Đề nghị thanh tra việc huy động tiền từ thiện
Chiều 23/10, trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp nêu 3 kiến nghị.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, cơ quan tư pháp.
Thứ ba, đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như: lĩnh vực y tế, giáo dục và huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Ảnh: Hoàng Phong
Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2021. Theo đó, tham nhũng dù tiếp tục được ghi nhận "có chiều hướng thuyên giảm" nhưng nạn nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tham nhũng ngày càng tinh vi...
Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "sân sau", tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục...
Một số tội phạm tham nhũng liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phát sinh. Chẳng hạn, chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân, tuy nhiên qua phản ánh trên phương tiện truyền thông cho thấy còn có hiện tượng thu tiền, "trả phí" để được ưu tiên... Tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR Code để vào "luồng xanh vận tải"; lợi dụng "luồng xanh" để vận chuyển người, hàng hóa trái phép... xảy ra ở một số địa phương.
Gần 7.000 tỷ đồng xây dựng sân bay Sa Pa
Thủ tướng vừa phê quyệt chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Sa Pa (Lào Cai) theo phương thức đối tác công - tư (PPP), với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng.
Mô hình sân bay Sa Pa trong tương lai. Ảnh: Báo Lào Cai
Theo đó, sân bay Sa Pa được xây dựng diện tích 371 ha, trên địa phận xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, Lào Cai.
Giai đoạn 1, bắt đầu triển khai từ năm nay, sân bay được xây dựng theo tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, với công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2, thực hiện sau năm 2028, hoàn thành các hạng mục để sân bay Sa Pa đạt công suất 3 triệu khách/năm.
Thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa dự kiến 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án này là trên 6.948 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 2.730 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng; nhà đầu tư huy động 4.218 tỉ đồng.
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn nói lý do hóa đơn tiền nước tăng sau giãn cách xã hội
Nhiều gia đình ở TP.HCM phản ánh việc hóa đơn tiền nước tăng gấp đôi, thậm chí gấp năm hoặc hơn lần sau đợt giãn cách xã hội.
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Gia Định tiến hành trám giếng cho người dân. Ảnh: ĐÀO TRANG. Nhiều người cũng phản ánh trên mạng xã hội về việc hóa đơn tiền nước bất ngờ tăng cao.
Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết trong hoạt động kinh doanh nước sạch, đơn vị cấp nước cần tiếp cận đồng hồ nước tại nhà khách hàng mỗi tháng một lần để kiểm tra và ghi nhận chỉ số nước sử dụng. Dịch COVID-19 xảy ra, kèm theo đó là các đợt giãn cách xã hội kéo dài khiến việc tiếp cận đồng hồ nước không thực hiện được. Vì vậy, đơn vị cấp nước phải xác định lượng tiêu thụ hàng tháng của khách hàng theo phương pháp giả định từ trung bình ba kỳ gần nhất trước đó.
Bản thân phương pháp giả định luôn có rủi ro sai số, sai số càng lớn hơn do thời gian giãn cách kéo dài, những kỳ sau chồng thêm sai số ở kỳ trước.
Các đơn vị cũng đã lường được vấn đề này nên triển khai việc nhờ khách hàng đọc chỉ số tiêu thụ. Tuy nhiên, việc này cũng hạn chế do nhiều khách hàng không xác định được đầu mối liên hệ. Sau thời gian giãn cách, các đơn vị cấp nước tiếp cận ghi nhận chính xác chỉ số đồng hồ nước xảy ra nhiều trường hợp có chỉ số tiêu thụ cao hơn hoặc thấp hơn so với lượng nước đã lập hóa đơn các kỳ trước đó.
NSND Tự Long thăm NSND Công Lý trong bệnh viện
Mới đây, NSND Tự Long khoe ảnh chụp cùng NSND Công Lý kèm lời nhắn: "Chúc NSND Công Lý có nhiều sức khỏe và nghị lực để nhanh trở về với sân khấu”. Tối ngày 21/7, NSND Công Lý bất ngờ bị ngã phải nhập viện cấp cứu. Sau khi được các bác sĩ chữa trị, sức khoẻ anh ổn định hơn song vẫn phải ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi. Vào thời điểm đó, rất nhiều anh chị em nghệ sĩ khi nghe tin NSND Công Lý gặp tai nạn đã rất bất ngờ, đồng thời gửi lời chúc cho anh sớm khoẻ mạnh trở lại để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật.
Giá vé xem đội tuyển Việt Nam với Nhật Bản và Saudi Arabia là bao nhiêu?
Chiều ngày 21/10, UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức đồng ý để khán giả được vào sân vận động quốc gia Mỹ Đình để cổ vũ ĐT Việt Nam trong 2 trận đấu thuộc vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Ngay sau đó, VFF đã chính thức quyết định các mệnh giá vé vào sân theo dõi 2 trận đấu đỉnh cao của ĐT Việt Nam trước lần lượt Nhật Bản và Saudi Arabia. Cụ thể, có tổng cộng 4 mệnh giá vé cho 2 trận đấu kể trên gồm: 1.200.000 đ/vé; 900.000 đ/vé; 700.000 đ/vé; 500.000 đ/vé.
Dự kiến giá vé vào sân Mỹ Đình xem đội tuyển Việt Nam đấu với Nhật Bản và Saudi Arabia ngày 11-11 và 16-11 có thể cao nhất là 1,5 triệu đồng. Ảnh: An Khánh.
Ngoài việc mua vé thì các cổ động viên phải đảm bảo đủ điều kiện sau để vào sân, đó là: Đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi 2 đã qua 14 ngày trở lên), hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian tối đa 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra; thực hiện 5K; đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu của BTC về việc ngồi giãn cách trên khán đài, đặc biệt phải đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian có mặt tại SVĐQG Mỹ Đình (trước, trong và sau trận đấu).
ĐT Việt Nam vẫn chưa giành được điểm số nào ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đứng cuối bảng B. Việc được thi đấu trên sân nhà và có sự tiếp lửa của các cổ động viên, ĐT Việt Nam được kỳ vọng sẽ giành được điểm số đầu tiên.
Giá thịt lợn hơi đang tăng trở lại
Chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đi khảo sát thực tế tình hình chăn nuôi tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long và hộ chăn nuôi ở xã Kim Thư (huyện Thanh Oai), siêu thị MM Mega Market tại quận Hà Đông.
Qua kiểm tra thực thế cho thấy, giá thịt lợn hơi đang tăng dần từng ngày và dự kiến tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các hộ tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm.
Chia sẻ về tinh hình hoạt động chăn nuôi, Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay hợp tác xã đang nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thịt, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thịt lợn và 5 tấn sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Ngày 23/10, giá thịt lợn hơi đã tăng lên gần 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thanh, hộ chăn nuôi ở xã Kim Thư đang nuôi 40 con lợn thịt, 5 lợn nái. Ông Thanh cho biết, tuần trước vừa xuất bán 40 con lợn thịt với giá 35.000 đồng/kg. Hiện, đã bắt tay vào tái đàn với 100 lợn giống phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần và sau Tết. Nhờ chủ động về con giống nên không lo về đầu vào, chỉ có băn khoăn về giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện giá thịt lợn đang tăng dần từng ngày và các trang trại trên địa bàn TP đang bán với giá khoảng 40.000 đồng/kg và dự đoán giá thịt lợn hơi sẽ tăng dần lên và có thể lên tới 70.000- 80.000 đồng/kg vào dịp cuối năm. “Người chăn nuôi sẽ có lãi, không quá lo lắng vì đó là quy luật thị trường. Và với mức giá 50.000 đồng/kg là người chăn nuôi bắt đầu có lãi”- ông Nguyễn Đức Thanh cho biết thêm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra hoạt động chăn nuôi tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, 9 tháng năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng toàn TP ước tính 168.000 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 3 tháng cuối năm 2021 là 62.000 tấn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường cho biết, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi Hà Nội chịu tác động mạnh. Giá cả thị trường sản phẩm chăn nuôi, con giống biến động tuỳ từng thời điểm, không ổn định, gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, buổi đi thực tế hôm nay nhằm tìm hiểu kỹ toàn ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi của Hà Nội. Trong 3-4 ngày qua giá thịt lợn hơi có sự chênh lệch lớn từ 33.000 lên đến gần 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các lò giết mổ đã hoạt động trở lại, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà máy đã hoạt động... nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đã tăng lên nên thịt lợn hơi có tín hiệu tăng dần lên.