Nhiều dịch vụ tại Bắc Ninh được hoạt động trở lại sau 20 ngày “sạch Covid-19”
Chiều 12/8, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Ninh đã ban hành văn bản số 2512/UBND-KGVX về việc cho phép hoạt động trở lại một số loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Theo văn bản, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã được kiểm soát chặt chẽ, toàn tỉnh đã qua 20 ngày không ghi nhận ca dương tính mới trong cộng đồng; ngày thứ 8 không có lây nhiễm thứ phát. Trước đó, ca dương tính thứ phát cuối cùng được ghi nhận vào ngày 4/8, là F1 được cách ly tập trung từ ngày 19/7 và lấy mẫu xét nghiệm lần 5.
Để các hoạt động kinh tế xã hội từng bước trở lại trong trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh cho phép hoạt động trở lại một số loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Nhiều dịch vụ tại Bắc Ninh được hoạt động trở lại sau 20 ngày “sạch Covid-19” (Ảnh Phapluatplus.vn).
Theo đó, đối với các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời tập trung không quá 10 người, đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người. Các cơ sở cắt tóc, gội đầu không được tập trung quá 5 người.
Các quán bán hàng ăn sáng hoạt động trở lại nhưng phải lắp đặt tấm kính chắn tại các bàn, đảm bảo giãn cách tối thiểu 1m giữa người với người, không quá 10 người trong cùng một thời điểm.
Các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng dịch vụ ăn, uống, cà phê: Không phục vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ bán hàng mang về.
Các bến xe khách trên địa bàn tỉnh và các tuyến xe buýt nội tỉnh cũng được phép hoạt động trở lại.
Đối với các lĩnh vực hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn “5K” của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Thời gian bắt đầu từ 6h ngày 13/8, hàng ngày hoạt động không quá 21h.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong công tác phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 14h00 ngày 12/8, Việt Nam ghi nhận 241.543 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, có 85.154 trường hợp đã được điều trị khỏi, 151.898 trường hợp đang điều trị và 4.487 trường hợp tử vong (tăng 342 người).
Hà Nội yêu cầu toàn bộ người dân quét mã QR khi qua chốt kiểm soát
Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội vừa mới ban hành Văn bản số 19/SCHTP về việc thực hiện triệt để việc quét mã QR đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã có các văn bản yêu cầu người dân khai báo y tế bằng mã QR khi ra - vào các địa điểm công cộng bằng hình thức trực tuyến trên website tokhaiyte.vn hoặc qua các ứng dụng Vietnam Health Declaration, Bluezone hay Ncovi trên điện thoại thông minh.
Để bảo đảm việc truy vết được nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan dịch bệnh, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chỉ đạo giám đốc, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quét mã QR để quản lý thông tin tất cả người vào - ra tại cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm; người vào - ra, người đến giao hàng tại các chốt kiểm soát của các xã, phường, thị trấn, khu chung cư, khu đô thị, thôn, tổ... phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của UBND TP.
Các đơn vị, địa phương phải bảo đảm tất cả các trường hợp vào - ra phải được khai báo y tế và cập nhật thông tin lên hệ thống tờ khai y tế của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với trường hợp bị nghẽn mạng, người dân không có thiết bị điện tử, không biết sử dụng thì đơn vị có trách nhiệm cử người hướng dẫn hoặc khai báo trên tờ khai, sau đó cập nhật ngay lên hệ thống.
Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu chưa thực hiện đúng, đủ nội dung chỉ đạo trên. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, liên hệ trực tiếp đến số điện thoại 19009095 của Ban Chỉ đạo quốc gia hoặc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để được hướng dẫn.
Hà Nội yêu cầu toàn bộ người dân quét mã QR khi qua chốt kiểm soát.
Sở Chỉ huy cũng giao Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các công ty quản lý các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối có giải pháp để người đến mua hàng, vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, khai báo y tế điện tử bằng hình thức quét mã QR; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông có giải pháp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khai báo y tế tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ, đề xuất giải pháp chấn chỉnh hoặc tháo gỡ khó khăn (nếu có).
UBND quận, huyện, thị xã được giao đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện việc khai báo y tế bằng mã QR nêu trên đối với tất cả người vào - ra tại đơn vị. Đồng thời, rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các cửa hàng lương thực, thực phẩm (không theo chuỗi), chợ dân sinh, các cơ sở bán hàng... (được phép hoạt động) thuộc thẩm quyền quản lý; các chốt kiểm soát của các xã, phường, thị trấn, khu chung cư, khu đô thị, thôn, tổ.... phải bảo đảm việc khai báo y tế bằng mã QR nêu trên đối với toàn bộ người vào - ra.
Hà Nội phong tỏa một dãy phố Đội Cấn
Quận Ba Đình sẽ phong tỏa khu vực dài 350 m trên phố Đội Cấn trong 14 ngày sau khi xác định 16 ca dương tính nCoV tại đây.
Từ sáng 12/8, công an dựng rào chắn từ số nhà 1 đến số nhà 129 phố Đội Cấn, các ngõ nhỏ cũng được rào cứng. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm hàng trăm trường hợp sống trong khu vực.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho hay, chính quyền đang tiếp tục điều tra dịch tễ, truy vết. Việc cách ly sẽ được thực hiện đến hết ngày 25/8.
Hà Nội phong tỏa một dãy phố Đội Cấn.
Theo CDC Hà Nội, trường hợp dương tính đầu tiên ở Đội Cấn là phụ nữ 59 tuổi. Ngày 7/8, bà có triệu chứng ho, sốt nên tự đến Bệnh viện Hồng Ngọc xét nghiệm, kết quả dương tính nCoV. 15 ca dương tính còn lại ở khu phố này được phát hiện rải rác từ 8/8 đến 12/8 thông qua truy vết và xét nghiệm sàng lọc.
Phố Đội Cấn dài 3 km, từ đoạn giao cắt ngã tư Lê Hồng Phong - Ngọc Hà đến ngã ba đường Bưởi, nằm trên địa bàn bốn phường Đội Cấn, Liễu Giai, Vĩnh Phúc, Cống Vị, quận Ba Đình.
Từ 27/4 đến nay, quận Ba Đình ghi nhận 49 trường hợp dương tính với nCoV. Toàn thành phố có 2.025 ca, trong đó ghi nhận ngoài cộng đồng 1.139, số mắc được cách ly 886.
TP HCM dự kiến khai giảng giữa tháng 9
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM dự kiến khai giảng theo hình thức trực tuyến vào giữa tháng 9, muộn hơn 2 tuần so với kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12/8.
Sở đã trình UBND TP HCM phương án kế hoạch năm học 2021-2022 với nhiều kịch bản giảng dạy khác nhau, tùy khối lớp và bậc học, phù hợp với diễn biến dịch bệnh. Dự kiến, UBND TP HCM họp và thống nhất phương án trong tuần này.
Ở bậc tiểu học, phương án dạy học trực tuyến được xây dựng theo hướng tăng cường việc dạy học theo chủ đề, xây dựng những nội dung cốt lõi, có thể giảm yêu cầu cần đạt được phù hợp theo từng khối lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo đang thống kê các trường học được làm nơi cách ly, điều trị, tiêm vaccine, mốc thời gian bàn giao để chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.
TP HCM dự kiến khai giảng giữa tháng 9 (Ảnh plo.vn).
TP HCM hiện có 1,74 triệu học sinh mầm non và phổ thông, dự kiến số lượng học sinh năm học tới có thể giảm nhẹ do tác động của Covid-19. Việc tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đã hoàn thành, tuyển sinh đầu cấp mầm non, tiểu học và THCS đang được các quận huyện tiến hành, dự kiến hoàn tất trước ngày 19/8.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương vận dụng linh hoạt khung kế hoạch năm học, tận dụng "thời gian vàng" dịch bệnh được kiểm soát để dạy trực tiếp.
Những ngày đầu tiên của năm học, nếu đủ điều kiện dạy trực tiếp, các nhà trường cần đi ngay vào phần nội dung cốt lõi, căn bản nhất. Sau đó, nếu may mắn dịch ổn định, được dạy trực tiếp, các thầy cô sẽ củng cố, mở rộng thêm. Còn nếu phải dạy trực tuyến, các trường cũng có kế hoạch củng cố thêm cho phù hợp.
Hôm 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022, trong đó nêu thời gian tựu trường với học sinh lớp 1 là 23/8 và các lớp còn lại là 1/9. Các địa phương dựa vào khung này để đưa ra kế hoạch riêng phù hợp với thực tiễn.
Hiện, 19 địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh đã quyết định cho học sinh tựu trường đúng như các mốc thời gian trong khung kế hoạch năm học. Sơn La thậm chí cho học sinh lớp 1 tựu trường từ 16/8. Trong khi đó, đa số tỉnh, thành đang phải giãn cách theo Chỉ thị 16 chưa ban hành kế hoạch năm học mới hoặc đưa ra mốc tựu trường 1/9 nhưng dự kiến phải dạy trực tuyến trong 1-2 tháng đầu.
Bộ Y tế yêu cầu không phun khử khuẩn vào người
Các bệnh viện được lệnh không phun khử khuẩn lên đồ phòng hộ, quần áo, đồ dùng cá nhân của nhân viên y tế; người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Ngày 12/8, Bộ Y tế yêu cầu các giám đốc sở y tế các địa phương, giám đốc các bệnh viện, thủ trưởng y tế các ngành thực hiện yêu cầu trên.
Bộ Y tế đánh giá các biện pháp phun khử khuẩn lên người không có hiệu quả mà còn gây hậu quả nặng nề như ô nhiễm môi trường, lãng phí hóa chất, không an toàn.
Trong và ngoài phòng bệnh, lối đi, khu vực ngoại cảnh tại các bệnh viện cũng không được phun hóa chất. Việc phun chỉ tiến hành ở nơi không thể lau được và không có người. Các bề mặt nhiều người thường xuyên tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, phím bấm cầu thang... cần khử khuẩn bằng cách lau.
Bộ Y tế yêu cầu không phun khử khuẩn vào người.
Đây là lần thứ hai từ đầu tháng 8/2021 đến nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thay đổi biện pháp phun khử khuẩn để phòng chống dịch bệnh.
Mười ngày trước, Bộ Y tế đề nghị không phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt nCoV ngoài trời. Các địa phương "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".
Thai phụ nghi mắc COVID-19 chuyển dạ giữa đường, được CSGT chở đi sinh
Thai phụ trên đường về Nghệ An, khi đến tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu chuyển dạ. Cảnh sát giao thông đã hỗ trợ người này đến bệnh viện mới phát hiện cả 3 người trong gia đình dương tính với Covid-19.
Sáng 12/8, tổ CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi tuần tra trên địa bàn thị xã Đức Phổ phát hiện 3 người trong một gia đình nghỉ chân bên đường.
Qua tìm hiểu, người chồng tên T.V.L. (28 tuổi, quê Nghệ An) đang chở vợ mang thai và con nhỏ từ tỉnh Bình Dương về quê để sinh nở. Tổ CSGT đã hỗ trợ nước uống, sữa để gia đình này tiếp tục lên đường.
Thai phụ nghi mắc COVID-19 chuyển dạ giữa đường, được CSGT chở đi sinh (Ảnh VTV.vn)
Trưa cùng ngày, trên đường quay về trụ sở, tổ CSGT lại phát hiện 3 người trong gia đình nói trên ngồi bên vệ đường. Lúc này, người phụ nữ ôm bụng đau đớn, có dấu hiệu chuyển dạ. Tổ CSGT lập tức dùng xe công vụ đưa thai phụ đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, 3 người trong gia đình anh L. có kết quả dương tính khi test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Người vợ lập tức được đưa vào Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid -19 tỉnh Quảng Ngãi để được hỗ trợ sinh nở. Cán bộ CSGT cùng anh L. và con gái anh L. được nhân viên y tế hỗ trợ thực hiện biện pháp cách ly phòng dịch theo quy định.