Xe khách tăng thêm 50.000 đồng/vé, các hãng hàng không kêu cứu
Trải qua 2 năm đại dịch, các hãng hàng không chưa kịp phục hồi; chi phí phát sinh do phòng, chống dịch khá lớn, giờ lại phát sinh chi phí xăng dầu, rõ ràng là thách thức rất lớn.
Trong văn bản gửi các Bộ: Tài chính, GTVT mới đây về tác động của giá xăng dầu đối với hoạt động khai thác bay, Vietnam Airlines cho hay, giá dầu trên thế giới leo thang, có thời điểm lên tới 138 USD/thùng. Kéo theo đó, giá nhiên liệu bay Jet A1 cũng tăng mạnh, từ trung bình gần 73 USD/thùng (2021) lên hơn 100 USD/thùng.
Vietnam Airlines lo ngại, những yếu tố bất lợi sẽ đẩy giá nhiên liệu bay Jet A1 tăng lên mức hơn 160 USD/thùng; không loại trừ những kịch bản xấu có thể lên đến 200 USD/thùng.
Trong khi đó, chi phí nhiên liệu bay chiếm tới 40% tổng chi phí hoạt động khai thác của một hãng hàng không. TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA), dẫn chứng mỗi chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM, nếu bay loại tàu thân hẹp tân tiến, tiết kiệm nhất cũng hết hơn 4 tấn; tàu bay thân rộng A330 thì phải dùng đến 10 tấn xăng. Qua đó để thấy, giá xăng tăng gây bất lợi, tăng chi phí của các hãng hàng không rất lớn.
Trước nguy cơ trên, Vietnam Airlrines kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 (hiện mức thuế là 50%). Nếu được áp dụng, hãng sẽ giảm được 600 tỷ đồng chi phí nhiên liệu bay.
Ngoài hỗ trợ giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, cho vay vốn lãi suất ưu đãi,... hàng không trong nước cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép các hãng triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa.
Trước lo ngại giá xăng dầu leo thang khiến giá vé máy bay có thể tăng theo, TS. Bùi Doãn Nề cho rằng, các hãng hàng không trong nước đang tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí, cố gắng ổn định giá vé.
Với ngành vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê, nửa đầu tháng 3 đã có 16 đơn vị vận tải gửi hồ sơ xin tăng giá cước, trong đó có 14 hãng xe taxi tăng giá cước từ 5 đến 15% tùy loại xe và 2 doanh nghiệp xe khách tăng 50.000-60.000 mỗi vé so với trước.
Hơn 60% phụ huynh đồng ý cho trẻ mầm non tiêm vắc xin ngừa Covid-19
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, Sở đã tiến hành khảo sát ý kiến của phụ huynh về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi.
Theo đó, nhóm trẻ mầm non, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con chích ngừa là 60,49%. Tỷ lệ này ở bậc tiểu học là hơn 81%; bậc trung học cơ sở (với nhóm học sinh lớp 6) là gần 88%.
Để chuẩn bị cho việc tiêm ngừa cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi, Sở Y tế đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, nắm sát mọi công tác tổ chức và cân đối số lượng chích ngừa phù hợp mỗi ngày sẽ thực hiện tại các điểm tiêm.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước sử dụng xe đạp
Theo đó, 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết khuyến khích sử dụng xe đạp vì đây là một trong những công cụ đối phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. 193 thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết khuyến khích sử dụng xe đạp vì đây là một trong những công cụ đối phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Nghị quyết khuyến khích các nước thành viên “chú ý đặc biệt đến việc đạp xe trong những chiến lược phát triển, bao gồm dịch vụ chia sẻ xe đạp, cũng như trong các chính sách và chương trình phát triển quốc tế, khu vực, quốc gia và những vùng trong một quốc gia.
Nghị quyết kêu gọi chú trọng vai trò của xe đạp đối với các chính sách và chiến lược phát triển trong nước, khu vực và toàn cầu, tăng cường an toàn giao thông đường bộ, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông với mục tiêu giữ an toàn cho người đi bộ và đi xe đạp.
Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc khuyến khích áp dụng các chính sách ủng hộ, khuyến khích việc đi xe đạp, đề cao văn hóa xe đạp.