Trả lời ý kiến cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua đã tiến hàng thanh tra đột xuất và ban hành kết luận thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 ngân hàng. Việc thanh tra và xử lý theo cơ quan này, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật và các rủi ro nguy cơ gây mất an toàn hoạt động.
Qua quá trình thành tra, cơ quan quản lý đã phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với những ngân hàng vi phạm.
Ảnh minh hoạ
Được biết, từ năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03/12/2021, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập các Đoàn thanh tra chuyên đề về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 tại các ngân hàng thương mại cổ phần có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cao.
Theo quy định hiện hành, ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp hay để tăng quy mô vốn hoạt động. Các nhà băng cũng không được mua trái phiếu doanh nghiệp để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, các nhà băng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng...
Để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động này, sau hoạt động thanh tra đột xuất, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát trong năm nay phải thanh tra có trọng điểm để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng đồng thời cần cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới sẽ thực hiện một số giải pháp để kiểm soát, hạn chế rủi ro với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, như rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng khi đầu tư, nắm giữ trái phiếu.
Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Tài chính hoàn thiện khung khổ pháp lý về trái phiếu doanh nghiệp để khắc phục bất cập. Trong đó, nhà chức trách sẽ đưa ra quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh trong năm nay và hoạt động thanh tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm hơn, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hỗ trợ các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, đúng pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường giám sát, phân tích, cảnh báo sớm và đề xuất biện pháp phòng ngừa rủi ro, khủng khoảng có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn, ổn định hệ thống tín dụng, đảm bảo dòng vốn hướng vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên.
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước sẽ cảnh báo kịp thời, xử lý các vi phạm trong cấp tín dụng của các ngân hàng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lãi dự thu; cũng như giám sát các lĩnh vực hiệu quả kinh doanh thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao.
Tính đến cuối năm 2022, có 17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, 5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB. Ngân hàng MB là ngân hàng thương mai cổ phần có lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ lớn nhất hiện nay. Trong top 3 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống, VPBank là có mức tăng trưởng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2022 (tăng 18%).
Trong số 17 ngân hàng có dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, có 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank. Tuy vậy, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tại các ngân hàng này chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng (thấp nhất là Vietcombank).
Nếu loại trừ 3 ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, các ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều hiện tại là: MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, BaoViet Bank, BIDV, HDBank, VietinBank, Bac A Bank, OCB, MSB, NamABank, VIB, KienLongBank, SeABank.