Giá xăng dầu vượt 24 nghìn đồng/lít
Theo đó, giá xăng E5 tăng 1.430 đồng/lít, giá bán không quá 23.110 đồng/lít
Xăng RON95 tăng 1.460 đồng/lít, giá bán không quá 24.330 đồng/lít
Dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít, giá bán không quá 18.710 đồng/lít
Dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít, dầu mazut tăng 120 đồng/kg.
Giá xăng, dầu đồng loạt tăng.
Thị trường xăng dầu thế giới thời gian vừa qua chịu ảnh hưởng của việc nhu cầu tăng khi các nước nới lỏng dần lệnh cấm đi lại, thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu; mức dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ sụt giảm...
Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 26/10.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ bình ổn giá đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Kỳ điều hành lần này, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và không chi Quỹ Bình ổn giá đối với xăng RON95 giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 1.859 đồng/lít đến 2.527 đồng/lít.
Hành khách đi máy bay tiếp tục khai báo thông tin
Theo đó, đối với hành khách, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu: Tiếp tục thực hiện các tiêu chuẩn, điều kiện về hành khách phần 1 Mục IV tại Quyết định số 1840/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT (trừ việc phải hoàn thành Bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19).
Tuân thủ 5K; thực hiện khai báo điện tử (Khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid) hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo hướng dẫn của nhân viên hàng không tại cảng hàng không.
Cung cấp thông tin cá nhân cho các hãng hàng không (Mẫu được đăng tải trên Website/App của các hãng hàng không hoặc kê khai tại quầy làm thủ tục hàng không).
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin khai báo.
Hành khách đi máy bay tiếp tục khai báo thông tin.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT Yêu cầu, chủ động hướng dẫn hành khách thực hiện khai báo điện tử (Khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-Covid); trường hợp hành khách chưa thực hiện khai báo, các hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn hành khách cài đặt, khai báo trên ứng dụng PC-Covid hoặc các hình thức phù hợp khác trong quá trình làm thủ tục hàng không.
Yêu cầu hành khách cung cấp hoặc kê khai thông tin theo Mẫu tại quầy làm thủ tục hàng không. Tổng hợp danh sách hành khách đến theo từng địa phương và chuyển cho Cảng vụ hàng không để thông báo cho địa phương có hành khách đến cư trú, lưu trú sau chuyến bay. Lưu trữ thông tin của hành khách để phục vụ công tác giám sát sau chuyến bay của các cơ quan Nhà nước và địa phương có liên quan.
Có trách nhiệm đăng tải Mẫu kèm theo công văn này trên Website/App của mình và cung cấp Mẫu này tại quầy làm thủ tục hàng không. Hãng hàng không, các đại lý chính thức của hãng có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến điều kiện đi lại bằng đường hàng không cho hành khách, hướng dẫn khách mua vé, kê khai các thông tin liên quan theo quy định.
Thời gian thực hiện từ 12h ngày 26/10.
11 hãng ôtô kiến nghị ưu đãi lệ phí trước bạ cho cả xe nhập
Các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam (VIVA) gồm các thương hiệu như Audi, Porsche, Aston Martin, Jeep, Volkswagen, Volvo, Jeep, Jaguar & Land Rover, Ferrari, Subaru, Maserati cho rằng không công bằng khi ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô chỉ dành cho loại sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Đại diện các hãng này, hôm 25/10, cùng ký tên trong bản kiến nghị gửi lên Chính phủ với mong muốn ưu đãi cần áp dụng cho cả xe nhập khẩu (CBU).
Đến nay, vẫn chưa có quyết định chính thức về việc giảm lệ phí trước bạ cho ôtô CKD, tất cả chỉ dừng lại ở mức đề xuất. Tuy nhiên kiến nghị của VIVA có đoạn: "Chúng tôi được biết rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ hai đối với riêng ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ôtô trong đại dịch COVID-19. Chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc".
11 hãng ôtô kiến nghị ưu đãi lệ phí trước bạ cho cả xe nhập.
Theo đại diện VIVA, dịch Covid-19 ảnh hưởng chung đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ôtô, cả lắp ráp lẫn nhập khẩu chứ không riêng hình thức nào. Vì thế, việc ưu đãi nên dành cho cả hai, xe CKD và xe CBU, cũng là hình thức hỗ trợ cho toàn cộng đồng. Lần đầu Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ xe CKD (Nghị định 70) để kích cầu thị trường là vào cuối tháng 6/2020 và kéo dài đến hết tháng 12/2020.
Chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều đại lý ôtô thậm chí tư vấn với khách rằng xe lắp ráp sắp được giảm 50% lệ phí trước bạ. Phó giám đốc kinh doanh một đại lý Honda tại TP HCM cho biết, thông tin giảm lệ phí trước bạ cho xe CKD chưa có nhưng nhiều khách đã nghe từ nguồn riêng và nảy sinh tâm lý chờ đợi. Sau 1/10, thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, sức mua của thị trường vì thế phục hồi chậm.
Bên cạnh các hãng thuần nhập và phân phối xe (VIVA), các hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng có sản phẩm nhập khẩu, ví dụ Toyota, Mitsubishi, Honda, Suzuki, Ford, Mazda, Mercedes. Một số hãng thuần lắp ráp, sản xuất trong nước (chỉ tính xe con) như Hyundai (phân phối bởi TC Motor), Kia, VinFast.
Quản lý nhiều showroom ôtô cho rằng, ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe CKD nếu được thông qua sẽ là cú hích cho thị trường cuối 2021. Tuy nhiên điều này cũng tạo nên xung đột khi các hãng xe thuần bán xe CKD hoặc vừa CKD và CBU hưởng lợi. Ngược lại các hãng xe thuần CBU gặp nhiều trở ngại để tiếp cận khách hàng. Tuy vậy, một số khách hàng ưu tiên sở hữu xe nhập dù có được ưu đãi lệ phí trước bạ hay không, đặc biệt ở phân khúc xe sang.
TPHCM tập huấn trực tuyến tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17
Theo laodong.vn, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, dự kiến hôm nay (27.10) quận 1 và huyện Củ Chi là 2 địa phương sẽ khởi động tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em, sau đó là toàn Thành phố.
Trước đó, các trường học đã họp phụ huynh, tư vấn về việc tiêm ngừa, và được phụ huynh đồng thuận bằng ký tên đồng ý tiêm cho trẻ. Ngoài ra, những trẻ chưa đi học nhưng trong độ tuổi đủ điều kiện tiêm ngừa, địa phương phối hợp với phụ huynh của trẻ lập danh sách để tránh bỏ sót trẻ.
Đồng thời, Sở Y tế TPHCM và Viện Pasteur TPHCM đang tập huấn trực tuyến cho các nhân viên bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế,... về việc tổ chức tiêm ngừa cho trẻ từ 12-17 tuổi. Trong đó, khu vực khám sàng lọc trước tiêm, nơi xử trí phản ứng sau tiêm, tổ chức công tác cấp cứu,... để đảm bảo an toàn tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho trẻ.
TPHCM tập huấn trực tuyến tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12-17 (ảnh minh họa).
Ông Hưng cho biết thêm: "Trước đây, Thành phố đã nhiều lần thực hiện chiến dịch tiêm chủng nhưng những lần trước dự kiến quy mô không bằng những lần này. Dự kiến quy mô đợt này khoảng 780.000 trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Đây là con số được các sở, ban, ngành thống kê báo cáo, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để có số liệu sát thực tiễn, đảm bảo không trẻ nào bị sót, không được tiêm".
Ông Hưng khẳng định, chiến dịch tiêm cho trẻ em, lứa tuổi đặc thù khác với người lớn, vì vậy ngành Y tế phải vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong buổi tiêm ngừa.
Để đảm bảo an toàn cho buổi tiêm ngày mai, trong hôm nay, Sở Y tế TPHCM sẽ cùng Phòng Nghiệp vụ y, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá lại, nếu đáp ứng các điều kiện, đảm bảo an toàn sẽ tiêm chủng.
"Địa phương nào chuẩn bị kỹ, đảm bảo thì mới triển khai, còn những địa phương nào cảm thấy chưa đủ tự tin thì không triển khai tiêm ngừa. Bên cạnh đó, phải xem xét, biết được ở khâu nào chưa an toàn từ đó điều chỉnh, cải thiện để tiêm cho trẻ. Nơi nào để xảy ra sai sót, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Song song đó, địa phương cần phối hợp với nhau, lập danh sách cụ thể các điểm tiêm, nơi được chọn tiêm, số lượng trẻ ở các ngày tiêm,... Trung tâm Y tế địa phương chịu trách nhiệm về điều kiện của địa điểm", ông Hưng nói thêm.
Diễn biến bất ngờ vụ hiệu trưởng không cho mượn trường làm khu cách ly
Ngày 26/10, ông Huỳnh Ngọc Nguyên (Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cho biết vừa ban hành quyết định phục hồi công tác đối với ông Trần Sung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS thị trấn Vĩnh Thuận. Ông Sung được yêu cầu tự kiểm điểm rút kinh nghiệm do không chấp hành chỉ đạo của cấp trên trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Ngôi trường nơi ông Trần Sung làm hiệu trưởng đã được sử dụng làm nơi test nhanh cho người về từ TP HCM.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, chiều 2/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận nhận chỉ đạo khẩn từ lãnh đạo UBND huyện về việc mượn tạm điểm Trường Tiểu học – THCS thị trấn Vĩnh Thuận để đón người dân từ TP HCM về làm nơi test nhanh Covid-19 hoặc có thể trưng dụng làm khu cách ly tập trung trong trường hợp cần thiết.Ngôi trường nơi ông Trần Sung làm hiệu trưởng đã được sử dụng làm nơi test nhanh cho người về từ TP HCM.
Lúc này, ông Trần Sung không đồng ý vì cho rằng Trường Tiểu học – THCS thị trấn Vĩnh Thuận vừa tu sửa cơ sở vật chất nên nhờ chọn điểm trường khác hoặc phải có văn bản chỉ đạo mới thực hiện. Sau đó, ông Sung gọi điện thoại trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận trong lúc đang họp khẩn với các địa phương chuẩn bị đón người dân từ TP HCM và các tỉnh về ngay trong đêm.
Khoảng 20h cùng ngày, UBND huyện Vĩnh Thuận triệu tập cuộc họp đột xuất với sự tham dự của các đơn vị chức năng để thông qua quyết định tạm đình chỉ công tác ông Sung trong 15 ngày.
Do Huyện ủy Vĩnh Thuận yêu cầu cần xác minh những vấn đề liên quan nên UBND huyện tiếp tục ra quyết định gia hạn thời gian đình chỉ công tác ông Sung 10 ngày. Qua xem xét các tình tiết liên quan, UBND huyện Vĩnh Thuận cho rằng ông Sung có lỗi nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật nên yêu cầu tự kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Quảng Trị cứu 7 người gặp nạn giữa đập tràn
Chiều 26/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn 7 người bị mắc kẹt giữa đập tràn tại công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị).
Trước đó, sáng 26/10, đoàn công tác của Sở GTVT tỉnh Quảng Trị kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên sông, trên tàu hút cát của một doanh nghiệp. Lúc này, tàu có 8 người, trong đó có 4 cán bộ của Sở (trong đó có 1 Phó Giám đốc Sở), 3 thuyền viên và giám đốc một công ty khai thác khoáng sản.
Khoảng 9h, tàu gần qua đập tràn Nam Thạch Hãn thì bị chết máy, trôi vào vùng nguy hiểm. 8 người đã nhảy khỏi tàu, trong đó 7 người bám được vào trụ bê tông nổi giữa đập tràn Nam Thạch Hãn, còn giám đốc công ty khai thác khoáng sản bị nước cuốn trôi mất tích.
Đến khoảng 14h30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã cứu thành công 7 người mắc kẹt giữa đập tràn, tình trạng sức khỏe của 7 người đều ổn định. Công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích tiếp tục được triển khai.
Lực lượng cứu hộ khẩn trương tiếp cận hiện trường. Ảnh: VGP/Minh Trang.
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường và dùng thuyền nhỏ gắn máy chạy từ hạ lưu tiếp cận chân đập tràn. Nhờ sự phối hợp kịp thời của lực lượng chức năng nên công tác cứu nạn được thực hiện thành công.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp, cán bộ chức năng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, trang bị đầy đủ các trang thiết bị khi di chuyển vào các khu vực sông nước mùa mưa lũ. Tránh di chuyển vào khu vực nước sông chảy mạnh, tuyệt đối không có tâm lý chủ quan, sơ suất để xảy ra tình huống đáng tiếc như trên.