Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do nguy cơ do các phản ứng có hại của thuốc.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên.
Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 như sau:
Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu trứng dưới 5 ngày.
Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Các cửa khẩu tại Cao Bằng tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: caobangtv.vn
Ngày 25/2, phía Trung Quốc đã thông báo tạm dừng thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng. Quyết định này được phía Trung Quốc đưa ra sau khi phát hiện một lái xe trung chuyển người Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy, với việc Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng tạm dừng thông quan, hiện không còn cửa khẩu nào ở Cao Bằng có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trước đó, các cửa khẩu còn lại là Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Pò Peo, Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh) đã dừng hoạt động từ nhiều tuần qua.
Ông Phạm Văn Hoài, Trưởng ban Quản lý Cửa khẩu Tà Lùng cho biết, trước quyết định của phía Trung Quốc, đơn vị đã thông tin đến các doanh nghiệp tình hình cửa khẩu để các doanh nghiệp có phương án bố trí hàng hóa một cách hợp lý.
Từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã làm thủ tục xuất khẩu cho khoảng 250 xe hàng hóa, chủ yếu là các loại nông sản, ván bóc. Hiện khu vực Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng vẫn còn gần 100 xe chờ thông quan.
Thu giữ gần 1.000 viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
Lực lượng QLTT kiểm tra số hàng hóa thu giữ. Ảnh: QLTT.
Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tại TP Hải Dương và phát hiện gần 1.000 viên thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
Chiều 24/2, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Hải Dương đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Hằng làm chủ tại địa chỉ 16/198, khu 10, phường Bình Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 40 hộp thuốc nhãn hiệu "Lianhua Qingwen jiaonang" loại 24 viên/hộp, 2 vỉ/hộp) (còn gọi là "Liên hoa thanh ôn") không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là sản phẩm được chủ hộ kinh doanh quảng cáo để bán cho người tiêu dùng là thuốc điều trị COVID -19.
Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành chính 3.000.000 đồng đối với bà Nguyễn Thị Hằng với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Đau lòng 3 trẻ thương vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột
Uống nhầm thuốc diệt chuột trước cổng nhà khiến 1 cháu nhỏ tử vong.
Thông tin trên được một lãnh đạo UBND xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc cho biết vào chiều tối ngày 25/2.
Cụ thể, vào chiều ngày 23/2, trong lúc đang chơi đùa trước cổng nhà thì cháu M.A.D. (11 tuổi) và 2 em ruột là M.G.B. (10 tuổi) và M.T.N. (5 tuổi), trú xóm 5, xã Nghi Phong có nhặt được một số ống thuốc diệt chuột.
Tưởng đồ uống được, cả 3 em đã lấy uống. Phát hiện sự việc, gia đình đã đưa 3 cháu tới bệnh viện cấp cứu.
Tuy nhiên, do bị ngộ độc nặng, cháu M.T.N. (5 tuổi) đã tử vong, 2 cháu còn lại hiện đang cấp cứu tại bệnh viện.
2 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn FDI rót vào Việt Nam gần 5 tỷ USD
Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh minh hoạ.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến 20/2/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc vốn đầu tư đăng ký mới hai tháng đầu năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm 2021 là do thiếu vắng những dự án quy mô lớn. Trong 2 tháng đầu năm 2022 chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư lớn, với số vốn đạt 136,4 triệu USD.
Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.
Trong 2 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 (gần 1,52 tỷ USD), tiếp đến là ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện...
Về đối tác đầu tư, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD…
Đà Nẵng: Gần 3.000 học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9, lớp 12 cấp thành phố năm 2022
Ảnh minh hoạ.
Ngày 24/2, gần 3.000 học sinh (HS) khối lớp 9 và 12 đã có mặt tại 10 điểm thi để tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) cấp TP năm học 2021-2022. Theo đó, có 2.491 HS khối lớp 9 dự thi ở 11 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật. Trong đó, môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận, thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút với 3 kỹ năng: nghe, đọc và viết.
Đối với môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính, thời gian làm bài 150 phút. Các môn còn lại thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài mỗi môn là 150 phút.
Đối với cấp THPT, có 2.482 HS lớp 12 dự thi ở 12 môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật. Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; môn Tin học lập trình trên máy tính với thời gian làm bài mỗi môn 150 phút. Môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (50 câu/đề thi); thời gian thi mỗi môn 90 phút. Các môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp và Tiếng Nhật có phần nghe hiểu.
Cả nước ghi nhận thêm gần 80 nghìn ca mắc Covid-19, hơn 54.000 F0 trong cộng đồng.
Bộ Y tế đánh giá, tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN). Ảnh minh hoạ.
Ngày 25/2, cả nước thêm 78.795 ca Covid-19, trong đó có 21 ca nhập cảnh và 78.774 ca ghi nhận trong nước, tăng 9.655 ca so với ngày trước đó.
Bộ Y tế thông tin, trong số 78.795 ca Covid-19 mắc mới tại 63 tỉnh, thành có 54.345 ca trong cộng đồng.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước 7 ngày qua là 57.160 ca/ngày. Cũng theo bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.120.301 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.112.985 ca, trong đó có 2.352.802 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Bộ Y tế cũng thông tin, các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (528.265), Bình Dương (295.560), Hà Nội (236.800), Đồng Nai (100.923) và Tây Ninh (89.723).
Về điều trị, trong ngày có 15.835 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.355.619 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca.
Trung bình số tử vong ghi nhận ngày qua là 86 ca, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.962 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.
Phát hiện thai nhi của nữ sinh lớp 11 bị bỏ trong trường học
Cụ thể, vào hồi 6h40 ngày 25/2, em H.N (là học sinh lớp 12E Trường THPT Chu Văn Thịnh, ở phòng 111 khu bán trú của trường) có ra nhà vệ sinh thì phát hiện trên nắp bể phốt, sau khu nhà ở bán trú của trường có 1 thai nhi sơ sinh, để trong túi ni lông. Sau đó, em H.N đã báo cáo ngay cho ban giám hiệu nhà trường.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Ban giám hiệu và ban quản lý ký túc và bảo vệ nhà trường đã xác minh và xác định có một thai nhi bỏ lại ở trên bể phốt.
Nhà trường sau đó đã báo cáo chính quyền, công an xã Chiềng Ban và huyện Mai Sơn.
Sau khi tìm hiểu, xác minh, nhà trường đã xác định được em C.T.N (lớp 11B, ở phòng 312 khu bán trú ) là mẹ của thai nhi. Em C.T.N cũng đã xác nhận đúng sự việc.
Nhà trường đã mời gia đình của nữ sinh này lên để bàn giao thai nhi.
Hiện, cơ quan công an đang thu thập thông tin và tiến hành điều tra làm rõ sự việc.