Hà Nội vận động người dân tắt đèn tưởng niệm người mất do Covid-19
Theo kế hoạch tổ chức của UBND TP Hà Nội, lễ tưởng niệm diễn ra tại công viên Thống Nhất lúc 20h hôm nay (19/11), dự kiến kéo dài 30-45 phút, được truyền hình trực tiếp. Khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm cả đại diện những gia đình có người mất do Covid-19.
Chương trình dự kiến chiếu hình ảnh, phóng sự về công tác chống dịch Covid-19; phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ mất trong đại dịch. Các đại biểu tham dự buổi lễ sẽ thả đèn hoa đăng tại hồ Ba Mẫu trong khuôn viên công viên Thống Nhất.
Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 được tổ chức từ 20h tối nay (19/11) (Ảnh minh họa).
Thành phố giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm. Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ...) được vận động đánh (thỉnh) chuông tưởng niệm vào 20h30 hôm nay (19/11). Trong thời gian tưởng niệm, thành phố dừng tất cả hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí.
Để phòng, chống Covid-19, Ban tổ chức yêu cầu các đại biểu đến dự tuân thủ 5k, tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, liều sau cùng tối thiểu 14 ngày tính đến ngày tham gia lễ tưởng niệm, có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 tiếng tính đến thời điểm tổ chức. 1.000 khẩu trang màu đen cũng được chuẩn bị cho buổi lễ.
Hà Nội dừng cách ly người về từ TP HCM
Tối 18/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký, ban hành công điện số 24 về việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ địa bàn có dịch trở về thành phố.
Theo đó, Hà Nội dừng cách ly tại nhà 7 ngày với những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, đi về từ vùng đỏ, cam và các tỉnh, thành có số ca mắc cao (TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai...).
Các quy định liên quan đến tăng cường kiểm soát người từ tỉnh, thành khác về Hà Nội trong công điện 23 ban hành hôm 16/11 cũng dừng thực hiện.
Hà Nội dừng cách ly người về từ TP HCM (Ảnh minh họa).
Công điện mới nêu người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, khi về Hà Nội sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, nghiêm túc thực hiện 5K; xét nghiệm PCR vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí.
Trường hợp tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy kể từ ngày về địa phương.
Những người chưa tiêm vaccine sẽ cách ly 14 ngày kể từ khi về địa phương; tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo; xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ bảy và ngày thứ 14.
Trường hợp đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra, công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, TP Hà Nội giám sát, xét nghiệm các trường hợp nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế; không yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn.
Con gái nuôi của Phi Nhung tiết lộ Hồ Văn Cường đã ra ở riêng
Trong một bài phỏng vấn với Công lý và Xã hội, Quỳnh Trang - con gái nuôi Phi Nhung - đã tiết lộ lý do Quán quân Vietnam Idol Kids 2016 không có mặt trong lễ cúng mẹ nuôi là vì gia đình Cường hiện đã chuyển ra ngoài sinh sống và một số lý do cá nhân khác nên không thể đến. "Trước khi đi, Cường có nhờ em là: 'Bây giờ em không cùng nhà với mọi người, mỗi lần chị qua nhà thì giúp em thắp cho mẹ cây nhang'. Em cảm nhận được sự đau buồn của Cường trong lời nói, và em nghĩ đó là lòng tôn trọng của Cường dành cho mẹ. Mỗi lần em qua, em vẫn giúp Cường thắp nhang và Cường cũng cảm kích điều đó", Quỳnh Trang chia sẻ. Ngoài ra, con gái nuôi Phi Nhung cũng lên tiếng bênh vực Hồ Văn Cường, mong mọi người không nên trách nam ca sĩ trẻ, vì có những việc mà Cường chỉ âm thầm làm. "Em nghĩ mọi người đừng trách nhiều quá với một đứa bé. Nhiều khi bé Cường làm những chuyện trong âm thầm, ít muốn công khai hay thể hiện ra ngoài. Em nghĩ Cường còn nhỏ, còn rất nhiều thiếu sót, nhiều điều cũng cần người thân góp ý và dạy dỗ thêm. Em nghĩ mọi người đừng quá khắt khe với Cường, mẹ Nhung cũng không mong muốn điều đó", Quỳnh Trang nói. (Theo Công lý và Xã hội).
Nữ sinh viên đại học lĩnh án 8 năm tù vì tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép
Ngày 18/11, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Thị Phương Thảo (SN 1999, trú ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) - nữ sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội ra xét xử về tội “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép".
Cùng bị đưa ra xét xử với tội danh nêu trên, Ou Guo Pei (SN 1996, quốc tịch Trung Quốc) và Đinh Thị Huệ (SN 1999, trú ở xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) tòa xem xét với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực.
Thời điểm thực hiện hành vi phạm pháp, Trần Thị Phương Thảo đang là sinh viên khoa tiếng Trung, thuộc một trường đại học ở Hà Nội. Khoảng tháng 8-2020, Thảo quen biết với Ou Guo Pei, khi người này sang Việt Nam. Tháng 12/2020, Ou Guo Pei về nước. Sau đó, tháng 2/2021, Thảo liên lạc và bảo Pei trở lại Việt Nam. Do đó, Pei đã cùng một người Trung Quốc khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Một số đồng hương biết được Ou Guo Pei đang ở Việt Nam nên đã liên lạc, nhờ thuê chỗ ở cho họ. Từ đó, Pei bảo Thảo tìm thuê các căn hộ chung cư cho các đối tượng người Trung Quốc ở, sau khi họ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Thảo đồng ý, rồi thuê một căn hộ tại chung cư Gold Season (ở phố Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội) cho các đối tượng người Trung Quốc ăn ở.
Ngoài ra, Thảo còn nhờ Đinh Thị Huệ - người ở trọ cùng với Thảo thuê giúp 2 căn hộ chung cư khác cho các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đến ở.
Cơ quan chức năng xác định, Thảo và đồng bọn đã giúp 17 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.
Tại cơ quan điều tra, những người ngoại quốc khai, họ được một số đối tượng người Trung Quốc và Việt Nam (không biết tên tuổi, địa chỉ) tổ chức cho nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ 12/4/2021 đến 18/4/2021 theo đường tiểu ngạch ở các tỉnh vùng núi phía Bắc. Sau đó, họ được đưa về Hà Nội. Mục đích của những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam là để tìm việc làm.
Tại phiên tòa, Thảo cho biết bằng việc "tiếp tay" cho nhóm người nước ngoài nhập cảnh trái phép, bị cáo được lợi 40 triệu đồng. Còn bị cáo Huệ khai, nhận 2 triệu đồng từ Thảo, dùng chi vào việc thuê xe cộ đi tìm nhà, không được hưởng lợi gì thêm...
Qua quá trình xét xử, sau khi xem xét hành vi phạm tội của từng bị cáo, Tòa cho rằng, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành khác của Việt Nam đang chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Thị Phương Thảo, Ou Guo Pei cùng mức án 8 năm tù; tuyên phạt Đinh Thị Huệ 5 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố.
Công an TP.HCM cảnh báo chiêu trò lừa sinh viên đóng học phí
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đưa ra cảnh báo về việc lừa đảo sinh viên đóng học phí.
Ông Hà thông tin công an thành phố đã chỉ đạo Phòng PA05, Phòng Cảnh sát hình sự tập hợp các vụ việc xảy ra trong thời gian qua.
Ông cho hay hiện nay, hình thức lừa đảo qua mạng rất đa dạng, nhiều thủ đoạn, trong đó có việc lừa đóng học phí thông qua điện thoại, email.
Sinh viên nhận tin nhắn giả mạo, lừa đóng học phí (Ảnh zingnews.vn).
Trước đó, báo chí đưa tin sinh viên theo học tại một số trường ở TP.HCM phản ánh việc nhận email, tin nhắn giả mạo trường, bạn học, yêu cầu đóng học phí.
Cụ thể, đầu tháng 10, lãnh đạo ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay trường nhận được phản ánh có một số đối tượng lợi dụng việc tân sinh viên phải đóng học phí qua tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trường cũng lưu ý tân sinh viên không giao dịch tiền đóng học phí với bên thứ ba. Khi đóng học phí, người học chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng của ĐH Bách Khoa TP.HCM qua hình thức Internet banking hoặc tại phòng giao dịch của ngân hàng theo thông tin mà trường đã thông báo.
Ngoài ra, sinh viên tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản và thông tin cá nhân cho những người không quen biết. Nhà trường khẳng định nhân viên ngân hàng, cán bộ, nhân viên của trường không chủ động liên hệ với tân sinh viên để hỗ trợ đóng học phí.
Một số tân sinh viên ĐH Sài Gòn cũng bị tài khoản lạ nhắn tin giục đóng học phí trước ngày 18/10, nếu muộn sẽ không được theo học.
Trước tình trạng này, nhà trường nhấn mạnh đây là lừa đảo. Khi thu học phí hoặc bất kỳ khoản tiền nào của sinh viên, trường sẽ ban hành văn bản lên các kênh thông tin chính thống, ghi cụ thể số tài khoản của trường.
Người nông dân phấn khởi khi giá mía tăng vọt những ngày cuối năm
Ngày 18/11, Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, vừa có thông báo chính thức về việc đưa ra mức giá thu mua mía cho nông dân trong vụ ép mía 2021-2022.
Cụ thể, mức giá mà Casuco công bố là 1.180 đồng/kg cho mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp. Trường hợp CCS tăng hoặc giảm 0,1 CCS thì tương ứng tăng hoặc giảm 10 đồng/kg.
Riêng trường hợp mía dưới 7 CCS thì Casuco sẽ không thu mua; tuy nhiên, nếu mía đã qua cân đưa vào ép thì Casuco sẽ thanh toán với giá 500 đồng/kg.
Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến nông dân vô cùng phấn khởi. Ông Tạ Ngọc Nguyên, nông hộ có 2,5ha mía ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: Toàn ấp này có khoảng 900ha trồng mía. Những năm trước giá mía rớt thê thảm, có khi chỉ còn chưa đến 500đ/kg.
Người nông dân phấn khởi khi giá mía tăng vọt những ngày cuối năm (Ảnh minh họa).
Trước đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ sản xuất mía 2021-2022 được dự báo sẽ là một năm khởi sắc cho ngành mía đường Việt Nam sau khi Bộ Công thương có quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Từ cơ sở trên, VSSA đã có văn bản gửi đến các nhà máy đường là hội viên sản xuất của hiệp hội về việc khuyến cáo nâng cao giá thu mua mía cho nông dân. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế của địa phương và trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao nên các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương có vùng mía nguyên liệu để điều chỉnh tăng giá thu mua mía trong vụ ép sắp tới.
Việc đưa ra mức giá thu mua mía phải cân nhắc sao cho đảm bảo bù đắp đủ chi phí đầu tư nhằm tạo ra nguồn thu nhập đủ sống cho bà con nông dân với cây mía; qua đây, giúp nông dân yên tâm phát triển, phục hồi vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, giá thu mua mía cũng cần xây dựng đảm bảo cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng chính tại địa phương. Có như vậy mới giúp nông dân an tâm đồng hành cùng với nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam…