Theo quy định mới, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 test nhanh mẫu đơn có mức thanh toán tối đa 78.000 đồng.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn: Giá dịch vụ có mức thanh toán tối đa 78.000 đồng/xét nghiệm. Tại Thông tư 16, giá dịch vụ này là 109.700 đồng. Như vậy, mức giá mới giảm 31.700 đồng (khoảng 29%).
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn: Mức thanh toán tối đa 178.900 đồng/xét nghiệm (mức giá hiện hành là 186.600 đồng).
Từ ngày 21/2, mức thanh toán của test nhanh Covid-19 sẽ không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
- Trường hợp mẫu đơn: Giá dịch vụ tối đa 501.800 đồng/xét nghiệm (giá hiện hành là 518.400 đồng).
- Trường hợp gộp mẫu: Giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chi phí sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, sinh phẩm xét nghiệm cho phản ứng được chia đều theo số mẫu gộp. Mức thanh toán tối đa không vượt quá mức giá xét nghiệm gộp mẫu quy định.
Mức giá tối đa lần lượt là 223.300 đồng (2 que), 175.100 đồng (3 que), 151.000 đồng (4 que), 136.600 đồng (5 que), 110.600 đồng (6 que); 103.800 đồng (7 que); 98.600 đồng (8 que); 94.600 đồng (9 que) và 91.400 đồng (10 que).
Dự kiến khai thác đường sắt trên cao đoạn Nhổn - Ga Hà Nội
Đoàn tàu dự án Nhổn - ga Hà Nội.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết như vậy khi đi thăm Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cùng Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans, ngày 19/2.
Việc đảm bảo tiến độ của dự án là mục tiêu trong năm 2022 và đang được thành phố triển khai quyết liệt. Thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết để hoàn thành đoạn trên cao với tiến độ đề ra; phối hợp với các bộ ngành để báo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép giải quyết theo hướng áp dụng chặt chẽ quy định trong hợp đồng khi có sự khác biệt so với các quy định của Việt Nam.
Đối với tiến độ của khu nhà điều hành ở depot, người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội khẳng định, nhà thầu đã có cam kết đảm bảo tiến độ, khi đã nhập về đầy đủ trang thiết bị máy móc. Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án.
Cẩn trọng với thuốc điều trị Covid-19 lậu
Lực lượng chức năng thu giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc về sân bay quốc tế Nội Bài hôm 17/2 (Ảnh: Tổng cục Hải Quan)
Ngày 18/2, Bộ Y tế đã gửi công văn số 729/BYT-TTrB tới các UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định trong thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn.
Một số mặt hàng tiêu biểu như đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... Việc này gây ảnh hưởng lớn tới công tác phòng, chống dịch, đồng thời tác động xấu tới lòng tin của người tiêu dùng.
Bình Phước: Nam sinh lớp 9 bị đâm chết trước cổng trường
Hình ảnh nghi là nhóm người lạ mặt đâm chết em Hiệp do người dân chụp lại được.
Chiều 19/2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước vẫn đang phối hợp với Công an huyện Phú Riềng và các cơ quan hữu quan khám nghiệm hiện trường, phẫu thuật tử thi để điều tra, làm rõ cái chết của em Phạm Gia Hiệp.
Thông tin ban đầu, sáng cùng ngày, em Phạm Gia Hiệp (sinh năm 2007, ngụ thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du, huyện Phú Riềng) đến trường học bình thường. Đến khoảng 11h30, khi vừa ra đến cổng trường, em bị một số người đàn ông lạ mặt chặn lại dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu.
Sau đó, một người trong nhóm rút con dao ra đâm một nhát vào vùng giữa 2 mắt Hiệp. Hiệp loạng choạng chạy được mấy bước thì gục chết do vết thương quá nặng.
Sau khi gây án các đối tượng nhanh chóng lên xe gắn máy bỏ trốn khỏi hiện trường.
Hà Nội đang điều trị cho 810 F0 thể nặng, nguy kịch
Ảnh minh hoạ.
Số ca mắc mới ở Hà Nội và cả nước liên tiếp tăng cao. Trong khi đó, số bệnh nhân Covid-19 tử vong trong ngày giảm.
Theo bản tin tối 19/2 của Bộ Y tế, hôm qua, Việt Nam ghi nhận 41.980 ca nhiễm mới. Trong đó, 12 người nhập cảnh và 41.968 F0 ghi nhận trong nước (giảm 459 trường hợp so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 29.831 ca trong cộng đồng).
Số ca mắc Covid-19 trên cả nước có dấu hiệu giảm nhẹ so với một ngày trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao kỷ lục so với quãng thời gian trước đây với nhiều đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam.
Trong số các bệnh viện phải nhập viện điều trị, 2.855 ca ở mức độ trung bình, tăng hơn 26% so với trung bình 7 ngày trước. 810 ca bệnh trong tình trạng nặng, nguy kịch (tăng hơn 26%), gồm 705 ca thở oxy mask, gọng kính; 46 ca phải thở máy không xâm lấn, 36 ca thở máy...
Học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại Vĩnh Phúc học trực tuyến từ ngày 21/2
Học sinh trường tiểu học Liên Châu, huyện Yên Lạc trong một tiết học. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN
Ngày 19/2, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 957/UBND-VX2 về đảm bảo an toàn cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và tình hình thời tiết rét đậm, rét hại.
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2. Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất. Các trường trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp, đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho học sinh toàn tỉnh bắt đầu đi học trực tiếp trở lại từ ngày 7/2 và ngày 9/2 tùy theo từng địa bàn. Đến ngày 14/2, 100% trường lớp các bậc, cấp học trên toàn tỉnh đã mở cửa đón trẻ em và học sinh. Tuy nhiên, liên tiếp những ngày gần đây tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao, trong đó ngày 18/2, tỉnh ghi nhận 2.158 ca F0, còn ngày 19/2 là 1.394 ca (và 12.850 ca bổ sung).