Theo báo ĐCSVN, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025. Đáng chú ý, kế hoạch sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông phục vụ người khuyết tật.
Xe buýt tại sân bay Nội Bài hỗ trợ khách khuyết tật. Ảnh: báo ĐCSVN
Cụ thể, Hà Nội sẽ rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Nhằm giảm ùn tắc, Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình có vai trò giảm ùn tắc; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5.
Các trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; công trình cấp bách giải quyết ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông cũng sẽ được đầu tư.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang lên kế hoạch tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông; cùng với đó xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch để phục vụ nhu cầu thiết yếu dọc các tuyến quốc lộ và đường tỉnh, đảm bảo người lái xe không quá 4 giờ được dừng nghỉ.
Mục tiêu thành phố đặt ra từ năm 2022 - 2025, hàng năm giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương); không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đến năm 2030, giảm ít nhất 50% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Mục tiêu vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30 - 35%. Hàng năm, thành phố xử lý 7 - 10 điểm thường xuyên ùn, tắc, hạn chế phát sinh điểm mới; không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Đáng chú ý, UBND thành phố Hà Nội còn yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối với các trục đường chính trong đô thị...
Được biết, thời gian qua, Hà Nội liên tục đưa ra các giải pháp về tổ chức lại giao thông tại các nút giao ùn tắc, phân làn cứng ô tô và xe máy, xe thô sơ trên đường Nguyễn Trãi. Và lên kế hoạch thí điểm dịch vụ xe đạp cho thuê tại một số quận nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Tuyến đường Yết Kiêu (Hà Nội) được đầu tư tốn kém để làm đường dành cho người khiếm thị nhưng lại bị các xe ô tô chiếm dụng làm nơi đỗ xe. Ảnh: báo Hà Nội mới
Chia sẻ với báo Hà Nội mới, KTS Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds cho biết ''đường phố Hà Nội đang rất thiếu không gian và hạ tầng giao thông dành cho người khuyết tật. Nhìn chung, những người yếu thế tại Hà Nội khó có cảm giác an toàn khi ra đường''.
Hơn chục năm nay, mỗi khi có việc gì phải vào khu vực trung tâm, anh Hoàng Đình Bình, một người khiếm thị sống tại quận Thanh Xuân đều phải nhờ vợ đưa đi. Chị Thu, vợ anh Bình chia sẻ cùng báo Hà Nội mới: “Thông thường, với quãng đường này, người bình thường cũng khá mệt mỏi khi phải mất từ 40 - 60 phút để di chuyển qua nhiều đoạn đường đông đúc, với nhiều điểm ùn tắc. Đối với một người khiếm thị, khó khăn sẽ tăng gấp bội phần do Hà Nội hiện nay chưa có những làn đường dành riêng cho người khuyết tật, trên các tuyến đường cũng thiếu các thiết bị dẫn lối lên, xuống cho người khiếm thị. Chưa kể là việc đi bộ trên hè tại Hà Nội với người bình thường nhiều khi còn khó khăn, nói gì đến người khuyết tật bởi hè phố thường xuyên bị hàng quán lấn chiếm hoặc bị chiếm dụng làm chỗ giữ xe. Tôi và chồng toàn phải đi bộ dưới lòng đường...”.
Chị Nguyễn Thị Mến, một người khuyết tật sống tại quận Đống Đa chia sẻ với báo Hà Nội mới cho biết ''tại các trạm chờ xe buýt, nhiều đoạn vỉa hè được xây thành bậc thẳng đứng, không có lối lên xuống cho người sử dụng xe lăn, bậc lên xuống xe buýt và vỉa hè không ngang bằng nhau, thời gian xe dừng, đỗ tại các bến rất ngắn nên người khuyết tật gặp không ít khó khăn khi sử dụng loại phương tiện giao thông này. Thêm vào đó, các bến xe, nhà ga hiện chưa có hệ thống chỉ dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị nên đã có không ít trường hợp người khiếm thị lên nhầm xe. Cầu vượt dành cho người đi bộ được thiết kế với bậc khá cao nhưng lại không có đường dốc cho xe lăn, rất khó cho người khuyết tật vận động...''
Bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Ủy viên Thường trực Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân chia sẻ : “Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã có sự quan tâm nhất định khi ban hành các chính sách, quy định trong xây dựng hạ tầng giao thông nhằm giúp người khuyết tật tiếp cận nhiều hơn với các phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng. Các tuyến xe buýt ở Hà Nội đã dành khoảng không cho xe lăn, có những móc giúp xe lăn cố định trên xe buýt. Tuy nhiên, đó chỉ là các tuyến xe buýt nhanh, còn với tuyến xe buýt thường, người khuyết tật muốn đi vẫn phải có người hỗ trợ khênh xe lăn lên. Đặc biệt, với những người khiếm thị hoặc khiếm thính, tính cho đến thời điểm này họ vẫn chưa tự đi được, buộc phải có người hỗ trợ”.
Để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg, phê duyệt đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, theo đó đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Thế nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều tòa nhà, trung tâm mua sắm không có lối lên xuống dành cho người khuyết tật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, '' sở dĩ hiện có nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng giao thông cho người khuyết tật chủ yếu là do nhiều đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị quản lý công trình, các chủ đầu tư xây dựng chưa thực sự quan tâm đến quyền bình đẳng dành cho người khuyết tật trong các khâu thiết kế, xây dựng, quản lý giám sát xây dựng cũng như quá trình giám sát thực hiện.'' Chính vì thế, theo Tiến sĩ : “Để giúp người khuyết tật thuận tiện hơn trong việc đi lại, thời gian tới, chúng ta nên cải tạo một số công trình, đặc biệt là những tuyến giao thông trọng điểm và những khu đô thị, khu đông dân cư để phục vụ người khuyết tật. Đối với xe buýt, cần lắp thêm tay vịn/ bám ở cửa xe cho người khuyết tật lên xuống được dễ dàng, có chỗ ngồi riêng, có thiết bị nâng hạ bậc lên xuống, hệ thống tín hiệu thông báo bằng âm thanh, biển chữ sáng ở các điểm dừng và trên xe. Ngoài ra, khi thực hiện các công trình xã hội hóa, chúng ta cần đưa vào đó những tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ người khuyết tật mang tính bắt buộc để chủ đầu tư phải thực hiện''