Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, biến thể Omicron có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng hiện nay và làm tăng lạm phát, song cũng có thể làm giảm nhu cầu và khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhờ đó nởi lỏng phần nào sức ép lạm phát.
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính của Mỹ
Sự xuất hiện của Omicron đã làm chao đảo thị trường tài chính và khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ siết chặt hoạt động đi lại. Mỹ đã ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể này trong cộng đồng.
Bà Yellen - người từng giữ chức Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) từ năm 2014-2016 - khẳng định gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra đầu năm nay không phải yếu tố chính khiến giá tiêu dùng tăng.
Giá tiêu dùng trong tháng 10 vừa qua tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 30 năm qua và lạm phát hiện ở mức cao gấp đôi so với mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra. Theo bà Yellen, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là chuỗi cung ứng bị gián đoạn và sự mất cân đối về cung và cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ gói kích thích kinh tế đã giúp những người Mỹ dễ bị tổn thương vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ vững mạnh. Mặc dù gói kích thích kinh tế này có thể phần nào khiến lạm phát tăng, song sự gia tăng này chủ yếu do dịch COVID-19 và sự chuyển đổi ồ ạt nhu cầu tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa.
Bà Yellen nhấn mạnh một nền kinh tế Mỹ vững mạnh là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế toàn cầu, chính vì vậy FED cần tính toán kỹ về chính sách lãi suất sắp tới. Bà cũng cho biết thêm chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để kìm hãm đà tăng giá thông qua nỗ lực tạo thuận lợi cho hoạt động tại các cảng và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cũng chung nhận định trên.
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, OECD đã bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn.
Giám đốc OECD Laurence Boone. (Ảnh: OECD).
Cụ thể, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. Theo OECD, ưu tiên chính sách hiện nay là phải đảm bảo vaccine được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không đảm bảo được chính sách này.
Trong kịch bản "khả quan hơn", các nước vẫn tiếp tục áp đặt hạn chế đi lại, kéo theo các hệ quả lâu dài đối với thị trường lao động, năng lực sản xuất và giá cả. Còn trong kịch bản "tồi tệ hơn", tỷ lệ tiêm phòng thấp sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới nguy hiểm hơn xuất hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng OECD vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cho năm sau là 4,5%. Báo cáo không bao gồm đánh giá tác động của biến thể Omicron.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Oxford Economics cho rằng biến thể mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,25 điểm % vào năm tới. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh nguy hiểm hơn khiến phần lớn các nước tái áp đặt lệnh phong tỏa, thì mức giảm sẽ lên tới là 2 điểm %.