Có 292.000 người rời khỏi TP.HCM để trở về các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Sau quá trình triển khai thu thập, tổng hợp, cập nhật, rà soát dữ liệu của các cơ quan có liên quan, cũng như trên cơ sở tham mưu của Cục Thống kê TP, UBND TP đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bốn biểu đồ tổng hợp số liệu về thông tin đánh giá ảnh hưởng của dịch trên địa bàn TP năm 2021.
Cụ thể, về số người trở về các tỉnh, thành phố khác do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, TP.HCM có 292.000 người rời TP.
Về tình hình tiếp nhận hỗ trợ, viện trợ và chi phòng chống dịch, TP.HCM đã nhận hỗ trợ hơn 6.700 tỉ đồng vật lực. Trong đó có hơn 1.000 tỉ đồng tiền mặt, hơn 4.100 tỉ đồng vật dụng y tế (khẩu trang, khử khuẩn, bình oxy…), hơn 786 tỉ đồng túi an sinh; còn lại là kinh phí mua vaccine, lương thực, thực phẩm, rau củ quả thiết yếu.
Tổng số tiền chi cho công tác phòng chống dịch COVID-19 là hơn 9.100 tỉ đồng, gồm hơn 4.100 tỉ đồng ngân sách địa phương và hơn 5.000 tỉ đồng từ các nguồn khác.
Mít quay đầu tại cửa khẩu bán "giá rẻ như cho"
Không chỉ có mít thái, các loại trái cây khác như: dưa hấu, thanh long, dứa,... cũng chờ được “giải cứu”.
Do bị ùn ứ kéo dài ở khu vực cửa khẩu phía Bắc, nhiều container chở mít đã quay đầu, đưa về các thành phố lớn để tiêu thụ.
Trong các mặt hàng nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu không thể thông quan, mít là sản phẩm dễ bị thối, hỏng nhất. Loại quả này một khi đã chín thì rất khó để được lâu. Do đó, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những container chở mít chín quay đầu, bán tháo ngay gần các cửa khẩu Lạng Sơn.
Những quả mít vốn là hàng xuất khẩu nay đổ đống trên các con phố Lạc Trung, Trần Thái Tông… rồi theo các gánh hàng rong len lỏi khắp phố Hà Nội. Do mít tắc biên nên đã bắt đầu tràn về Hà Nội với mức giá chỉ 10.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn H., một tiểu thương bán mít tại phố Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thấy mít bị tắc ở cửa khẩu không xuất đi được, tôi đã liên hệ và nhập được 2 tấn đem về Hà Nội bán”.
Loại mít mà anh H. bán là mít được vận chuyển từ tỉnh Sóc Trăng ra, bị mắc kẹt lại trên đường sang Trung Quốc vì chưa thể thông quan. “Vì giá thành rẻ mà lại là hàng xuất khẩu đảm bảo chất lượng nên bán cũng nhanh. Tôi nhập 2 tấn mà chỉ trong ngày đầu tiên đã bán hết khoảng 1 tấn rồi”, anh H. nói.
TP.HCM có thêm 47 ca F0 ở trường học sau 2 tuần dạy trực tiếp
TP.HCM đang đề xuất mở rộng cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 đến trường cùng lớp 9 và 12.
Đó là thông tin được ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, cho biết tại cuộc họp báo định kỳ chiều 27/12.
Cụ thể, số liệu trên được thống kê đến ngày 23/12. Tất cả trường hợp F0 đều được xử lý theo quy trình và có thông báo cho phụ huynh. Việc học diễn ra theo đúng kế hoạch của Sở GD&ĐT TP.HCM. Kết thúc hai tuần thí điểm, học sinh lớp 9 và 12 tiếp tục đến trường.
Sau hai tuần dạy học trực tiếp, TP.HCM ghi nhận 47 ca F0 tại cơ sở giáo dục ở 15 quận, huyện. Trong đó, 40 ca là học sinh.
Quảng Bình: Bắt đối cướp điện thoại của 2 cháu nhỏ đang học online
Đối tượng Cao Văn Hoè và tang vật thu giữ.
Ngày 27/12, thông tin từ công an tỉnh Quảng Bình cho biết, Đội CS Hình sự công an huyện Bố Trạch chủ trì phối hợp CA xã Phú Định, CATT Nông trường Việt Trung bắt giữ đối tượng Cao Văn Hòe (SN 1990, trú tại thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Trước đó, vào lúc 21h30, ngày 25/12/2021, tại nhà anh L.Đ.D (SN 1980) ở thôn Nam Định, xã Phú Định, trong lúc con gái anh D là L.P.T (SN 2011) và L.T.H.D (SN 2008) đang cầm điện thoại nhãn hiệu OPPO A5 để học online thì bị 01 đối tượng bịt mặt, đi bộ từ phía đường Hồ Chí Minh vào cướp giật chiếc điện thoại sau đó lên xe máy tẩu thoát.
Ngay sau khi nhận đươc tin báo, Công an huyện đã huy động lực lượng khẩn trương điều tra, kết luận và bắt giữ đối tượng Cao Văn Hòe (sinh ngày 10/6/1990, trú tại thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh) và thu giữ 4.300.000đ tiền mặt, 01 chiếc ĐTDĐ Oppo A3S và 01 xe máy nhãn hiệu Yamaha Sirius.
Qua đấu tranh với đối tượng, Hòe khai nhận đã thực hiện thêm 01 trộm cắp tài sản của người dân tại TDP Dũng Cảm, thị trấn Nông trường Việt Trung, lấy trộm 5.300.000đ tiền mặt và 01 chiếc điện thoại di động OPPO A3S trị giá khoảng 2.700.000đ.
Thêm bằng chứng mới về Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta
Omicron rất dễ lây nhiễm nên có khả năng sẽ làm tăng số ca nhập viện.
Dữ liệu ban đầu của 3 nghiên cứu mới ở Nam Phi, Scotland và Anh đã cho thấy nhiễm biến thể Omicron nhẹ hơn biến thể Delta. Bên cạnh đó, thông tin đáng quan tâm là làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron dường như đã lên đến đỉnh điểm ở Nam Phi.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cho biết: "Omicron rất dễ lây nhiễm nên có khả năng sẽ làm tăng số ca nhập viện, và những người chưa được tiêm chủng vẫn cần phải rất thận trọng".
Nghiên cứu mới của Nam Phi cho thấy nguy cơ nhập viện ở những trường hợp Omicron thấp hơn khoảng 70% so với những người bị nhiễm các biến thể SARS-CoV-2 khác. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cảnh báo rằng dữ liệu nghiên cứu của họ được thu thập trong giai đoạn đầu của làn sóng biến thể Omicron, khi mà những người có các triệu chứng nhẹ được nhập viện với tỷ lệ mắc bệnh còn thấp.
Hai nghiên cứu độc lập của Anh đã củng cố kết quả nghiên cứu ở Nam Phi, nơi các nhà nghiên cứu một lần nữa nhận thấy số ca nhập viện giảm ở các trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cụ thể, trong tháng 11 và 12/2021, nhiễm biến thể Omicron ở Scotland có liên quan đến việc giảm 2/3 nguy cơ nhập viện so với biến thể Delta.
TP.HCM: Đề xuất mở lại karaoke, vũ trường
Sở VHTT TP.HCM đề xuất cho phép karaoke, vũ trường mở cửa trở lại.
Cụ thể, Sở VHTT TP.HCM đề xuất cho phép dịch vụ karaoke, vũ trường và câu lạc bộ khiêu vũ hoạt động trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm và hoạt động vui chơi giải trí cho người dân, cũng như thúc đẩy các hoạt động phục vụ khách du lịch, từng bước khôi phục nền kinh tế.
Cơ quan này lý giải tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đã từng bước được kiểm soát tốt, tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi cao, hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với những loại hình kinh doanh này cũng đã có.
Sở VHTT TP nhấn mạnh các cơ sở karaoke cần đảm bảo khoảng cách giữa các khách từ 4 m2 trở lên (không bao gồm công trình phụ). Còn khoảng cách này đối với các vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ được tính trên diện tích sàn khiêu vũ.
Trước đó, ngày 6/10, Sở VHTT đã tiếp nhận đơn của Công ty TNHH TM DV ẩm thực ICool đề nghị được mở cửa hoạt động lại. Đến ngày 22/12, cơ quan này tiếp tục nhận được thư khẩn cầu xin cứu xét cho dịch vụ karaoke mở lại của hệ thống karaoke Nnice
Hà Nội yêu cầu người nhập cảnh từ quốc gia có biến chủng Omicron phải cách ly tập trung
Đến nay, đã có ít nhất 78 quốc gia trên thế giới ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Ngày 27/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND về việc ứng phó với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch này, đối với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vắc xin hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức giám sát người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Tăng cường giám sát, phát hiện và tổ chức cách ly kịp thời các trường hợp người nhập cảnh có triệu chứng sốt, ho, đặc biệt là các hành khách hoặc chuyến bay đến/về từ các quốc gia ghi nhận ca bệnh mắc biến chủng Omicron.
Theo Công văn mới, với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, được tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc khách sạn. Thời gian áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh theo quy định nói trên từ ngày 1/1/2022.