Vào lúc 17h ngày 31/12 (giờ Việt Nam), các quốc đảo Samoa, Tonga và Kiribati ở châu Đại Dương là những nơi bước sang năm mới 2022 đầu tiên trên thế giới, do nằm ở múi giờ GMT+14.
Màn trình diễn ánh sáng trên cầu cảng Auckland. (Ảnh: Nzherald)
Sau đó 15 phút, quần đảo Chatham của New Zealand cũng bước sang năm 2022. Để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh khi người dân tề tựu đón Giao thừa, chính quyền thủ đô Wellington của New Zealand đã quyết định hủy bắn pháo hoa mừng Năm mới, thay vào đó tổ chức màn trình diễn ánh sáng ở khu vực trung tâm. Tại Tháp Sky nổi tiếng ở thành phố Auckland, một số tiết mục biểu diễn ánh sáng sẽ được trình chiếu lên tòa tháp cùng các địa danh khác của thành phố này.
Mỹ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) trong trạng thái "bình thường mới". Để thực hiện tốt phòng chống dịch bệnh, các nhà tổ chức khuyến khích người dân theo dõi sự kiện này qua truyền hình hoặc Internet, thay vì tham gia trực tiếp.
Náo nhiệt hơn cả là Australia. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã kêu gọi người dân "tận hưởng buổi tối", trong khi Dominic Perrottet, Thủ hiến bang New South Wales, cũng khuyến khích mọi người "ra khỏi nhà và tận hưởng năm mới" ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày ở bang này đã lên tới hơn 21.000. Dù các quy định về thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang bắt buộc ở không gian trong nhà tại Sydney vẫn được duy trì, hàng nghìn người đã đổ xô đến các bến cảng của thành phố để xem pháo hoa mừng năm mới. Hàng dài người đã xếp hàng ở những địa điểm này từ sáng sớm để tìm vị trí đẹp nhất cho việc ngắm pháo hoa.
Tại Nhật Bản, năm nay người dân đã lên kế hoạch thực hiện những chuyến du lịch trong năm mới để dành thời gian cho gia đình. Trước thời điểm năm mới, nhiều người đã tập trung tại các đền và điện thờ, hầu hết họ đều đeo khẩu trang. Một số người dân Nhật Bản tụ tập ăn uống và đổ xô đến các cửa hàng ở trung tâm Tokyo. Họ cảm thấy phấn khởi vì được giải phóng khỏi các hạn chế phòng chống COVID-19 trong thời gian gần đây.
Người dân tại Seoul, Hàn Quốc treo điều ước năm mới tại một ngôi chùa. (Ảnh: AP)
Trái ngược, tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) lễ rung chuông đón giao thừa thường niên đã bị hủy bỏ trong năm thứ 2 liên tiếp do những lo ngại gia tăng số ca nhiễm COVID-19. Giới chức Seoul cho biết, một video ghi hình trước lễ rung chuông trong năm nay sẽ được phát trên Internet và các kênh truyền hình.
Còn ở Triều Tiên, một buổi bắn pháo hoa đón năm mới được cho là sẽ diễn ra lúc nửa đêm tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Theo trang tin NK của Hàn Quốc, một số hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác chuẩn bị đang được tiến hành với một sân khấu được lắp đặt tại quảng trường.
Màn trình diễn laser tại một thành phố Anh trước thềm năm mới
Tại Trung Quốc, chính quyền Thượng Hải đã hủy bỏ nhiều sự kiện lớn, bao gồm buổi trình diễn ánh sáng hàng năm dọc theo sông Hoàng Phố ở trung tâm thành phố, vốn thu hút hàng trăm nghìn khán giả. Còn ở thủ đô Bắc Kinh, nơi các ngôi đền nổi tiếng đã bị đóng cửa hoặc hạn chế ra vào từ giữa tháng 12, chính quyền cũng kêu gọi người dân tránh rời thành phố nếu không thật sự cần thiết, đồng thời yêu cầu xét nghiệm đối với những người đến từ các khu vực xuất hiện ổ dịch COVID-19.
Ở Thái Lan, các nhà chức trách vẫn cho phép tổ chức các buổi tiệc và bắn pháo hoa mừng năm mới, dù vẫn phải áp dụng các biện pháp an toàn một cách nghiêm ngặt. Các buổi cầu nguyện trong đêm cuối cùng của năm 2021, vốn được tổ chức tại các ngôi chùa trên khắp Thái Lan, sẽ chỉ diễn ra theo hình thức trực tuyến.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/nguoi-dan-tren-the-gioi-don-nam-moi-2022-the-nao1640961187.html