Công an phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) kiểm tra, hướng dẫn lái xe công nghệ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/CT-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Hà Nội: Sẽ xử phạt 'shipper' ra đường không có lý do chính đáng
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các quận huyện tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với lái xe và đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe).
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của thành phố về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid - 19, ngày 24/7, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp phần mềm (ứng dụng gọi xe) ngừng ngay việc cung cấp ứng dụng cho các đối tác hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper).
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều tài xế, trong ngày hôm nay (27/7), trên ứng dụng gọi xe Grab chỉ khóa hoạt động giao đồ ăn và chở khách di chuyển, còn hoạt động giao hàng và đi chợ thì vẫn mở bình thường. Vì thế, nhiều tài xế đã mở ứng dụng để chạy vì vẫn ghi được phép hoạt động và phía Grab không có một thông báo nào về việc dừng chạy cho tài xế.
Do vậy, nhiều tài xế đã bị lực lượng chức năng xử phạt vì không thuộc đối tượng ưu tiên ra đường.
Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng công an các quận huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị không thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô; tổng hợp danh sách các đơn vị vi phạm, tái vi phạm để xử lý theo quy định hiện hành.
Mặt khác, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thị xã tăng cường các chốt trực, lực lượng chức năng trực thuộc tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng xe môtô bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và “xe ôm”, kinh doanh giao hàng công nghệ (shipper) không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của thành phố Hà Nội.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã có đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe gồm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grab (ứng dụng Grab); Công ty cổ phần Be Group (ứng dụng Be); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gojek Việt Nam (ứng dụng Gojek); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Logistics Viettel (ứng dụng My Go); Công ty cổ phần FastGo Việt Nam (ứng dụng FastGo) không thực hiện việc dừng hoạt động cung cấp ứng dụng gọi xe đối với hoạt động vận tải vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe môtô.
Việt Nam ký 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan vaccine COVID-19
Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 27/7 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 của các đối tác Nước ngoài là: Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga; Công ty Shionogi (Nhật Bản) và đối tác ở Mỹ.
Công nghệ vaccine được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ.
Trước đó, ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19.
Theo đó, đối với dự án hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Công ty AIC và Công ty Shionogi (Nhật Bản), hiện nay Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác và đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam (đầu mối là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và làm các thủ tục chuyển giao công nghệ (đầu mối là Vabiotech). Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vaccine ra thị trường.
Công ty DS-Bio, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga, đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga đã ký hợp đồng về dự án chuyển giao công nghệ, theo đó phía doanh nghiệp Việt Nam nhận phần đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm.
Vabiotech đã đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng. Dự kiến, đến ngày 10/8 sẽ có kết quả kiểm định để Vabiotech có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với đối tác ở Mỹ, hiện tại Bộ Y tế đã đã cử một nhóm chuyên gia phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn, dự kiến khởi động nghiên cứu vào ngày 1/8 và kết thúc cuối tháng 12/2021.
Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.
Người dân nhiều phường ở Hà Nội được phát "phiếu ra đường"
Nhiều phường trên địa bàn Hà Nội phát phiếu ra đường, phiếu đi chợ cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Laodong.vn
Tính đến thời điểm ngày 27/7, 10 phường của Thị xã Sơn Tây; phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm); Phường Nhật Tân, phường Bưởi (Tây Hồ) đã phát "phiếu ra đường" cho các hộ gia đình trên địa bàn để kiểm soát việc ra đường của người dân trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố.
Theo thông tin trên Báo Lao Động, ông Ngọc Hà - Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm chia sẻ, phường Đức Thắng có đề xuất "Phiếu ra đường" cho các hộ gia đình trong những ngày giãn cách xã hội. "Phiếu ra đường" có tác dụng chỉ cho phép một người/hộ gia đình được ra ngoài trên địa bàn phường Đức Thắng, trong các trường hợp cấp thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng, đi làm và các trường hợp khẩn cấp khác…
"Mỗi ngày, mỗi hộ gia đình chỉ được một lần ra ngoài để mua nhu yếu phẩm thiết yếu. Khi gặp chốt kiểm soát, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra xem có phiếu không và đi ra ngoài vì lý do gì, có nằm trong trường hợp thật sự cần thiết hay không", vị Chủ tịch Quận Bắc Từ Liêm nói.
Theo đó, phiếu ra đường có các ô "kiểm soát". Sau khi người dân qua chốt kiểm soát sẽ được lực lượng chức năng đánh dấu thời gian, số lượt ra đường để kiểm soát. Đối với những đối tượng/trường hợp đi làm, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan sẽ thực hiện đúng Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội.
Được biết, trong tối 26/7, phường Đức Thắng đã phát 2.500 phiếu cho các hộ dân thuộc 8 tổ dân phố trên địa bàn. Phường cũng vừa bổ sung thêm "phiếu ra đường" cho các sinh viên đang lưu trú trên địa bàn. Mỗi dãy trọ sẽ được phát một phiếu để các sinh viên đi chợ hoặc mua nhu yếu phẩm khác.
"Hiện phường đã thiết lập 4 chốt kiểm soát cố định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 17 do UBND thành phố ban hành", Chủ tịch UBND phường Đức Thắng thông tin thêm.
Tương tự, Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bắt đầu phát phiếu kiểm soát đi lại cho các hộ gia đình. Ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho hay, nhiều địa phương đã "phiếu kiểm soát đi lại" cho người dân từ giữa tháng 7. "Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 10 phường trong tổng số 15 phường của Thị xã Sơn Tây đã phát phiếu và áp dụng hình thức kiểm soát này".
"Chiều nay, chúng tôi họp để điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thị xã sao cho thống nhất và cân đối nhu cầu, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19", ông Thăng thông tin thêm.
Phường Nhật Tân, phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) tiến hành áp dụng biện pháp hạn chế đông người, đảm bảo giãn cách tại các khu chợ dân sinh bằng hình thức phát "thẻ đi chợ" cho người dân theo khung giờ và ngày chẵn lẻ.
Mỗi hộ dân được nhận phiếu đi chợ trong 15 ngày giãn cách xã hội, trên phiếu ghi rõ họ tên đại diện hộ gia đình, địa chỉ. Mỗi tuần, mỗi hộ có thể đi chợ 4 lần, luân phiên vào một khung giờ nhất định. Thời gian đi chợ được khống chế một giờ một ngày.
Tính từ ngày 29.4 đến 15h hôm nay (27/7), Hà Nội ghi nhận 849 trường hợp mắc, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 521 người, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 328 trường hợp.
Nghệ An: Cựu học sinh trường Chuyên trở thành thủ khoa sau 1 năm 'trượt đại học'
Ước mơ của An là vào học ngành Y đa khoa - Đại học Y Hà Nội
Nỗ lực trong suốt 1 năm qua của Nguyễn Thúy An (cựu học sinh lớp chuyên Sinh, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu) đã kết thành trái ngọt và giúp nữ sinh giành được số điểm 29,55, trở thành thủ khoa khối B của Tỉnh Nghệ An và lọt top các thí sinh dự thi khối B có điểm số cao nhất cả nước.
Thúy An từng là học sinh có thành tích nổi trội khi còn học tập tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Kỳ thi năm 2020, điểm số An đạt được cũng khá cao, với 26,6 điểm. Nhưng số điểm này không giúp nữ sinh trúng tuyển vào ngôi trường mình yêu thích là Trường ĐH Y Hà Nội.
Khi biết điểm chuẩn không đỗ vào ngành Y đa khoa, em phân vân có nên vào ngành Y học cổ truyền hay “học đại” một trường đại học nào khác không.
Điều này càng trở thành quyết định khó khăn khi xung quanh An, bạn bè đều lần lượt biết điểm và nhập học.
“Nhưng chính trong lúc em đang phân vân nhất, bố mẹ và chị gái đã khuyên em nên thi lại để đạt được ước mơ của mình. Với một học sinh trường chuyên, chấp nhận thi lại tức mang tâm lý “bị trượt đại học”, lúc đó em cũng có chút lo lắng và hoang mang. Nhưng chính sự động viên, ủng hộ và đồng hành của cả gia đình, em đã gạt bỏ ánh nhìn của mọi người để quyết tâm làm lại”, Thúy An chia sẻ.
Rút ra bài học từ năm trước, do tâm lý chưa vững vàng và kiến thức chưa đủ chắc khiến điểm Sinh, Hóa không như kỳ vọng, lần này, An tập trung thời gian để củng cố, bù đắp những lỗ hổng và khắc phục điểm yếu của năm ngoái.
Kỳ thi 2021 em đã đạt điểm số rất cao, trở thành thủ khoa khối B của Nghệ An và là một trong 10 thí sinh đạt điểm số cao nhất ở khối thi này.
Với điểm số này, An tự tin mình có thể trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội.
12.000 người lao động được trả lương từ gói vay ưu đãi 7.500 tỉ đồng
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn và Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Lạng Sơn ký kết hợp đồng tín dụng trả lương ngừng việc cho người lao động
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online 27/7, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết đã nhận được gần 44 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn từ gói vay ưu đãi 7.500 tỉ đồng.
Khoản tiền này sẽ được hệ thống ngân hàng chính sách xã hội cho một số doanh nghiệp vay để trả lương cho 12.000 người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp được vay lần này là bị ngưng hoạt động trong tháng 5 vừa qua để phòng, chống dịch COVID-19.
Ngay trong ngày 27/7, ngân hàng chính sách xã hội tại 4 địa phương là Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn và Bình Định sẽ giải ngân số vốn vay ưu đãi này tới doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay vốn gói tín dụng này.
Trước đó, ngày 21/7, thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư số 10 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông tư được ban hành trên cơ sở thực hiện theo quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỉ đồng với lãi suất là 0%/năm, thời hạn là 364 ngày.
Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc khi có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.
Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn từ tháng 5/2021 đến hết tháng 3/2022 nếu có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Nói rõ hơn về chính sách cho vay được triển khai lần này, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết ngoài cho vay trả lương cho người lao động bị ngưng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp còn được vay để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Cụ thể về vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng dịch, nay hoạt động trở lại cũng được vay gói 7.500 tỉ đồng để trả lương cho người lao động.
Mặt khác, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực vận tải, hàng không, du lịch, lưu trú không cần có yêu cầu ngừng việc, có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và đủ điều kiện thì sẽ được vay gói tín dụng ưu đãi này.
Khởi tố ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương
Ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị khởi tố liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Tổng Công ty 3/2). Vụ án này thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Vào tháng 7/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020 và 2020 - 2025.
Trước đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng có nghị quyết không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Trần Văn Nam vì kết luận bước đầu cho thấy ông Trần Văn Nam vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm cũng như vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng liên quan đến vụ án này, ngày 30/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và 5 bị can khác, gồm: Trần Xuân Lâm (nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh tế ngành thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện là Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương); Võ Văn Lượng (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện là Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thanh Trúc (nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương); Phạm Văn Cành (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương); Ngô Dũng Phương (Trưởng phòng Phòng Tài chính Đảng thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương).
Các bị can trên đều bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 - Bộ luật Hình sự 2015.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên đúng quy định pháp luật.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Trước đó, cũng liên quan vụ án này, ngày 1/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra các quyết định khởi tố đối với 4 bị can, gồm: Nguyễn Đại Dương; Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc); Phạm Hữu Hiền (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam); Hồ Hoàng Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam). Bốn bị can cùng bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 - Bộ luật Hình sự 2015.