Các đối tượng trong đường dây đánh bạc bị bắt giữ.
Ngày 2/12, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM cho biết đã phối hợp với các đơn vị liên quan bắt giữ Huỳnh Long Bạch và Nguyễn Đắc Quý khi 2 đối tượng này đang lẩn trốn tại quận 7.
Đây là 2 đối tượng cầm đầu đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng quy mô hơn 87.000 tỉ đồng mà Công an TP HCM đang lập chuyên án đấu tranh.
Phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, bí mật, thay đổi thủ đoạn đặt cược thông qua việc sử dụng tiền Việt để mua các loại tiền điện tử liên kết với các sàn tài chính rồi quy đổi, nạp/rút tiền, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý.
Trước đó, ngày 5/11, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và công an các quận, huyện ở TP HCM đã triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc này.
Công an TP HCM tạm giữ tổng cộng 59 đối tượng (gồm 13 đối tượng trọng điểm, 16 con bạc, 30 kẻ liên quan). Tang vật thu được trị giá gần 21 tỉ đồng, trong đó có 2,9 đồng tiền mặt, nhiều máy tính xách tay, điện thoại cùng các giấy biên nhận, sổ hồng, hợp đồng mua bán đất đai, giấy chứng nhận kinh doanh.
Bước đầu, Công an TP.HCM xác định quy mô đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng của nhóm đối tượng trên có số tiền giao dịch hơn 3,8 tỉ USD - tương đương 87.612 tỉ đồng.
Để tham gia đánh bạc, người chơi phải đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng để mua tiền ảo với lời hứa nếu thua sẽ được quỹ bảo hiểm hoàn trả.
Khi số lượng người tham gia nhiều, các đối tượng sẽ cho đánh sập trang web để chiếm đoạt tiền trong tài khoản tiền ảo và tránh sự điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.
Tìm ra nguyên nhân dẫn đến biến chứng đông máu sau tiêm vaccine của AstraZeneca
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà khoa học Anh và Mỹ mới đây đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất.
Mặc dù vaccine do AstraZeneca sản xuất đã giúp hàng triệu người tránh được nguy cơ mắc COVID-19, song mối quan ngại về chứng đông máu đã ảnh hưởng đến việc sử dụng vaccine này trên toàn thế giới, bao gồm cả việc chuyển sang dùng loại vaccine khác cho người dưới 40 tuổi tại Anh. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã quyết tâm tìm ra nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa biến chứng này.
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Cardiff (Anh) đã được chính phủ hỗ trợ tài chính để tìm ra câu trả lời. Tham gia dự án còn có các nhà khoa học của AstraZeneca. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh một cách chi tiết quá trình protein trong máu bị hút vào một thành phần chính trong vaccine. Họ cho rằng đây chính là nguyên nhân kích hoạt chuỗi phản ứng có sự tham gia của hệ miễn dịch, từ đó thúc đẩy việc hình thành các cục máu đông.
Người phát ngôn của AstraZeneca nhấn mạnh sự xuất hiện của các cục máu đông nhiều khả năng là do mắc COVID-19 thay vì do tiêm vaccine, song hiện vẫn chưa có giải thích đầy đủ về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Theo người phát ngôn, nghiên cứu mới đã đem đến các góc nhìn thú vị và dựa trên những hiểu biết này, công ty AstraZeneca đang tìm kiếm các cách thức để loại bỏ biến chứng đông máu hiếm gặp.
Bắt 3 cán bộ Công an và Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư liên quan đến vụ án Đường 'Nhuệ'
Nguyễn Xuân Đường (áo đen) tức Đường "Nhuệ" cùng các bị cáo tại tòa tháng 11-2021. Ảnh: TTXVN
Ngày 2/12, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 3 cán bộ Công an, Viện Kiểm sát huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” liên quan đến vụ án đàn em của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") chém người gây thương tích nhưng không bị khởi tố để điều tra theo quy định.
Các bị can gồm: Vũ Đức Tuấn (sinh năm 1985, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư); Phạm Thị Thu Hiền (sinh năm 1977, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư) và Nguyễn Hoàng Hà (sinh năm 1976, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) về tội “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại khoản 2 Điều 369 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 22/5/2018 tại thôn Bồng Lai, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Điều tra viên và Cán bộ điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vũ Thư đã có hành vi không thực hiện giám định thương tích, không dẫn giải người bị hại đi giám định, thiết lập tài liệu khống, ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự để không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vũ Thư biết rõ Cơ quan điều tra không thực hiện trưng cầu giám định thương tích đối với bị hại nhưng không thực hiện quyền hủy bỏ Quyết định, không khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ để tiếp tục xác minh và đã thống nhất với Cơ quan điều tra trong việc không khởi tố vụ án hình sự, nhằm mục đích không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng.
Hình ảnh ở tâm lũ Phú Yên: 10 người chết, mất tích, nhà cửa ngập sâu
Nước lũ nhấn chìm hàng nghìn nhà cửa của người dân Phú Yên.
Ngày 2/12, tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, đợt mưa lũ lụt lịch sử từ ngày 26/11 đến nay đã làm 10 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà ngập sâu.
Theo số liệu mới nhất, đến trưa 2/12, mưa lũ tại Phú Yên đã là 4 người chết (Sơn Hòa 2, Tây Hòa 1, thị xã Sông Cầu 1) và 6 người mất tích khi sơ tán bị nước lũ cuốn trôi (Đông Hòa 1, Phú Hòa 3, TP Tuy Hòa 2 người).
Mưa lớn kéo dài cùng hệ thống thủy điện xả lũ, nước dâng nhanh phía hạ du khiến gần 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu, có nơi ngập cao nhất gần 3m, hàng chục nghìn người phải di dời, một số nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Mưa lớn kéo dài cùng hệ thống thủy điện xả lũ, nước dâng nhanh phía hạ du khiến gần 3.000 ngôi nhà bị ngập sâu, có nơi ngập cao nhất gần 3m, hàng chục nghìn người phải di dời, một số nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Nước lũ nhấn chìm khoảng 470ha lúa vụ mùa, 335ha hoa màu, 1.360ha cây trồng khác và hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Đợt mưa lũ lịch sử cũng tàn phá nhiều công trình giao thông, hàng loạt tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, chia cắt tại một số vị trí ngầm, tràn, mức ngập phổ biến từ 0,2-0,4m, gây ách tắc giao thông.
TP Hồ Chí Minh: Số ca tử vong trong ngày 2/12 tăng cao nhất trong một tháng qua
TP Hồ Chí Minh đang có 3.089 người được hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn.
Chiều 2/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận trong 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh có 1.738 ca mắc mới và 80 trường hợp tử vong. Như vậy, cả số ca mắc mới và số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh đều tăng so với ngày trước đó.
Theo ghi nhận, trong suốt tháng 11, số ca tử vong cao nhất ở TP Hồ Chí Minh là 77 ca, nhưng đầu tháng 12, số ca tử vong đã tăng lên và ngày 2/12 đã tăng cao nhất trong một tháng qua.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong số 80 người tử vong ghi nhận trong ngày tại TP Hồ Chí Minh có 9 người chuyển viện từ các tỉnh khác. Trong số những ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh, có 86% kèm bệnh nền, 87,5% có độ tuổi từ 50 trở lên. Không có trường hợp tử vong ở người dưới 18 tuổi và ở phụ nữ mang thai.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca nhập viện tầng 2, 3 trong ngày là 1.249 người, tuy nhiên số ca xuất viện chỉ 1.070 người. Hiện tại các bệnh viện tầng 2, 3 đang điều trị 13.956 người, trong đó có 3.089 người được hỗ trợ hô hấp, thở máy xâm lấn.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang có 5.666 người đang cách ly điều trị các cơ sở cách ly tập trung và 66.364 người đang cách ly, điều trị tại nhà. Như vậy, hiện Thành phố đang có tổng cộng 85.986 bệnh nhân đang được điều trị, cách ly.