Giá vàng hôm nay 29/8: Người mua tiếp tục lỗ tiền triệu cho mỗi lượng vàng
Giá vàng trong nước đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần được Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết hai chiều mua vào - bán ra ở mức 56,45 - 57,15 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC ở mức cao 700.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết ở ngưỡng 56,60 triệu đồng/lượng - 57,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không thay đổi so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Chênh lệch giữa giá mua và bán ở ngưỡng cao 1 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa: Phan Anh
Trong khi đó, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở ngưỡng 56,50 triệu đồng/lượng - 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, Doji đã điều chỉnh tăng 250.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 350.000 đồng/lượng chiều bán ra. Điều này giúp chênh lệch giữa giá mua và bán giảm từ 1,6 triệu đồng/lượng xuống còn 1 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung, so với phiên cuối tuần qua, giá vàng trong nước không có nhiều biến động. Tuy nhiên, người mua vẫn tiếp tục thu về khoản lỗ kỷ lục.
Cụ thể, nếu mua vàng tại Tập đoàn Doji vào phiên đầu tuần (23.8) với mức 57,85 triệu đồng/lượng và bán ra vào phiên hôm nay ở ngưỡng 56,50 triệu đồng/lượng, người mua lỗ tới 1,35 triệu đồng cho mỗi lượng vàng.
Nguyên nhân dẫn đến việc này là do chênh lệch mua vào - bán ra bị Tập đoàn Doji đẩy lên quá cao. Giới chuyên gia cho biết, chênh lệch này dẫn đến nguy cơ thua lỗ lớn đối với người mua. Mức chênh lệch an toàn được khuyến cáo đảm bảo an toàn là dưới 300.000 đồng/lượng.
Giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco đóng cửa phiên giao dịch tuần ở mức 1.816,8 - 1.817,8 USD/oz (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch tuần trước, vàng đã tăng mạnh hơn 36 USD/oz.
Tuần qua, giá vàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc họp chuyên đề của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ngày 28/8, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell cho biết Fed có thể bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng trong năm nay, nhưng sẽ không vội vàng nâng lãi suất.
Ông Jerome Powell khẳng định: “Số liệu việc làm tháng 7 khá tích cực, nhưng nền kinh tế lại đối diện với rủi ro từ sự lây lan của biến thể Delta. Chúng tôi sẽ cẩn thận đánh giá số liệu kinh tế và những rủi ro đang gia tăng". Điều này khiến giá vàng có cơ hội phục hồi.
Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Mỹ có những rủi ro và bất ổn gia tăng sẽ giúp vàng tăng giá do vai trò trú ẩn dòng tiền của kim loại quý. Cùng với đó căng thẳng địa chính trị tại một số nơi trên thế giới cũng giúp giá vàng tăng.
Nhìn chung tuần qua, mặc cho giá vàng thế giới có giảm hay tăng mạnh thì giá vàng SJC và nhẫn trong các doanh nghiệp gần như chỉ đi ngang.
Vàng SJC trên thị trường tự do có phiên điều chỉnh cũng chỉ tăng - giảm trong biên độ 100.000 đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa chiều mua và bán qua ngưỡng 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng, điều này cho thấy sự bất thường đang diễn ra ở thị trường vàng trong nước.
Cắt lỗ chứng khoán, vì sao khó đến vậy?
Trong quá trình đầu tư chứng khoán, một trong những vấn đề mà hầu hết mọi người cảm thấy khó ra quyết định nhất có lẽ là việc "Cắt lỗ".
Khi ra quyết định mua, hầu hết nhà đầu tư cảm thấy khá dễ dàng, thậm chí giải ngân toàn bộ lượng tiền chỉ trong tích tắc. Nhưng ngược lại, khi cổ phiếu thua lỗ, việc đưa ra quyết định "đau thương" cắt lỗ lại khó khăn hơn nhiều. Tâm lý chung khi đó sẽ rất phân vân, không biết nên quyết định giữ hay cắt lỗ hay bình quân giá. Kết cục có thể khiến số lỗ ngày càng nhiều hơn, hoặc mỗi khi ra quyết định cắt lỗ lại thường trúng đáy.
Có nhiều rào cản khiến nhà đầu tư khó có thể ra quyết định "đau thương" này.
Đầu tiên là tâm lý tiếc của, sợ mất tiền. Nếu như chưa cắt lỗ, cổ phiếu có thể có cơ hội hồi phục trở lại. Như vậy, khi cắt lỗ, cũng đồng nghĩa với việc số tiền lỗ chính thức được "hiện thực hóa", nhà đầu tư chính thức mất tiền. Do đó, đây là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc cắt lỗ của nhà đầu tư.
Yếu tố thứ 2 là việc chấp nhận sai. Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có những lập luận ủng hộ quan điểm của mình và thường có xu hướng cố chấp bảo vệ quan điểm này. Do đó, khi phải ra quyết định cắt lỗ cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mình sai. Nhưng trên thực tế, việc chấp nhận cái sai của bản thân không bao giờ là điều dễ dàng.
Yếu tố thứ 3 là vì lỡ "phím hàng" cho người khác. Với nhà đầu tư cá nhân, chúng ta thường có xu hướng thích "phím hàng" cho những người xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, người thân…Tuy nhiên, trên thực tế việc "phím hàng" chưa bao giờ là dễ dàng và xác suất thua cuộc thường lớn hơn là thắng. Nếu như chỉ tự đầu tư, chúng ta có thể chấp nhận sai và dễ dàng sửa bằng việc cắt lỗ.
Nhưng một khi đã "phím hàng" công khai, mỗi khi sai lầm, chúng ta sẽ khó có thể nói với những người khác, nhất là những người thân quen cắt lỗ. Ngay chính bản thân người thực hiện "phím hàng" khi đó cũng có tâm lý không dám cắt lỗ trước bởi có thể mang những điều tiếng không hay.
Yếu tố thứ 4 là hay nghe "phím hàng". Nhà đầu tư cá nhân thường có xu hướng thích được ai đó "phím" và không nhiều người trong số đó thực sự tìm hiểu rõ về doanh nghiệp đầu tư. Do không tìm hiểu và phụ thuộc người khác nên mỗi khi thị trường biến động mạnh, cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư sẽ không có được nhận định chủ quan để ra quyết định cắt lỗ nhanh chóng hay tiếp tục "gồng lỗ".
Khi đầu tư chứng khoán, việc ra quyết định cắt lỗ hay không là điều mà hầu như bất kỳ ai cũng phải đối mặt. Để giải quyết những khó khăn khi ra quyết định về việc cắt lỗ, nguyên tắc đầu tiên là phải "hạn chế thua lỗ".
Để hạn chế thua lỗ, nhà đầu tư cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp để có được mức định giá phù hợp khi mua vào, không bị "Fomo" theo đám đông và bị "kẹp". Nếu đã có những nghiên cứu chi tiết về doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ có mức giá tốt khi tham gia và khi đó sẽ hạn chế hơn việc thua lỗ. Ngay cả khi đã nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp mà mua cổ phiếu xong vẫn lỗ, chúng ta cũng có được cái nhìn toàn cảnh hơn để ra quyết định về việc nắm giữ tiếp, mua bình quân thêm hay cắt lỗ.
Một điều quan trọng trước khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào dư địa tăng, nhìn vào tương lai chỉ toàn màu hồng mà cần đặc biệt quan tâm tới những rủi ro phải đối mặt. Chỉ khi xác định được điều này thì khi những rủi ro ập đến, nhà đầu tư sẽ không còn quá bất ngờ và việc ra quyết định bán sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Ngoài ra, với những nhà đầu cơ, có thể áp dụng thêm những phương pháp cắt lỗ kỷ luật. Một số trader lâu năm chia sẻ rằng họ sẽ mau chóng cắt lỗ khi cổ phiếu giảm 7% hoặc 10% từ điểm mua, đây cũng là phương pháp mà nhà đầu tư cá nhân có thể tham khảo để không phải đắn đo khi ra quyết định.
Đói dòng tiền, doanh nghiệp bất động sản đôn đáo đi vay
Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) nhấn mạnh “thiếu dòng tiền” là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất. Nhiều doanh nghiệp bất động sản không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và giữ chân người lao động.
Doanh nghiệp bất động sản đối mặt nguy cơ mất thanh khoản. Ảnh: Hoàng Hà.
“Doanh nghiệp không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn quá khó khăn do các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị đứng hình, giao dịch sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây” HoREA liệt kê.
Việc thiếu dòng tiền cũng liên quan trực tiếp đến khó khăn về tín dụng, do lãi suất vay ngân hàng hiện nay chưa giảm như kỳ vọng, và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết thêm doanh nghiệp đang phải đôn đáo đi vay mượn, thậm chí “vay nóng” để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu và trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn.
Theo quy chế hoạt động của ngân hàng, các khoản vay đáo hạn nếu không trả đúng thời gian thì sẽ được ngân hàng tự động chuyển thành khoản nợ xấu. Việc phân loại thành nợ xấu sẽ càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn do không thể tiếp cận được các khoản vay mới.
“Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị 'chết trên đống tài sản' của chính mình”, theo ông Lê Hoàng Châu.
HoREA cho biết ngân hàng Nhà nước trong 2 năm qua đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại thực hiện các giải pháp hỗ trợ khá hiệu quả cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản hầu như chưa được xem xét hỗ trợ thỏa đáng vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.
Hiệp hội này đề xuất cho các doanh nghiệp được giảm lãi vay, gia hạn thời gian trả nợ, khoanh nợ đáo hạn, không chuyển sang nợ “xấu” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận khoản vay tín dụng mới để thực hiện dự án.
Ngoài ra Hiệp hội cũng kiến nghị hệ thống ngân hàng chủ động xem xét cơ cấu nợ của khách hàng và mở rộng thời gian áp dụng đến ngày 30-6-2022 (Thông tư 03/2021 trước đó chỉ áp dụng với dư nợ phát sinh đến 31-12-2021).
Sản xuất công nghiệp “gắng gượng” tăng trưởng trong đại dịch
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/8/2021, sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2021 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Chỉ số sản xuất công nghiệp qua các tháng.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: Sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 9,2%; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6%; sản xuất trang phục tăng 5,9%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 7,6%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 3,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,7%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1%; khai thác than cứng và than non giảm 0,9%.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh. Cụ thể, Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP.HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.
Một địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 tăng so với cùng kỳ là Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An tăng 23,1%;Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%...
Tính chung 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp của một số địa phương giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, Đồng Tháp giảm 10,9%; Khánh Hòa giảm 7,9%; Bến Tre giảm 6,9%; TP.HCM giảm 6,6%; Trà Vinh giảm 4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3%.
Ngược lại một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước là Ninh Thuận tăng 34,1%; Nghệ An tăng 23,1%; Hải Phòng tăng 20,6%; Bắc Ninh tăng 9,8%; Quảng Ngãi tăng 9%; Hưng Yên tăng 8%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 6,5%; Đồng Nai tăng 4,4%; Bình Dương tăng 4,3%...
Trong 8 tháng năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cao với cùng kỳ năm trước, gồm: Thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%; sữa bột tăng 11,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,6%; điện thoại di động tăng 10%; thức ăn cho gia súc tăng 9,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,7%.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; đường kính giảm 9,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%; bột ngọt giảm 5,7%; thủy hải sản chế biến giảm 5,1%; thức ăn cho thủy sản giảm 5%.
Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8% và giảm 4,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,8% và giảm 11,4%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,7% và giảm 4,1%.