Chia sẻ trên PLO, BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP cho biét, đơn vị hiện nay có khoảng 200 trường hợp khám ngoại trú và nhập viện do di chứng hậu Covid-19.
Trong đó có 115 trường hợp bị viêm đa hệ thống phải nhập viện theo dõi, điều trị thuốc chống viêm, chống đông máu… Trong số trẻ viêm đa hệ thống, có khoảng 10% trẻ có biểu hiện nặng khi lâm vào tình trạng sốc, suy hô hấp, phản ứng viêm hoặc tổn thương cơ quan nặng.
Qua thống kê, đa phần trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đầy đủ. Sau khi TP triển khai tiêm vaccine cho nhóm trẻ lớn từ 12 đến 18 tuổi thì trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống chủ yếu xảy ra ở nhóm trẻ nhỏ hơn.
Theo bác sĩ Tiến, phu huynh thường đưa con đến bệnh viện khám với 3 nhóm biểu hiện:
- Nhóm thứ nhất là nhóm trẻ có biểu hiện bị suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung, học hành sa sút, mất ngủ. Một số bé có biểu hiện trầm cảm, thay đổi tinh thần, hành vi tâm lý.
- Nhóm thứ hai có biểu hiện mệt, thở hụt hơi, ho có nhiều đàm, chức năng hô hấp bị ảnh hưởng.
- Nhóm thứ ba có biểu hiện gặp khó khăn về vận động.
Ngoài ra, có ít trẻ em bị rụng tóc, khô đầu móng tay chân, rối loạn tiêu hóa, đau đầu…
Các bác sĩ lưu ý phụ huynh thấy trẻ sau khi khỏi Covid-19 vẫn chơi và sinh hoạt bình thường, không than phiền gì thì không nên quá lo lắng và tiếp tục theo dõi.
Tuy nhiên, triệu chứng hậu Covid-19 thường xuất hiện 4-12 tuần sau nên sau khi hết bệnh, gia đình cần theo dõi trẻ thêm ít nhất ba tháng.
Nếu thấy trẻ đau ngực, khó thở nhiều hoặc khó thở lúc nghỉ ngơi, sốt cao liên tục, li bì, rối loạn hành vi, tâm lý, hay quên, thường xuyên thở hụt hơi, ho nhiều có đờm, hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tiêu hóa, khô da, rụng tóc, biếng ăn, giảm cân... thì phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa.
Trẻ em hậu Covid-19 nên ăn gì?
- Lựa chọn món dễ ăn, có mùi vị dễ chịu, hợp khẩu vị của trẻ. Thức ăn loãng, mềm. Những món ăn thích hợp dùng cho trẻ bị ho là cháo, súp như: cháo gà, cháo thịt lợn nạc, súp gà…
- Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu họng, loãng đờm và giảm ho. Nên uống từng ngụm nhỏ nước lọc ấm đến khi cơn ho dừng. Ngoài nước lọc, có thể cho trẻ dùng nước mật ong ấm kết hợp với chanh, gừng cũng có tác dụng làm dịu họng, giảm ho tốt.
- Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều gia vị, thức ăn lạnh… Những thực phẩm này dễ gây kích thích họng, gây ho, tăng đờm nhớt, gây đầy bụng, khó tiêu…
- Nếu trẻ còn mệt, không nên ép trẻ ăn nhiều trong một bữa. Nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa trong ngày. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Đối với trẻ còn bú cũng vậy, nên cho trẻ bú theo nhu cầu, bú làm nhiều lần khi trẻ thấy dễ chịu.
- Thay đổi món ăn thường xuyên, tránh đơn điệu để bữa ăn sẽ ngon hơn.
- Cho trẻ uống bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua. Sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với trẻ mới ốm dậy.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/nhung-trieu-chung-hau-covid-19-thuong-gap-o-tre-em1647707614.html