Bà Resia Pretorius- Trưởng bộ môn và là giáo sư nghiên cứu về khoa học sinh lý, Đại học Stellenbosch, Nam Phi cùng các đồng nghiệp trong một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, trong máu của bệnh nhân hậu COVID-19 có vi huyết khối (cục máu đông nhỏ) khó phân rã. Bà cho rằng chính điều này đã khiến người bệnh vẫn phải chịu những triệu chứng dai dẳng dù đã âm tính với virus.
Nhiều bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 cho biết họ gặp các triệu chứng nhiều triệu chứng khác nhau, chủ yếu là mệt mỏi, sương mù não (hay quên, thiếu tập trung, kém minh mẫn…), yếu cơ, khó thở, lượng oxy thấp, khó ngủ và lo lắng hoặc trầm cảm. Một số bệnh nhân bị nặng đến mức họ không thể làm việc hoặc thậm chí không thể đi bộ vài bước. Họ cũng có thể có nguy cơ cao bị đột quỵ và đau tim. Đáng ngại nhất là dù chỉ mắc Covid-19 thể nhẹ hoặc thậm chí đôi khi không có triệu chứng, người nhiễm virus vẫn có thể bị suy nhược, ốm yếu trong thời gian dài.
Bà Pretorius trích dẫn một nghiên cứu gần đây của mình, cho thấy có sự hình thành vi huyết khối đáng kể trong máu của cả bệnh nhân COVID-19 cấp tính và bệnh nhân hậu COVID-19. Đối với người có sinh lý khỏe mạnh, các cục máu đông có thể hình thành (ví dụ như khi bị đứt tay). Tuy nhiên, cơ thể sẽ phá vỡ các cục máu đông đó qua một quá trình gọi là tiêu sợi huyết.
"Trong máu của bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, các vi huyết khối có khả năng chống lại quá trình tiêu sợi huyết của cơ thể", vị giáo sư nói.
Bà tin rằng cả người không có các triệu chứng hậu COVID-19 cũng có thể hưởng lợi từ những nghiên cứu như vậy, vì các triệu chứng được ghi nhận ở bệnh nhân hậu Covid-19 cho thấy nhiều điểm tương đồng với triệu chứng có ở các bệnh mạn tính và liên quan đến virus khác, bao gồm viêm tủy xương, hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) - loại bệnh đã bị xem như một hiện tượng tâm lý trong nhiều thập kỷ.
Do đó, giáo sư cho rằng cần khẩn trương đầu tư vào nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn để hiểu và khẳng định rõ hơn mối liên hệ giữa đông máu bất thường, tình trạng thiếu oxy và rối loạn chức năng mạch máu ở những bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.
Tuy vẫn còn nhiều ẩn số về nguyên nhân gây ra COVID kéo dài, song nghiên cứu PHOSP tìm ra manh mối cho rằng, chứng COVID kéo dài là do phản ứng miễn dịch diễn ra liên tục - dấu hiệu của sự viêm nhiễm gia tăng.
Giáo sư Stephen Holgate thuộc Đại học Southampton đồng thời là người đồng sáng lập công ty Synairgen, chuyên sản xuất thuốc điều trị COVID-19, cho hay hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy nội tạng của người bệnh bị viêm.
Theo ông Holgate, cơ thể người bệnh phản ứng mạnh với tình trạng viêm nhiễm trong thời gian mắc COVID-19.
Các nhà nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết khác về sự phản ứng miễn dịch quá mức, đó là việc virus SARS-CoV-2 tấn công vào những bộ phận trữ năng lượng của các tế bào còn gọi là ty thể.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị chứng COVID-19 kéo dài. Hãng Axcella Therapeutics và Đại học Oxford đang phát triển một loại thuốc giúp giảm viêm và phục hồi chức năng của ty thể.
Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của thuốc này vào giữa năm 2022.
Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học PureTech Health đang nghiên cứu một loại thuốc điều trị tổn thương mô phổi và thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Ông Michael Chen, người đứng đầu bộ phận đổi mới của PureTech Health, cho biết gần một nửa số người mắc COVID kéo dài bị khó thở, có nghĩa là hàng triệu người có thể bị sẹo ở phổi.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/phat-hien-nguyen-nhan-gay-trieu-chung-covid-19-keo-dai1641780123.html