Hà Nội, ban hành công điện hoả tốc tăng cường các biện pháp chống dịch
Công điện cho biết, giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 11/10/2021 đến ngày 25/11/2021, Thành phố Hà Nội đã ghi nhận 4.817 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với 1.704 ca mắc (chiếm tỷ lệ 35,43%), đồng thời số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên. Dịch bệnh xuất hiện trên 30/30 quận, huyện, thị xã trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ dân sinh, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.
Trước diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn: Các khu dân cư (mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, khu vệ sinh); chợ dân sinh; trung tâm thương mại; nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao các cơ sở khám chữa bệnh,… và các khu vực có sự kiện tập trung đông người; kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và Thành phố (thông điệp 5K, các biện pháp theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 và các Công điện, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo Thành phố).
TP yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn: Các khu dân cư (mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, khu vệ sinh); chợ dân sinh; trung tâm thương mại; nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao các cơ sở khám chữa bệnh,… và các khu vực có sự kiện tập trung đông người; kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của T.Ư và TP (thông điệp 5K, các biện pháp theo Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 và các Công điện, văn bản chỉ đạo của UBND, Ban Chỉ đạo TP).
Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động các Cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động theo Phương án số 263/PA-UBND ngày 23/11/2021 của UBND TP. Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.
Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vị hẹp nhất có thể, tiếp tục thông điệp 5K và để cao ý thức phòng, chống dịch của người dân. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.
TP tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch
Xác minh thông tin 1 hộ dân ở miền Trung được 2.000 đồng tiền thiệt hại mưa bão 2020
Sáng 26.11, một lãnh đạo UBND H.Phú Ninh (Quảng Nam) cho biết đã chỉ đạo xác minh thông tin một người dân trên địa bàn huyện phản ánh việc nhận hỗ trợ thiệt hại do mưa bão gây ra với số tiền vỏn vẹn chỉ 2.000 đồng.
Trước đó, tối 25.11, trên trang Facebook cá nhân có tên Nguyễn Truyện đăng nội dung kèm hình ảnh phản ánh việc nhận hỗ trợ cây cối ngã đổ do bão chỉ với 2.000 đồng.
“Bà con nghĩ sao, bỏ cả buổi chiều lên nhận tiền bồi thường bão ngã cây cối năm 2020 với số tiền là 2 ngàn (2.000 đồng). Bà con cho một bình luận", nội dung đăng tải lên trang Facebook.
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Thanh Niên ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, xác nhận việc một người dân trên nhận tiền hỗ trợ mưa bão chỉ 2.000 đồng là có thật.
Theo ông Phú, bà Nguyễn Thị Kim Truyện là một trong số những hộ dân bị thiệt hại do bão số 9 năm 2020 gây ra. Sau bão, địa phương tiến hành kê khai để hỗ trợ cho nhân dân.
Qua kiểm tra thiệt hại thì gia đình bà Truyện chỉ thiệt hại 1 cây chuối (diện tích thiệt hại là 10 m2), mức độ thiệt hại là trên 70%. Căn cứ vào diện tích thiệt hại, đối tượng cây trồng và mức độ thiệt hại nên khi áp dụng theo Nghị định số 02.2017 của Chính phủ thì sẽ ra với mức hỗ trợ tiền mà bà Truyện nhận thực là 2.000 đồng.
Theo ông Phú, toàn xã Tam Vinh có 588 trường hợp được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của mưa bão năm 2020, qua rà soát mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng có 31 trường hợp và dưới 20 triệu có 62 trường hợp.
Người dân nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ chia sẻ lên mạng xã hội
Ngày 27/11, Hà Nội triển khai tiêm vaccine Pfizer cho trẻ tuổi 14
Sáng 26/11, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP tiếp tục triển khai tiêm vét vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh lớp 10, 11 và 12. Từ sáng 27/11, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tiêm cho học sinh lớp 9 và giảm dần độ tuổi đến 12 tuổi như lộ trình đề ra, cũng như theo lượng vaccine mà Bộ Y tế phân bổ.
Sở Y tế Hà Nội đang phân bổ 137.724 liều vaccine Pfizer cho 30 quận, huyện, thị xã để thực hiện tiêm mũi 1 cho lứa tuổi 14 (tương đương khối lớp 9). Bên cạnh đó, số vaccine này có thể sử dụng để tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin COVID-19 hoặc tiêm trả mũi 2 cho trẻ từ 15-17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi 1 trên địa bàn, bảo đảm khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần.
Theo Sở Y tế Hà Nội, việc tổ chức tiêm chủng bảo đảm đúng, đủ đối tượng, sử dụng vaccine hiệu quả; triển khai theo hình thức giảm dần độ tuổi, cuốn chiếu theo từng trường. Địa điểm triển khai: Tại các trường học đối với trẻ em đang đi học hoặc tại trạm y tế đối với trẻ em không đi học. Riêng với trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu..., trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã sẽ cung cấp vắc xin để các bệnh viện thực hiện tiêm chủng cho trẻ.
Theo kế hoạch, trong quý IV/2021 và quý I/2022, Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ lứa tuổi từ 12-17 tuổi có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Dự kiến, có 791.921 trẻ được tiêm, trong đó có 519.547 trẻ từ 12-16 tuổi và 272.374 trẻ từ 16-18 tuổi.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, vaccine sử dụng để tiêm cho trẻ là vaccine Comirnaty (Pfizer) với chỉ định tiêm giống như của người lớn. Gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chuẩn bị tâm lý tốt cho các em, đồng thời theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau tiêm tại nhà.
Ảnh minh hoạ
Bắt tạm giam trưởng phòng thuộc Sở Y tế Lạng Sơn vì sai phạm trong quá trình đấu thầu
Lạng Sơn - Cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành điều tra, làm rõ hành vi sai phạm trong đấu thầu, mua sắm các vật tư, trang thiết bị đối với trưởng phòng kế hoạch - tài chính thuộc Sở y tế Lạng Sơn.
Cụ thể, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn vừa thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Hoàng Lộc, Trưởng phòng kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn.
Theo thông tin ban đầu, bị can Lộc bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan tới sai phạm trong đấu thầu, mua sắm các vật tư, trang thiết bị y tế của tỉnh trong năm 2018.
Bước đầu xác định, với vai trò là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, ông Trần Hoàng Lộc đã được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn ủy quyền thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế cho hệ thống y tế cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh. Tuy nhiên, bị can Lộc đã cố ý làm trái các quy định liên quan để trục lợi.
Trụ Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn
Bắc Giang, 4 học sinh sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin
Chiều 26/11, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, cho biết có 4 học sinh THPT tại huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó có 2 em phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) điều trị.
Theo bà Hương, nguyên nhân phản ứng là do cơ địa của người tiêm. Có 2 em phản ứng độ 3, ngay sau khi xảy ra, Trung tâm Y tế huyện Sơn Động đã sơ cứu tại chỗ, Sở Y tế Bắc Giang đã điều các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang lên hỗ trợ. "Sau đó, chúng tôi chuyển 2 cháu về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Còn 2 cháu sức khỏe đã ổn định và đang theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động" - bà Hương thông tin thêm.
Trước đó, sáng 24/11, tại điểm tiêm chủng lưu động Trường THPT Sơn Động số 2 và Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sơn Động tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 cho học sinh, loại vắc-xin sử dụng là Pfizer. Trong quá trình tiêm chủng, 4 học sinh tại 2 trường này có biểu hiện choáng váng, khó thở, đau tức ngực, buồn nôn, da tái do sốc phản vệ.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, 2 học sinh ở Bắc Giang chuyển lên đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, cả 2 em đều được can thiệp ECMO. Đến chiều 26/11, 1 em có diễn biến khá hơn, nhưng 1 em đang trong tình trạng nặng.
Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương phạt Youtuber Long Ngô 7,5 triệu đồng vì phát ngôn sai sự thật tại Đại Nam
Ngày 26/11, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cho biết đã làm việc với Ngô Thanh Long (36 tuổi, còn gọi Youtuber Long Ngô, có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai).
Nội dung buổi làm việc liên quan đến những phát ngôn của Youtuber này trong chương trình livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng gây xôn xao dư luận ngày 14.11.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương cho biết, tại buổi làm việc, Ngô Thanh Long xác nhận đã có những phát ngôn chưa đúng trong buổi giao lưu gặp gỡ ở Đại Nam. Ngô Thanh Long giải thích khi phát ngôn nói ngắn quá, không đủ ý. Do thấy sai nên ngày hôm sau đã phát livestream xin lỗi.
Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương đã ra quyết định xử phạt Ngô Thanh Long 7,5 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.
Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông và công an làm việc với Youtuber Long Ngô.