Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Ngày từ những ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiếp nhận hàng chục đơn hàng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
"Xu hướng các ngành nghề theo chúng tôi tổng hợp được ngay từ những ngày đầu năm thì có thể thấy trong năm 2022 này sẽ có một số nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng nhiều, cụ thể như: Ngành bán buôn bán lẻ sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng, ước tính khoảng 20.000 đến 25.000 vị trí.
Lao động sau Tết, nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động
Đặc biệt tuyển dụng mạnh nhất là các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ các mặt hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông, trực tổng đài….Đối với những lao động ở ngành này thì doanh nghiệp chủ yếu chi trả mức lương khoảng 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng và có vị trí từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng. Ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều tiếp theo là chế biến, chế tạo -cũng là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có ý định mở rộng quy mô sản xuất, có nhiều đơn hàng hơn".
Còn tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam, hiện nhu cầu nhân lực đang tăng cao ngay sau Tết Nguyên đán và dự kiến kéo dài cả năm 2022 khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Với tốc độ phục hồi kinh tế nhanh như hiện nay, TP. HCM sẽ cần số lượng nhân lực đủ lớn để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Lạng Sơn dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi do quá tải
Ảnh minh hoạ.
Lạng Sơn vừa có văn bản tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất khẩu sang Trung Quốc.Thời gian từ 16/2 cho đến hết 25/2.
Theo đó, Lạng Sơn đề nghị các các tỉnh, thành phố có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn thông tin rộng rãi tới các doanh nghiệp, thương nhân về việc tạm thời dừng đưa mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ để xuất khẩu cho đến khi có thông báo mới.
Hiện tại, tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma tiếp tục tăng, đạt 1.646 xe, trong đó 1.390 xe chở hoa quả tươi, chiếm gần 85% tổng số xe hàng chờ xuất khẩu. Trong khi đó mỗi ngày tại các cửa khẩu chỉ có khoảng 70-90 xe làm xong thủ tục thông quan vì quy trình kiểm tra nghiêm ngặt việc phòng, chống dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Với tình hình lưu lượng hàng hóa từ các tỉnh tiếp tục lên cửa khẩu chờ xuất khẩu và năng lực thông quan như trên, dự báo sẽ gây ùn ứ lớn tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là mặt hàng hoa quả chờ đợi trong thời gian dài sẽ dễ hư hỏng.
Nhà nghiên cứu bệnh học người Mỹ chỉ ra nguyên nhân có thể gây ra nhiều ca thai chết lưu liên quan đến COVID-19
Coronavirus có thể xâm nhập và phá hủy nhau thai và dẫn đến thai chết lưu ở những phụ nữ mắc COVID-19
Đây là một kết quả không phổ biến đối với bất kỳ phụ nữ mang thai nào nhiễm COVID-19. Các nhà chức trách tin rằng tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa những rủi ro này.
Các nhà nghiên cứu ở 12 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã tiến hành phân tích mô nhau thai và khám nghiệm tử thi của 64 trường hợp thai chết lưu và 4 trẻ sơ sinh tử vong ngay sau khi sinh. Tất cả các trường hợp đều liên quan đến những phụ nữ chưa được tiêm chủng mắc COVID-19 trong khi mang thai.
Nghiên cứu này củng cố bằng chứng từ các báo cáo quy mô nhỏ trước đó và xác nhận rằng sự tổn thương nhau thai, chứ không phải do nhiễm trùng thai nhi, là nguyên nhân có thể gây ra nhiều ca thai chết lưu liên quan đến COVID-19 - TS Jeffery Goldstein, nhà nghiên cứu bệnh học tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), người không tham gia nghiên cứu trên, cho biết.
Các bằng chứng trước đây cho thấy nguy cơ thai chết lưu cao hơn bình thường đối với phụ nữ mang thai bị mắc COVID-19, đặc biệt nhiễm biến thể Delta.
Trường tiểu học Hà Nội không tổ chức bán trú, phụ huynh xoay xở đưa đón con
Phụ huynh lên lịch đưa đón con đúng giờ.
Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại các huyện, thị xã ở Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, do các trường chỉ được dạy học 1 buổi 1 ngày, không tổ chức ăn bán trú…khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc đưa đón, chăm sóc con.
Việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường học trực tiếp là cần thiết và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dự kiến sẽ cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành đi học từ ngày 21/2. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh học sinh đều mong muốn nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục tính toán các giải pháp tổ chức dạy học, để các con vừa được học bán trú ở trường, vừa đảm bảo phòng dịch. Quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội "không tổ chức bán trú, học trực tiếp 1 buổi/ngày để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19" nhiều bất cập và đang gây khó khăn cho phụ huynh.
Từ thực tế này, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội thông tin: "Đây là vấn đề mà Sở cũng rất quan tâm và chắc chắn trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất, báo cáo thành phố để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em học sinh, đặc biệt là từ khối lớp 1 đến lớp 6 học bán trú được quay trở lại với điều kiện phải đảm bảo an toàn nhất cho các em học sinh".
Giá xăng dầu có thể tăng cao kỷ lục
Xăng, dầu tăng sốc và đối tượng chịu ảnh hưởng nhanh, trực tiếp nhất chính là người dân.
Ngày 11/2, giá xăng RON 95 trong nước vượt mốc 25.000 đồng/lít. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng gần 8.700 đồng/năm. Sau 3 lần tăng liên tiếp đầu năm, giá xăng hiện ở mức cao nhất trong vòng 8 năm và chỉ còn kém đỉnh lịch sử 1.069 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92 và 818 đồng đối với xăng RON 95.
Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh tăng. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 19.865 đồng/lít; dầu hỏa là 18.751 đồng/lít và dầu mazut là 17.659 đồng/kg.
Lần này nếu không chi quỹ bình ổn giá, giá xăng E5 RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.058-1.362 đồng/lít so với giá hiện hành.
Mặc dù liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định duy trì mức chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng E5RON92, dầu diesel và dầu hỏa ở mức từ 100-400 đồng/lít, giá các mặt hàng này vẫn tăng cao.
Việc giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong 8 năm qua gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, có thể tác động mạnh tới mặt bằng giá cả.