Thất nghiệp vì COVID-19, thanh niên 18 tuổi đạp xe vượt 700km về quê
Ngày 8/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và bố trí em Lương Văn Khôi (SN 2003, trú xã Bắc Lý) vào khu cách ly tập trung của xã để cách ly theo quy định phòng dịch.
Khôi vừa trải qua 3 ngày đạp xe liên tục vượt gần 700km từ Thừa Thiên - Huế để trở về quê nhà tránh dịch COVID-19.
Khôi đạp xe vượt gần 700km trở về quê trốn dịch và được Thượng úy Ngô Quang Lộc (Công an huyện Kỳ Sơn) tặng tiền hỗ trợ. (Ảnh: FB).
Theo chia sẻ của Lương Văn Khôi, từ tháng 6/2021, Khôi đi vào Huế để kiếm việc làm thuê. Tại đây, em ở trọ tại phường An Cựu (TP. Huế). Khi mới vào, Khôi kiếm việc làm thêm nhưng công việc chỉ tạm bợ, bấp bênh. Thời gian gần đây, dịch bệnh phức tạp, việc làm không có, tiền trang trải cuộc sống đã hết nên chàng trai trẻ quyết định trở về quê nhà.
Tiền không có, xe khách không chạy, Khôi chưa biết về quê bằng cách gì thì được người chủ trọ cho chiếc xe đạp cũ nên Khôi quyết định đạp xe từ Huế về nhà.
Ngày 3/9, nam thanh niên bắt đầu đạp xe từ thành phố Huế. Đêm đầu tiên, em chọn trạm thu phí ở tỉnh Quảng Trị làm chỗ dừng chân và ngủ.
Dọc đường đi, không có tiền nên Khôi vào một số quán xin cơm. Biết hoàn cảnh của Khôi nên nhiều người nhiệt tình hỗ trợ mà không lấy tiền.
Sau 3 ngày đạp xe, đến sáng 7/9, Khôi đi đến chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Sau khi khai báo y tế, em được lực lượng chức năng làm test nhanh miễn phí. Sau khi, có kết quả test nhanh COVID-19 âm tính, Khôi được bố trí vào khu cách ly tập trung của xã Bắc Lý để cách ly phòng chống dịch.
TP HCM cho phép cửa hàng ăn, uống bán mang đi từ 6h đến 18h
UBND TP HCM vừa có công văn khẩn về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giấy đi đường của Công an TP HCM đã cấp trong thời gian giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9 .
Trong trường hợp có nhu cầu cấp đổi giấy đi đường, các đơn vị chủ trì, quản lý đối tượng cấp giấy đi đường chịu trách nhiệm thu hồi giấy cũ; tổng hợp, cập nhật danh sách mới gửi Công an TP HCM để được cấp đổi.
Về các nhóm đối tượng được phép lưu thông và biện pháp kiểm soát, thực hiện theo hướng dẫn của Công an TP HCM tại thông báo số 3416.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.
UBND quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần; báo cáo UBND TP HCM trước ngày 11/9.
Ngoài ra, TP HCM mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng.
TP HCM cho phép cửa hàng ăn, uống bán mang đi từ 6h đến 18h (Ảnh dantri.com.vn).
Đáng chú ý, UBND TP HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.
Sử dụng chứng chỉ không hợp pháp, Phó bí thư Thành ủy Lai Châu bị cách chức
Bà Vàng Thị Chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lai Châu, đã vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp. Cụ thể, bà Chính đã sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh B1 không hợp pháp để làm hồ sơ cán bộ ứng cử chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu, nhiệm kỳ 2016-2021; hồ sơ này cũng được dùng để giới thiệu tái cử Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, ứng cử chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Lai Châu, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Bà Vàng Thị Chinh phát biểu tại một cuộc họp báo khi chưa bị kỷ luật (Ảnh thanhnien.vn).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đánh giá vi phạm của bà Vàng Thị Chính là nghiêm trọng, làm giảm uy tín cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng nơi bà sinh hoạt và cơ quan công tác. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu đã quyết định kỷ luật bà Vàng Thị Chính bằng hình thức cách chức Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Lai Châu các nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.
Hiện, bà Vàng Thị Chính đang chờ để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu bố trí nhiệm vụ công tác phù hợp.
F0 bị phạt 7,5 triệu đồng vì giả mạo bác sĩ thông báo cho bệnh nhân xuất viện
Ngày 5/9, ông T. V. H (ngụ Bình Dương) đang là F0 điều trị tại khu cách ly tại trường Tiểu học Hàn Thuyên (khu phố 8, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã tạo tài khoản Zalo có tên “Bác sỹ Long” và đăng tải trên nhóm “Khu cách ly Hàn Thuyên” với nội dung: “Danh sách được về ngày 5/9. Tất cả mọi người đều về hết nha, mọi người tranh thủ thu sếp đồ đạt gọn gàng ngày mai 8h30 xuống dưới tầng trệt nha”.
Thông tin ông T. V. H đăng tải nêu trên đã gây hoang mang, lo lắng cho các F0 đang điều trị tại đây.
Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Bình Dương làm việc với ông H (Ảnh cand.com.vn).
Ngày 8/9, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với ông T. V. H về hành vi Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.
Kết quả điều tra vụ “bom hàng” dịch vụ đi chợ hộ
Chiều 8/9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM thông tin về kết quả điều tra vụ “bom hàng” dịch vụ đi chợ hộ.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM (Ảnh: Minh Quân/Lao Động).
Theo thượng tá Hà, sau khi nhận được thông tin phản ánh có tình trạng “bom hàng”, Công an TP đã chỉ đạo Công an các quận huyện và TP.Thủ Đức mời làm việc các đơn vị có liên quan.
Qua làm việc với các công ty cung cấp dịch vụ shipper thì không phát hiện tình trạng “bom hàng”. Còn đối với các trường hợp shipper của 21 quận huyện và TP. Thủ Đức có tình trạng đặt hàng nhưng không ra nhận hàng.
Cụ thể là TP.Thủ Đức, quận 4, quận 6, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Tân Phú. Công an đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua nhưng không nhận hàng.
“Có trường hợp người dân đặt mua nguyên con gà nhưng chỉ giao mỗi cánh gà nên người dân không nhận”, thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm.
Theo thượng tá Hà, hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ các trường hợp có hành vi cố tình “bom” hàng gây khó khăn cho lực lượng đi chợ hộ, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
VFF kiến nghị lên FIFA về sai sót trọng tài trận Việt Nam - Australia
Ngày 8/9, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã có thư gửi Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Chủ tịch AFC Salman Bin Ibrahim Al-Khalifa, đề nghị kiểm tra chất lượng công tác trọng tài nhằm đảm bảo công bằng và giữ gìn hình ảnh, uy tín cho vòng loại World Cup.
Theo VFF, trọng tài đã làm ảnh hưởng đến kết quả trận Việt Nam - Australia (Ảnh anninhthudo.vn)
Trong thư, ông Trần Quốc Tuấn gửi lời cảm ơn Chủ tịch FIFA và Chủ tịch AFC đã hỗ trợ trong khâu tổ chức trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Australia vào ngày 7/9, đặc biệt là hỗ trợ áp dụng công nghệ VAR trên SVĐ Mỹ Đình.
Tuy nhiên, VFF nhấn mạnh ở trận đấu giữa Việt Nam và Australia, trọng tài đã không đưa ra quyết định chính xác, gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu.
Cụ thể là tình huống hậu vệ Grant của đội khách để bóng chạm tay rõ ràng trong vòng cấm, sau cú sút của Hồng Duy ở phút 28. Tuy nhiên, trọng tài chính người Qatar - Ibrahim Al-Jassim Abdulrahman sau khi tham khảo VAR lại từ chối cho ĐT Việt Nam hưởng phạt đền.
"Với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, VFF mong muốn góp phần xây dựng và bảo vệ sự công bằng, uy tín của các giải đấu chính thức của FIFA, AFC. VFF đề nghị FIFA và AFC tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công tác trọng tài để có giải pháp điều hành hiệu quả tại những vòng đấu tới nhằm đảm bảo hình ảnh và uy tín của giải đấu", VFF nhấn mạnh trong thư.
Trấn Thành giải thích sao kê có khoản mua nước hoa, vé máy bay
Sau nhiều ngày tranh cãi về minh bạch tiền từ thiện, chiều 7/9, Trấn Thành công bố sao kê trên trang cá nhân với số tiền quyên góp hơn 9,6 tỉ đồng.
Trên mạng xã hội, nhiều người thắc mắc về các khoản chi mua nước hoa, vé máy bay trong các giấy tờ phía nghệ sĩ cung cấp.
Trấn Thành giải thích sao kê có khoản mua nước hoa, vé máy bay (Ảnh thanhnien.vn).
Ngay sau đó, Trấn Thành lên tiếng giải thích: “Xin phân biệt rõ giúp tôi. Tôi có hai tài khoản. Một tài khoản là tôi công khai kêu gọi từ thiện (Vietcombank). Còn lại là tài khoản của riêng tôi, tiền của tôi (SCB).
Tôi sao kê tài khoản riêng để quý vị thấy việc tôi chuyển tiền cho cô Hương (mẹ của Hồ Ngọc Hà), có dấu mộc đàng hoàng, không liên quan đến tài khoản còn lại. Cho nên ai trách tôi là do không đọc rõ bài đăng”.
Về vấn đề cột số dư bị trống trong giấy sao kê, Trấn Thành cho biết đó là do ngân hàng gửi tới: “Theo nghiên cứu của tôi, cứ mỗi lần gửi vào lại không có cột số dư là vì người ta chỉ tổng kết số dư vào cuối ngày…”.
Trấn Thành khẳng định khi đã dám tung 1.000 bản sao kê thì nếu làm sai, anh sẽ phải đối diện trước pháp luật. “Tôi không làm sai nên tôi không sợ. Những lời vu khống, bịa đặt gây ảnh hưởng đến danh dự, cuộc sống, tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp".
Vẫn chưa thể ban hành khung pháp lý cho hoạt động từ thiện
Câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng kêu gọi quyên góp từ thiện số tiền lớn, nhưng chi ủng hộ chưa minh bạch đang thu hút nhiều sự chú ý. Điều này do khung pháp lý cho hoạt động này vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, quy định mới chưa được ban hành do Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung thêm nội dung mới vào dự thảo.
Để đảm bảo hoạt động kêu gọi, ủng hộ từ thiện minh bạch, ngăn chặn lạm dụng, trục lợi, thời gian qua Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định mới về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện...
Có người huy động hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ công bố trên 1 tờ giấy A4, có người "ngâm" tiền từ thiện nhiều tháng... (Ảnh tuoitre.vn)
Hiện cả xã hội đang trông chờ nghị định này được ban hành, do thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc “lùm xùm” liên quan tới nghệ sĩ, người nổi tiếng huy động đóng góp từ thiện được số tiền lớn, nhưng khâu chi ủng hộ chưa minh bạch, thiếu công khai.
Trả lời về tiến độ xây dựng quy định trên, Bộ Tài chính cho biết, hồi tháng 5 bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định. Tuy nhiên, tháng 8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến giao Bộ Tài chính hoàn thiện lại dự thảo này. Theo đó, dự thảo cần bổ sung các quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa của từ thiện và yêu cầu quản lý nhà nước.
Do đó, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng nghị định để trình Chính phủ ban hành, trong đó bổ sung thêm các tổ chức có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, các hội,...) tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.