Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại Hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết.
Kể từ thời điểm mở lại đường bay quốc tế (tháng 1/2022), lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1/2022 và đến hết ngày 14/2/2022 đã lên tới 153.000 khách. Ảnh minh hoạ.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi thư trực tiếp tới các Nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm trong giai đoạn đầu, và từ ngày 15/2 tất cả thị trường mà các hãng đã khai thác trước COVID-19 sẽ khôi phục đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Hành khách khi nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế phải thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch COVID-19.
Bắt giữ hơn 85.000 test nhanh Covid-19 nhập lậu từ Hàn Quốc
Theo quy định mặt hàng test Covid là mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, phải có giấy phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn khai báo hàng hóa chung chung, khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu.
Ngày 17/2, tại khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra lô hàng vi phạm.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch covid 19, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội phát hiện, theo dõi và khám xét một lô hàng test Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu, vi phạm pháp luật hải quan.
Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid các loại có xuất xứ Hàn Quốc, trị giá ước tính trên 8 tỷ đồng.
TP.HCM phát hiện 163 F0 tại trường học trong tuần đầu dạy trực tiếp
Ảnh minh hoạ.
Tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ chiều 17/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, từ 14 - 16/2, TP.HCM phát hiện tổng cộng 163 F0 tại các cấp học (từ mầm non đến THPT).
Cụ thể, trong ngày đầu tiên đi học lại (14/2), thành phố ghi nhận 27 học sinh F0, ngày 15/2 có 50 em F0 và ngày 16/2, thành phố ghi nhận 86 F0.
Theo ông Trọng, việc xử lý F0 trong trường học và xác định, cách ly F1 thực hiện theo quy định của Sở Y tế TP.HCM.
Đối với học sinh chưa tiêm vaccine là F1 phải nghỉ theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, xét nghiệm nhanh và quay trở lại trường sau 14 ngày âm tính.
Ông Trọng cho biết thêm, khi tổ chức cho trẻ đi học lại, thành phố không cấm hoạt động căng tin, bán trú mà còn khuyến khích các đơn vị nỗ lực thực hiện để phục vụ tốt nhất cho việc dạy học trực tiếp cũng như đảm bảo thuận lợi nhất cho phụ huynh.
Giải cứu 6 phụ nữ, trẻ em mắc kẹt trên vách đá khi nhập cảnh trái phép
Bộ đội Biên phòng giải cứu thành công bé trai 2 tuổi theo mẹ nhập cảnh trái phép về Việt Nam bị mắc kẹt ở vách đá.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng vừa giải cứu 5 phụ nữ và 1 cháu bé 2 tuổi bị mắc kẹt trên vách đá khi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam.
Theo đó, khoảng 13h30’ ngày 16/2, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực giữa mốc 857 và 858 (thuộc xóm Khưa Thoang, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) phát hiện 2 người đàn ông Việt Nam là Ly Seo Súa (SN 1991, trú tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) và Đầu Công Dũng (SN 1975, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có hành vi nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về nước.
Từ lời khai của hai người này, lực lượng chức năng xác định trên núi còn 5 phụ nữ và 1 cháu bé khoảng 2 tuổi bị kẹt do vách đá cao, trời mưa, đường trơn trượt.
Sau 3 giờ tiến hành tiếp cận, giải cứu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã đưa được nhóm phụ nữ, trẻ em nói trên xuống núi an toàn.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 còn hơn 1.200 tỷ đồng
Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng, chống COVID-19.
Theo Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 17/2, tổng số huy động của Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.872,21 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi; trong đó, có 59,2 tỷ đồng tiền lãi gửi ngân hàng.
Ban Quản lý quỹ cho biết, đã có 593.914 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào Quỹ.
Số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 1.200,01 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã chi từ Quỹ 7.672,2 tỷ đồng; trong đó, chi mua và sử dụng vaccine 7.667,6 tỷ đồng và chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine 4,6 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 22 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 7 ngân hàng thương mại gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, MB, Agribank và TPBank.
Hội An lọt top 10 ‘Những thành phố hiếu khách nhất thế giới’
Du khách quốc tế thăm quan phố cổ Hội An trong thời gian thí điểm Hộ chiếu vaccine. (Ảnh: TTXVN)
Hội An (Việt Nam) vừa lọt top “Những thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022,” cùng với các gương mặt khác là Matera (Italy), Bled (Slovenia), Đài Đông (Đài Loan), Nafplio (Tây Ban Nha), Toledo (Tây Ban Nha), Monte Verde (Brazil), Bruges (Bỉ), Nusa Lembongan (Indonesia), Ponta Delgada (Bồ Đào Nha).
Ban tổ chức giải thưởng thường niên Traveller Review Awards (tạm dịch: Giải thưởng do du khách đánh giá) lần thứ mười vừa công bố danh sách này. Đây là kết quả dựa trên hơn 232 triệu đánh giá thật được xác minh từ du khách.
Từ những kỳ quan kiến trúc biểu tượng đến cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, “Những thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022” trải dài khắp các châu lục và mang đến cho du khách vô vàn trải nghiệm du lịch đáng nhớ.
Hội An (Việt Nam) chiếm được cảm tình của du khách trên toàn thế giới với khu phố cổ quyến rũ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Nhịp sống bình dị chân chất của người dân địa phương, khu phố cổ sầm uất và phồn thịnh, những bãi biển thơ mộng cũng như sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp-Trung Hoa đã góp phần tạo nên nền ẩm thực đa dạng nơi đây.
Số ca F0 trở nặng, nguy kịch đang tăng tại Hà Nội
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố đang có trên 126.000 F0 đang điều trị, trong đó có 121.000 F0 điều trị tại nhà.
Sở Y tế Hà Nội tối 17/2 thông tin trong 24 giờ qua TP phát hiện 3.893 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh từ 27/4/2021 đến nay ghi nhận ở Thủ đô lên gần 187.000 trường hợp.
Trong số ca mắc mới, có 913 ca cộng đồng. Gần 4.000 F0 mới phát hiện phân bố tại 496 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Theo cập nhật của Bộ Y tế tới ngày 17/2, trong số các bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); Gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch (tăng gần 15%); 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...
Bộ Y tế hôm nay cũng thông báo ngày 17/2 Hà Nội ghi nhận 19 ca tử vong, tăng 4 ca so với ngày trước đó.