Google giới thiệu ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật dùng smartphone
Tính năng mới của ứng dụng nêu trên được gọi là "Camera Switches", cho phép người dùng sử dụng khuôn mặt của mình để tương tác với điện thoại.
Bằng cách nhíu mày hoặc mỉm cười, người gặp các vấn đề về sức khỏe hay lời nói giờ đây có thể thực hiện được những thao tác trên các mẫu smartphone sử dụng hệ điều hành Android thông qua ứng dụng mới được Google công bố.
Thông báo của Google khẳng định: "Để các thiết bị Android dễ dàng tiếp cận hơn cho mọi người, chúng tôi giới thiệu những công cụ mới, qua đó giúp điều khiển điện thoại dễ hơn và giúp giao tiếp dựa theo những chuyển động trên khuôn mặt".
Phần mềm dành riêng cho người khuyết tật (Ảnh minh họa - internet).
Theo thông báo, tính năng mới của ứng dụng nêu trên được gọi là "Camera Switches", cho phép người dùng sử dụng khuôn mặt của mình để tương tác với điện thoại.
Tính năng còn lại là Project Activate - hay còn được biết tới là ứng dụng Activate. Đây là ứng dụng cho phép người dùng giờ đây có thể lựa chọn thực hiện tác vụ trên máy bằng cách mỉm cười, nhíu mày, mở miệng hoặc nhìn sang các hướng.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ước tính có khoảng 61 triệu người trưởng thành tại nước này gặp khó khăn trong cuộc sống do những khuyết tật.
Vì vậy, CDC đã đề nghị Google, cùng Apple và Microsoft thiết kế các sản phẩm và dịch vụ để người khuyết tật có thể dễ dàng sử dụng smartphone.
Ứng dụng mới của Google hiện đã có trên Play Store ở các nước như Mỹ, Australia, Anh và Canada.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường bổ sung phương án tuyển sinh cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp
Ngày 24/9, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 4199 gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non (gọi chung là các trường) về việc bổ sung phương án tuyển sinh đối với thí sinh không tham dự được kì thi tốt nghiệp THPT do dịch bệnh.
Cụ thể, do diễn biến của dịch bệnh tại các địa phương khu vực phía Nam nên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ không tổ chức kì thi đánh giá năng lực như kế hoạch đã thông báo. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức tổ chức kì thi này vào ngày 26/9.
Để tiếp tục triển khai công tác tuyển sinh năm 2021, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường chủ động rà soát, công bố đề án tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành trước 15 ngày so với ngày xét tuyển. Cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng tuyển sinh ngành Mầm non đồng triển khai hoạt động tuyển sinh theo hướng dẫn tại Công văn số 3190 (ngày 30/7) của Bộ GD&ĐT về công tác tuyển sinh năm 2021 trong tình hình dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường bổ sung phương án tuyển sinh cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp (Ảnh minh họa).
Các nhà trường xem xét bổ sung phương án tuyển sinh cho số lượng chỉ tiêu đã dành lại cho đối tượng thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không thể tham dự kì thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do dịch bệnh. Phương án này có thể xét kết quả học tập cấp trung học phổ thông kết hợp thi đánh giá trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội…
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 15.000 thí sinh của 44 tỉnh thành đã không thể dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và được xét đặc cách tốt nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi tuyển sinh cho nhóm đối tượng trên, ngày 10/8, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng sư phạm yêu cầu điều chỉnh đề án tuyển sinh, dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh được đặc cách tốt nghiệp này.
Kiểm tra ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, CSGT kịp thời đưa "xế" nữ phát bệnh tim đi cấp cứu
17h ngày 22/9, Tổ công tác thuộc Đội TTKSGTĐB cao tốc số 4, Cục CSGT do đồng chí Đại úy Đậu Hoàng Song làm Tổ trưởng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Km 52 trên tuyến Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đã phát hiện xe ô tô biển số 20A-167.22 đang đỗ ở làn dừng khẩn cấp và ra hiệu bằng tay để cầu cứu.
Qua kiểm tra, CSGT phát hiện bên trong xe có phụ nữ ngồi trên ghế lái có biểu hiện gặp vấn đề về sức khỏe, khó thở. Tổ công tác đã sơ cứu ban đầu, báo cáo ngay vụ việc đến chỉ huy Đội và liên hệ với bệnh viện gần nhất. Cán bộ CSGT đã sử dụng xe ô tô tuần tra mở đường đưa người phụ nữ trên đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Quá trình đưa đi cấp cứu người phụ nữ có biểu hiện hôn mê sâu. Tuy nhiên, do được phát hiện kịp thời và được đưa đi cấp cứu nhanh chóng nên người phụ nữ trên đã qua cơn nguy kịch và không ảnh hưởng đến tính mạng.
Kiểm tra ô tô dừng khẩn cấp trên cao tốc, CSGT kịp thời đưa "xế" nữ phát bệnh tim đi cấp cứu (Ảnh Báo giao thông).
Đến khoảng 19h cùng ngày, người phụ nữ đã tỉnh lại. Chị là Nguyễn Thị Hằng, SN 1979, quê Thái Nguyên, mắc bệnh tim nên sức khỏe kém. Do công việc nên chị phải điều khiển xe đi một mình.
Bác sỹ điều trị cho biết, sức khỏe chị đã ổn định, Tổ công tác đã đưa chị cùng xe ô tô 20A-167.22 về nhà an toàn và giao lại cho gia đình tiếp tục theo dõi sức khỏe của chị.
Công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông
Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội ban hành Thông báo công khai kế hoạch tuần tra kiểm soát tháng 10/2021. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 15/9 đến ngày 14/10.
Cụ thể, đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm: Từ Đội CSGT đường bộ số 1 đến Đội CSGT đường bộ số 12, 14, 15, Đội CSGT Đường sắt, Đội Tuần tra dẫn đoàn, Đội Cảnh sát đường thủy số 1, 2.
Tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm: Trên địa bàn TP Hà Nội (Có danh sách cụ thể kèm theo).
Công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông (Ảnh minh họa).
Loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý bao gồm loại các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đường thủy. Xử lý các hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019; Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/12/2015.
Trên lĩnh vực đường bộ, đường sắt, công an TP Hà Nội tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông như: Vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, chất kích thích; vi phạm về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; vi phạm trọng tải phương tiện; vi phạm của xe ô tô chở khách (dừng, đỗ, đón, trả khách, chở quá số người quy định ...;vi phạm tốc độ; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế…
Trên lĩnh vực đường thủy nội địa, công an TP Hà Nội xử lý các hành vi phạm trong khai thác, vận chuyển cát, sỏi dưới lòng sông; người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo trang thiết bị an toàn; chở quá vạch mớn nước an toàn; neo đậu phương tiện không đúng quy định…
Phục hồi điều tra vụ bà Nguyễn Phương Hằng tố "thần y" Võ Hoàng Yên lừa đảo
Ngày 24/9, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1972, địa chỉ thường trú quận 1, TP Hồ Chí Minh), cho biết vừa nhận được Thông báo số 17508/TB-PC02 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hồ Chí Minh gửi, thông báo về việc “Phục hồi giải quyết nguồn tin tố giác về tội phạm” đối với ông Võ Hoàng Yên.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng - CEO Công ty Cổ phần Đại Nam, trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, có đơn tố giác tội phạm đối với người được gọi là “thần y” Võ Hoàng Yên (SN 1975, ngụ thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), có hành vi lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh/thành khác.
Phục hồi điều tra vụ bà Nguyễn Phương Hằng tố "thần y" Võ Hoàng Yên lừa đảo (Ảnh vietnamnet.vn)
Qua thời gian điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh chưa có kết luận giám định nên ngày 18/7, cơ quan này ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Tuy nhiên, đến nay đã có kết luận giám định nên ngày 20/9, Cơ quan CSĐT ra thông báo quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm để tiếp tục điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm của bà Hằng đối với “thần y” Võ Hoàng Yên.
TP HCM lên kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc từ 1/10
Cụ thể, đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn thành phố bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố cần trở lại TP HCM.
Để trở lại, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế; Có xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực theo quy định.
Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đối với việc đi lại bằng đường bộ, Sở GTVT TP HCM đưa ra 3 phương thức.
Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao...) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT TP HCM xem xét triển khai.
Sở sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT thành phố cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.
Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.
TP HCM lên kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc từ 1/10 (Ảnh plo.vn).
Sở GTVT TP HCM sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TP HCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến. Các đơn vị vận tải đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP HCM thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan cấp giấy nhận diện trước khi thực hiện. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.
Về thời gian thực hiện, giai đoạn 1 (từ ngày 1/10 đến ngày 31/10) sẽ triển khai vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Giai đoạn 2 (từ ngày 1/11 trở đi) thực hiện triển khai cả 3 phương thức nêu trên.
Đối với phương thức đón người dân bằng đường sắt và đường hàng không: thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.
Về quy định chung đối với người lao động khi trở lại thành phố, khi mua vé và lên xe phải xuất trình bản chụp giấy đề nghị kèm danh sách người lao động của đơn vị tiếp nhận người lao động; bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID -19 trong vòng 72 giờ; giấy xác nhận đã được tiêm vaccine mũi 1 đã được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID -19.
Các phương án trong kế hoạch đón người lao động trở lại thành phố sẽ được UBND TP HCM xem xét quyết định, trước khi thành phố có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai.
Trước đó, từ tháng 7/2021, Sở GTVT TP HCM đã phối hợp với các địa phương đưa khoảng 33.000 người về 34 tỉnh thành an toàn theo nguyện vọng của người dân.