Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên hành lang thoát lũ hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn TP Hà Nội trở thành vấn đề nhức nhối của một số quận, huyện ven sông. Nhất là khi có thông tin quy hoạch khu đô thị ven sông Hồng, nhiều người đã đổ xô về các khu vực ven sông gom đất đón đầu quy hoạch để kiếm lời. Từ những thông tin chưa chính thống, đội ngũ “cò đất” đã lợi dụng tung tin để tìm cách tăng giá những mảnh đất nông nghiệp, thậm chí lấn chiếm cả những diện tích đất nằm trong hành lang thoát lũ để dao bán. Rất nhiều trường hợp đã cố tình xây dựng sai phép như một biện pháp nhằm giữ đất, sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống đê điều và an toàn của hành lang thoát lũ.
Rất nhiều công trình lấn chiếm hành lang thoát lũ đã tồn tại hàng chục năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm (trong hình trạm trộn bê tông Việt Đức thuộc địa bàn phường Phú Thượng – Tây Hồ).
Theo thống kê, những năm gần đây, số lượng vụ sạt lở đê, kè trên địa bàn TP Hà Nội liên tục tăng, có thể kể đến sự cố sạt lở kè Chu Minh, kè Cam Thượng (huyện Ba Vì); cống Cẩm Đình, mái kè Cẩm Đình, cơ kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ)... Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Thành phố có thêm 17 sự cố sụt lún đê, kè, cống; sạt lở bờ sông... Những sự cố này tuy chưa gây ra thiệt hại về con người, nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro về người và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Còn nhớ, sự cố vỡ đê Bùi 2 trên địa bàn huyện Chương Mỹ vào năm 2017 khiến nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện bị cô lập trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân, đây quả là bài học đắt giá.
“Xảy ra những sự cố trên ngoài nguyên nhân do thiên tai, bão lụt, một phần lớn xuất phát từ yếu tố chủ quan của con người. Việc xây dựng công trình, tập kết vật liệu, đổ đất thải, phế thải san lấp mặt bằng, tôn nền ở bãi sông trong hành lang thoát lũ… không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô” - chuyên gia quy hoạch đô thị, Thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh nhìn nhận.
Thời gian qua, tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ sông Hồng để xây dựng trái phép trên địa bàn Hà Nội diễn ra với chiều hướng phức tạp, nhiều công trình tồn tại hàng chục năm nay nhưng chính quyền vẫn chưa xử lý dứt điểm, có thể kể đến, như: Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh làm chủ đầu tư ở khu vực Bát Tràng (Gia Lâm) giáp ranh với huyện Văn Giang (Hưng Yên); Trạm trộn bê tông Việt Đức của Công ty CP Đầu tư Sông Đà Việt Đức hay Nhà hàng Tre Place thuộc phường Phú Thượng (Tây Hồ)...
Không chỉ các doanh nghiệp mà tình trạng người dân lấn chiếm cũng diễn ra nhan nhản. Như tại quận Long Biên, khu vực từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Long Biên rất nhiều công trình được dựng lên bằng khung sắt quây tôn, làm nhà ở, xưởng chứa hàng. Tại phường Tứ Liên (Tây Hồ), nhiều gia đình đấu thầu khu đất được phép trồng cây cảnh, nhưng tự ý xây dựng công trình nhà ở cấp 4 kiên cố không đúng với quy định về sử dụng đất nông nghiệp.
Về vấn đề này theo Luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam, hiện nay mức xử phạt hành chính tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều là 100 triệu đồng hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ buộc khôi phục hiện trạng ban đầu, nhưng thực tế tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Vi phạm hành lang đê điều ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống thiên tai, tính mạng tài sản của người dân và sự phát triển của kinh tế - xã hội, vì vậy cần phải truy tố hình sự mới có thể răn đe.
Mời bạn đọc tiếp tục quan tâm theo dõi các kỳ tiếp theo về vấn nạn lấn chiếm hành lang thoát lũ trên địa bàn TP Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.