Công nhân ở Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức), tháng 11/2021. Ảnh: Lê Tuyết
Chiều 10/12, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho biết nhóm cần được ưu tiên tiêm gồm các công nhân là F0 khỏi bệnh cách đây 6 tháng, lao động mắc bệnh nền, miễn dịch kém dễ nhiễm Covid-19. Ngoài ra, hơn 300.000 công nhân đã tiêm mũi 2 và phần lớn đến thời hạn tiêm mũi tiếp theo.
Theo lãnh đạo HBA, môi trường nhà máy khép kín, một số khu vực sản xuất không thể giãn chuyền, khó đảm bảo khoảng cách nên dễ lây nhiễm. Công nhân thường sống ở khu nhà trọ chật chội càng khiến dịch lan nhanh. Khi thành phố "mở cửa" từ đầu tháng 10 đến nay, ca nhiễm ở các nhà máy liên tục tăng, có thời điểm hơn 100 ca mỗi ngày. Công nhân nhiễm Covid-19 phải nghỉ việc, điều trị, cách ly từ 12 đến 28 ngày ảnh hưởng lớn đến sản xuất.
Do đó, việc tiêm bổ sung mũi thứ 3 giúp doanh nghiệp bảo vệ lực lượng sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng khi các nhà máy phải đóng cửa do dịch bùng phát. Thành phố cần xem 320.000 lao động làm việc tại hơn 1.500 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp là lực lượng sản xuất chủ chốt để có chính sách phù hợp. Bởi kim ngạch xuất khẩu của các khu công nghiệp hàng năm đạt hơn 27 tỷ USD, chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Không dùng ngân sách nhà nước bắn pháo hoa mừng năm mới
Ảnh minh hoạ.
Ban Bí thư yêu cầu lãnh đạo địa phương căn cứ tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán.
Theo chỉ thị vừa được Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký ban hành, việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới phải được quyết định trên cơ sở bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Các cơ quan, địa phương tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người; đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Nhiều năm qua, trong các chỉ thị về việc tổ chức Tết Nguyên đán, Ban Bí thư đều quy định về việc tổ chức bắn pháo hoa; trong đó năm 2016, các địa phương được yêu cầu không bắn pháo hoa trong dịp Tết để dành thời gian và kinh phí chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách.
Năm 2020, Ban Bí thư yêu cầu việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2021 và Tết Nguyên đán Tân Sửu phải phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị bắt tạm giam
Bị can Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: TTXVN phát
Ngày 10/12, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Trước đó, bị can Nguyễn Quang Tuấn chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 9/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn Quyết định và Lệnh nêu trên.
Ngày 10/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đà Nẵng cho học sinh lớp 1 trở lại học online
Đà Nẵng dừng dạy học trực tiếp với học sinh lớp 1. Ảnh: Vietnamnet
Chiều 10/12, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP đã thống nhất với đề xuất của Sở GD-ĐT tạm dừng cho học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp từ ngày 13/12.
Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết các trường sẽ tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1 theo phương án đã thực hiện từ đầu năm học. Riêng đối với học sinh trên địa bàn xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thì vẫn tiếp tục học trực tiếp.
Trước đó, từ ngày 6/12, Đà Nẵng tổ chức cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp. Hiện tại, TP đang tổ chức học trực tiếp đối với khối 8,9 và toàn bộ khối THPT. Riêng học sinh xã Hòa Bắc thì đi học trực tiếp toàn bộ.
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở địa phương này đang có chiều hướng tăng nhanh. Hiện nay có 7 phường mức độ dịch ở cấp độ 3, trong đó, quận Liên Chiểu có 5 phường, 2 phường còn lại thuộc quận Thanh Khê và Sơn Trà.
Trẻ mắc Covid-19 ở TP HCM nhập viện tăng
Hiện ở Đơn vị Điều trị Covid-19 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) số trẻ nhập viện vì Covid-19 đang tăng
Theo Sở Y tế TP HCM, số ca mắc Covid-19 mới là trẻ em tăng cao trong những ngày gần đây, phần lớn nguyên nhân là trẻ bị lây từ người thân trong gia đình. Điều này cho thấy chủng Delta lây lan rất cao.
Theo các bác sĩ, hiện là thời điểm chuyển mùa, thời tiết, độ ẩm không khí thay đổi khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, phát triển. Đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc Covid-19 nhập viện tại các BV chuyên khoa nhi tăng.
BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) đang điều trị gần 60 trẻ F0 và 60 phụ huynh (vừa là F0, F1), đa số trẻ nhập viện có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh tim bẩm sinh, suy thận… Trong đó có 14% trẻ chuyển nặng. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30%-50% so với hồi giữa tháng 10.
Tương tự, tại BV Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV, cho biết trung bình mỗi ngày đơn vị tầm soát, phát hiện khoảng 5-15 trẻ mắc Covid-19, hầu hết được cho điều trị tại nhà vì triệu chứng nhẹ. Hiện Đơn vị Điều trị Covid-19 đang điều trị khoảng 100 trẻ, nhóm trở nặng vẫn là có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển.
Các chuyên gia y tế cho rằng đa số trẻ em mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc biểu hiện bệnh nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu rơi vào nhóm có bệnh lý nền, béo phì.
Mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022
Bộ GTVT đề xuất thí điểm bay quốc tế thường lệ từ 15/12.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại cuộc họp về Kế hoạch khôi phục lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ ngày 9/12.
Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh kết luận: Đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ), trên cơ sở có hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp y tế phòng dịch đối với người nhập cảnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả và thông suốt. Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.
Các Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông thống nhất ngay và công bố một phần mềm khai báo y tế áp dụng chung đối với đi lại bằng đường hàng không để tạo thuận lợi cho việc khai báo của hành khách, hoạt động của các doanh nghiệp hàng không cũng như công tác theo dõi y tế, kiểm soát, truy vết người nhập cảnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, GTVT, các cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, đồng thời bảo đảm an toàn, hiệu quả phòng chống dịch.