Thông tin về công tác quản lý trật tự xây dựng 10 tháng năm 2021, theo Sở Xây dựng Hà Nội, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 14.772 công trình (đạt 100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 330 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 2,24%).
Đến nay đã xử lý dứt điểm 222/330 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 67,34%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 108/330 trường hợp. Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã thực hiện 7 cuộc thanh tra. Trong đó, thanh tra chuyên ngành 6 cuộc (1 cuộc thanh tra dự án đầu tư xây dựng; 5 cuộc thanh tra trật tự xây dựng) và 1 cuộc thanh tra hành chính.
Theo đó, trong năm 2021, Thanh tra Sở sẽ tăng cường hậu kiểm công tác quản lý trật tự xây dựng của các đội, các phường nhằm tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn; đề xuất cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Theo đánh giá, từ đầu năm 2021 đến nay, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cơ bản được kiểm tra, xử lý nghiêm. Dù vậy tình trạng vi phạm vẫn xảy ra ở một số nơi, cụ thể lâu nay vẫn có một số thông tin phản ánh, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang tồn tại một số ít công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng khẳng định, những vi phạm TTXD này không chỉ ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong khu vực, mỹ quan đô thị mà còn tạo ra tiền lệ xấu cho những công trình xây dựng tiếp theo. Để ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, giải pháp tốt nhất vẫn là tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm, tăng tính răn đe.
Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều biện pháp để siết chặt xử lý, nhưng vẫn tồn tại một số công trình vi phạm trật tự xây dựng như: Vượt tầng, vượt giới hạn mật độ xây dựng không được xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư các công trình còn để vật liệu bừa bãi, gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Đơn cử, công trình ngay đầu ngõ 67 Lê Thanh Nghị, quan sát bằng mắt thường, có thể hiện đã xây dựng lên đến tầng 6, và có chiều cao vượt trội hơn hẳn so với các công trình xung quanh. Phần ban công cũng được kéo dài vượt quá quy định khi chiếm gần như toàn bộ mặt sàn của 1 tầng.. Cùng với đó, mật độ xây dựng của công trình gần xấp xỉ 100%.
Công trình đầu ngõ 67 và 85 Lê Thanh Nghị với nhiều sai phạm và nhiều vấn đề về môi trường
Hay kể cả công trình cuối ngách 67/40 thì đang thực hiện cơi nới thêm 2 tầng và đặc biệt, trong quá trình xây dựng, công trình trên không thực hiện che chắn đúng cách khiến gạch, vữa, bụi… rơi vãi, rất nguy hiểm cho người đi đường.
Công trình ở nghách 40/67 Lê Thanh Nghị đã làm nhiều người dân bức xúc trong thời gian gần đây
Chế tài chưa đủ nặng
Theo luật sư Hoàng Văn Đạo - Hội Luật gia Việt Nam, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định rõ ràng về việc xử phạt, nhưng chưa quy định chi tiết cho từng giai đoạn tồn tại của công trình.
“Những công trình đang xây dựng một mặt sẽ bị phạt hành chính bằng tiền, yêu cầu khắc phục hậu quả hoặc tước giấy phép xây dựng. Nhưng vẫn thiếu căn cứ để xử lý đối với những công trình khi người dân đã vào ở. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định và hướng dẫn về việc xử lý các công trình khi đã có người ở ra sao?” – luật sư Hoàng Đạo cho hay.
Ở khía cạnh khác, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, mức xử phạt như vậy là chưa đủ răn đe đối với những chủ đầu tư vi phạm. “Nếu 1 dự án, chủ đầu tư xây dựng vượt thêm 1 tầng sẽ có hàng chục căn hộ nữa được bán, số tiền thu lại từ vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nên việc nộp 1 tỷ đồng kịch khung quy định là việc hết sức đơn giản” – KTS Nguyễn Văn Thanh phân tích.
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, xử lý công trình vi phạm TTXD không nên chỉ chăm chăm nhìn vào vấn đề phạt tiền hay tháo dỡ, vì vấn đề này gây lãng phí nguồn lực xã hội, những công trình đã đưa vào sử dụng ảnh hưởng tâm lý người dân. “Bản chất của vấn đề này phải loại bỏ dứt điểm tham ô – tham nhũng trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Đó chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để xảy ra vấn nạn này” – KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, phải có sự “hậu thuẫn” của một số người đứng đầu cơ quan quản lý thì DN mới dám sai phạm, vì bản chất của DN rất sợ pháp luật. Theo lý giải của KTS Phạm Thanh Tùng, một công trình “khủng” sai phạm cần phải xử lý ngay từ thời điểm đang thi công, đến khi hoàn thiện, người dân đã vào ở sẽ khó để xử lý, đặc biệt liên quan đến tháo dỡ vừa ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, tiêu tốn tài chính Nhà nước. Vì vậy, biện pháp để xử lý những công trình đã đi vào hoạt động, Nhà nước trưng thu toàn bộ số tiền DN bán được vào ngân sách để đầu tư cho các công trình công ích khác.
“Để xử lý tận gốc của vấn đề này cần phải tìm ra những cá nhân từ những nhiệm kỳ trước liên quan đến sai phạm đưa ra xử lý. Như vậy, tính tư duy nhiệm kỳ sẽ không còn, những sai phạm về quy hoạch, xây dựng sẽ bị triệt tiêu và đi vào quy củ” – KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận.
Các chuyên gia đều cho rằng, xử lý vi phạm TTXD không nên chỉ căn cứ vào số tiền phạt, cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi có công trình đứng chân. Cùng với chế tài dành cho tổ chức, cá nhân vi phạm cũng nên xây dựng chế tài nặng hơn đối với cán bộ, lãnh đạo phụ trách ở cơ quan quản lý Nhà nước. Những người kế nhiệm phải có trách nhiệm xử lý triệt để những công việc tồn đọng, tìm ra những mắt xích còn yếu của nhiệm kỳ trước để khắc phục và tìm ra những cá nhân sai phạm.