiểu 30 ngày theo quy định. Theo tính toán của Sở Công Thương TP HCM, tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn đạt 6.880 m3 một ngày (tương đương 206.404 m3 một tháng).
UBND TP HCM đề nghị Sở Công Thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải nhanh chóng cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm cho các xe bồn vận chuyển xăng dầu nếu họ gặp khó lưu thông.
Đồng thời, UBND TPHCM sẽ xem xét kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp.
Trước diễn biến trên, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, tuyệt đối không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh. Do đây là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, nên phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.
Ông yêu cầu Bộ Công Thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý mặt hàng xăng dầu. "Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống. Kế hoạch cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu cần chi tiết, chính xác hơn ", Phó thủ tướng nói.
Hiện tượng găm hàng trục lợi cần được thanh tra, xử lý. Với cơ chế quản lý xăng dầu hiện nay, lãnh đạo Chính phủ giao liên Bộ Công Thương - Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, đề xuất sửa đổi phù hợp thực tế.
Trước đó, ghi nhận tại TP HCM cho thấy có hiện tượng một số cây xăng tư nhân tạm ngừng hoạt động do thiếu xăng RON 95. Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị lỗ. Các thương nhân phân phối phản ánh khó mua xăng để cung ứng cho đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền. Một số cửa hàng còn có thể bị đứt nguồn xăng RON 95.
Tuy nhiên đến 8/2 các điểm bán này đã hoạt động trở lại. Đến chiều cùng ngày, theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ có 2 trên 548 cửa hàng tạm đóng do sửa hệ thống phòng cháy chữa cháy và chờ giấy chứng nhận kinh doanh.
Hiện tượng cây xăng đóng cửa, tạm ngừng bán còn xảy ra tại một số địa phương khác như Đồng Nai, Hậu Giang, Đăk Nông...
Hà Nội mở lại rạp chiếu phim từ 10/2
Ngày 8/2, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản hỏa tốc về việc mở cửa lại các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội.
Hà Nội mở lại rạp chiếu phim từ 10/2 (Ảnh minh họa).
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất về chủ trương với đề xuất của Sở Văn hóa và thể thao về việc mở cửa lại các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn nghệ thuật kể từ ngày 10/2.
UBND thành phố giao Sở Văn hóa và thể thao chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, các quy định của trung ương và thành phố, hướng dẫn các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn nghệ thuật triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tuân thủ nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19.
Chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 16/2
Ngày 8/2, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ký văn bản hỏa tốc về việc tổ chức phục vụ đón khách về tham quan di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương).
Chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 16/2 (ảnh TTXVN).
Theo đó, UBND thành phố thống nhất với đề nghị của Huyện ủy Mỹ Đức tại tờ trình ngày 8/2 về việc đề xuất mở cửa tổ chức phục vụ đón khách về tham quan chùa Hương trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Văn hóa và thể thao chủ trì phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn huyện Mỹ Đức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo theo đúng hướng dẫn của trung ương và thành phố.
Theo tờ trình của Huyện ủy Mỹ Đức, ngày 8/2, huyện Mỹ Đức đã làm việc với các sở, ngành của thành phố để đánh giá tình hình, trên cơ sở đó đề nghị Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đồng ý cho phép mở cửa, đón khách tham quan chùa Hương.
Tại buổi làm việc với các sở, ngành, huyện Mỹ Đức đã báo cáo các nội dung liên quan đến việc mở cửa đón khách tham quan đảm bảo theo quy trình an toàn, phòng chống dịch bệnh. Sở Văn hóa và thể thao, Sở Y tế thành phố đã đồng ý quan điểm của huyện về việc mở cửa khu di tích và danh lam thắng cảnh chùa Hương từ ngày 11 đến 15/2, triển khai công tác chuẩn bị lực lượng để đánh giá, rút kinh nghiệm và thực hiện đón khách tham quan từ ngày 16/2.
Công an giải cứu bé gái bị nam thanh niên "bắt vợ"
Theo nld.com.vn Ngày 8/2, lãnh đạo Công an huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết cơ quan công an đã triệu tập nam thanh niên để làm rõ vụ việc nam thanh niên có hành vi "bắt vợ", trêu ghẹo khiến một bé gái hoảng sợ.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip với nội dung một bé gái bị "bắt vợ" theo hủ tục của người vùng cao gây xôn xao dư luận. Theo nội dung clip, một bé gái người đồng bào thiểu số liên tục bị một nam thanh niên kéo, giật tại nơi đông người. Dù bé gái phản kháng nhưng những người xung quanh không can ngăn. Vụ việc dừng lại khi một cán bộ công an tới giải cứu bé gái.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc xác nhận sự việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc vào ngày 7-2. Hiện cơ quan công an đã tiến hành triệu tập nam thanh niên để làm rõ và lập biên bản, củng cố hồ sơ để xử lý.
Bé gái mặc áo vàng bị nam thanh niên lao vào "bắt vợ" - Ảnh cắt từ clip
Theo lãnh đạo này, nam thanh niên kể trên trú tại xã Giàng Chu Phìn, còn bé gái trú tại xã Pả Vi, cả 2 đều là người dân tộc thiểu số. Thời điểm xảy ra sự việc, một cán bộ công an xã Pả Vi trên đường tuần tra đã phát hiện và vào can ngăn.
Nói thêm về vụ việc nêu trên, lãnh đạo xã Pả Vi cho biết hủ tục "bắt vợ" đã có từ xa xưa. Chính quyền thời gian qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thực hiện hủ tục này.
3 học sinh tiểu học bị đánh: Buộc thôi việc cô giáo chủ nhiệm
Theo nld.com.vn, chiều 8/2, lãnh đạo UBND xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) cho hay, trường Tiểu học Ngũ Đoan vừa chấm dứt hợp đồng lao động đối với cô V.T.H., giáo viên chủ nhiệm lớp 3E, sau vụ 3 học sinh lớp này bị đánh tím mông vì không hoàn thành bài tập được giao về nhà.
Trước đó, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cũng đã phê bình hiệu trưởng trường Tiểu học Ngũ Đoan thiếu kiểm tra, giám sát; không kịp thời báo cáo Huyện ủy, UBND huyện về việc trên. Đồng thời, người đứng đầu UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu nhà trường phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Học sinh lớp 3 bị đánh vào mông vì không hoàn thành bài tập về nhà (Ảnh nld.com.vn).
Theo thông tin ban đầu tối ngày 25/1, Ban giám hiệu trường Tiểu học Ngũ Đoan nhận được thông tin từ phụ huynh em M.N.V. (lớp 3E, do cô V.T.H. chủ nhiệm) phản ánh về việc con bị đánh tím mông do không hoàn thành bài tập.
Nhận được thông tin, Ban giám hiệu nhà trường cùng giáo viên chủ nhiệm đã tới nhà phụ huynh em V. để xác minh vụ việc.
Theo phụ huynh em V., có 3 em học sinh vì không hoàn thành bài tập nên bị các bạn quản lý lớp đánh thâm tím mông theo lời răn đe của cô giáo chủ nhiệm.
Ngay sau đó, giáo viên chủ nhiệm đã nhận lỗi và xin lỗi trước các bậc phụ huynh vì không sát sao với lớp và có lời răn đe không phù hợp trong môi trường giáo dục, hứa sẽ không tái phạm những việc như trên.
Ngay sau đó, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm viết bản tường trình và nghiêm túc kiểm điểm về sự việc này.
Lãnh đạo UBND huyện Kiến Thụy giao Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với xã, nhà trường xác minh, làm rõ trách nhiệm với từng cá nhân, tập thể liên quan. Qua đó, sẽ rút kinh nghiệm đối với tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn huyện nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tự trong môi trường giáo dục.
Tại buổi làm việc với nhà trường vào ngày 26/1, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, đã gửi lời xin lỗi tới các bậc phụ huynh, toàn thể nhân dân và nghiêm túc nhận trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục. Đồng thời, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, chính quyền xã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo nhà trường…
Hà Nội học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã chỉ học trực tiếp 1 buổi/ngày
Được sự chấp thuận của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 10/2, các trường ở địa bàn các xã, thị trấn của 18 huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 tổ chức cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học tập sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.
Học sinh các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận trên địa bàn Thủ đô tiếp tục học trực tuyến; trẻ em mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nêu rõ nguyên tắc thực hiện: Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường mà ở nhà học trực tuyến.
Hà Nội học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã chỉ học trực tiếp 1 buổi/ngày (ảnh minh họa).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường. Yêu cầu này cũng được áp dụng đối với các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết sau khi học sinh các khối lớp này tại 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở sẽ có đánh giá sơ bộ. Nếu việc đi học tại 18 huyện, thị xã đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ có kế hoạch cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận được đến trường.
Xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại ở Hà Nội
Chiều 8/2, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, từ hôm nay, Hà Nội đã cho phép loại hình xe ôm công nghệ được hoạt động trở lại sau một thời gian dừng vì dịch COVID-19. Theo ghi nhận, các ứng dụng chạy xe ôm công nghệ như Grab, Be,... đã bắt đầu đón khách.
Trước đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã yêu cầu dịch vụ xe ôm nói chung và xe ôm công nghệ nói riêng ngừng khai thác từ cuối tháng 7/2021.
Từ 14/10/2021, xe bus, taxi, xe taxi công nghệ dưới 9 chỗ hoạt động trở lại, tuy nhiên xe ôm, xe ôm công nghệ vẫn chưa được hoạt động vì nguy cơ lây lan ở mức cao.