Gần 10% trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn" phải ghép gan
Ngày 9/5, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế ban hành công văn số 2329/BYT-DP gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.
Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (vi rút viêm gan A, B, C, D và E).
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết, nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
6 điểm mới trong tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022
Bộ GD-ĐT đưa ra 6 điểm thay đổi cơ bản như sau:
- Thí sinh đăng ký xét tuyển hoàn toàn trực tuyến trên Cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký qua hệ thống dịch vụ công quốc gia.
Năm 2021, thí sinh đăng ký trực tuyến hoặc bằng phiếu. Điều này thiếu chính xác do có tình trạng một thầy/cô phải đăng ký cho nhiều học sinh trong thời gian ngắn nên dễ xảy ra sai sót.
Thời gian đăng ký xét tuyển đại học tách rời với thời gian đăng ký tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Cổng đăng ký xét tuyển được xuyên suốt từ lúc kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT cho đến khi có kết quả, kể cả thời gian chấm phúc khảo (trong vòng 35 ngày). Các nguyện vọng được sắp xếp từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất. Bộ GD-ĐT thực hiện video clip hướng dẫn chi tiết để thí sinh dễ dàng thực hiện thao tác.
- Sắp xếp các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký sao cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất. Thay đổi này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và giảm tình trạng đăng ký nguyện vọng ảo cho các trường.
- Thí sinh có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức: điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG, điểm dự thi hoặc xét tuyển học bạ. Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển hoặc nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình sự phù hợp của lựa chọn này nhằm đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
- Kết quả học tập THPT (lớp 10, 11, 12) của thí sinh được cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành. Các trường có thể truy cập vào học bạ điện tử để xem xét trong quá trình xét tuyển hoặc thi tuyển.
- Các trường phân tích rủi ro và xây dựng giải pháp phòng tránh, lên phương án phối hợp giải quyết rủi ro giữa các trường trong quá trình tuyển sinh.
- Đối tượng ưu tiên theo khu vực chỉ được xét cho thí sinh tốt nghiệp trong năm 2022, thí sinh các năm trước không được cộng điểm ưu tiên khu vực.
Mạo danh sàn thương mại điện tử lừa đảo tuyển dụng
Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu tìm việc sau dịch tăng cao, nhiều đối tượng đã lừa đảo theo hình thức này, chiếm đoạt tiền và thông tin cá nhân của người khác.
Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác… và yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí.
Theo các chuyên gia, các nhà tuyển dụng liên hệ với ứng viên - dù là qua tin nhắn, cuộc gọi hay email - sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký hoặc yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng ứng viên.
Ngoài việc lừa đảo để lấy cắp thông tin cá nhân, giả mạo các tổ chức tài chính - ngân hàng để lừa đảo trực tuyến là nổi cộm hơn cả. Cục An toàn thông tin cho rằng điểm khó khăn nhất chính là nhiều người sử dụng còn hạn chế về kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin nên dễ bị lừa gạt.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam: "Căn cứ Luật, các đối tượng lừa đảo qua mạng sẽ bị xử phạt 30.000.000 - 70.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ tang vật và lợi nhuận, thậm chí còn truy cứu trách nhiệm hình sự".