Ngân hàng tăng vốn điều lệ để đảm bảo an toàn vốn
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến cuối tháng 9/2021, tổng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần khoảng 518.171 tỉ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đạt 169.690 tỉ đồng và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đạt 348.481 tỉ đồng.
Theo kế hoạch tăng vốn được đại hội đồng cổ đông thông qua, ước tính tổng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này tăng thêm khoảng 150.000 tỉ đồng. Theo đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, như Vietcombank sẽ phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỉ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và 2020. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 47.325 tỉ đồng lên 55.891 tỉ đồng.
Đối với BIDV dự kiến phát hành hơn 607 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỉ lệ chia cổ tức là 12%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV năm 2022. Tương tự, Vietinbank, cổ đông đã chốt phương án tăng vốn điều lệ bằng thông qua phát hành thêm 569,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 theo tỉ lệ 11,8488%. Cùng với đó, ngân hàng này còn dự định dùng toàn bộ số lợi nhuận còn lại sau khi trích các quỹ năm 2021 là 9.624 tỉ đồng để trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Còn ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, ấn tượng nhất phải kể đến VPBank dự kiến tăng thêm 34.200 tỉ đồng vốn điều lệ, tương đương tăng 76% so với năm 2021. Xét về tỉ lệ %, NamABank là ngân hàng tăng vốn điều lệ cao nhất với mức tăng 105%, song vốn điều lệ của ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2021 mới chỉ đạt 5.134 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ khủng trong năm nay như LienVietPostBank tăng 76,5%; VietABank tăng 62%; SeABank tăng 54%; SHB tăng 35%; MSB tăng 31%; MB tăng 24%...
Nhìn chung, nếu kế hoạch của các ngân hàng suôn sẻ, bảng xếp hạng vốn điều lệ vào cuối năm 2022 sẽ có sự thay đổi mạnh. Theo đó, VPBank sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu với 79.300 tỉ đồng, BIDV tụt xuống vị trí thứ hai với quy mô vốn đạt 61.200 tỉ đồng, Vietcombank từ vị trí thứ năm leo lên vị trí thứ ba với 55.900 tỉ đồng. Sau đó lần lượt là VietinBank với 53.800 tỉ đồng, MB với 46.900 tỉ đồng, SHB với 36.000 tỉ đồng…
Đáng chú ý, hoạt động nâng cao vốn điều lệ là việc cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, cũng như tăng sức cạnh tranh của ngân hàng.
Ngoài ra, việc ngân hàng tăng vốn điều lệ là tăng “bộ đệm” cho thanh khoản, từ đó giúp các ngân hàng ứng phó tốt hơn với nhiều rủi ro. Hơn nữa, hiện Ngân hàng Nhà nước còn cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng dựa trên nền tảng hệ số an toàn vốn ở mức cao và việc thực hiện các cam kết về hỗ trợ khách hàng.
Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Việt Nam vẫn yếu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, hệ số CAR vẫn đang ở mức thấp tại một số ngân hàng quốc doanh. Do đó, Việt Nam cần tiến hành đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn, đẩy nhanh áp dụng tiêu chuẩn Basel II – vốn đã trì hoãn hạn chót từ năm 2020 đến năm 2023.
Số liệu thống kê từ NHNN, tính đến tháng 9/2021, CAR của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở mức 11,38%; còn CAR của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước ở 9,17%... Mặc dù cao hơn so với quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN (theo quy định là 8%), nhưng để đáp ứng các nhu cầu phát triển an toàn, lành mạnh trước những biến động của thị trường, việc tăng vốn để tăng hệ số CAR là cần thiết đối với ngân hàng.
Theo nghiên cứu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây cho rằng, những năm gần đây, tốc động tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam rất nhanh nên đòi hỏi quy mô vốn của các ngân hàng cũng phải mở rộng đảm bảo các tỉ lệ về an toàn. Theo đó, quy mô vốn của các ngân hàng Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỉ USD trong 2-3 năm tới mới đạt các tỉ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Kế hoạch tăng vốn của ngân hàng có khả thi?
Đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, trong kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đặt ra vấn đề tiếp tục thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. NHNN cũng đặt vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (BIDV, VietinBank, Vietcombank) và Agribank nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng và tiếp tục xử lý nợ xấu. Trong đó, nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023; và nguồn ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Agribank.
Kỳ vọng giữ được đà tăng trưởng của các tổ chức tín dụng cũng được phản ánh rõ nét qua kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý II năm 2022 do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) thực hiện: có 73,1% - 80,8% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh quý II và cả năm 2022 sẽ cải thiện cao hơn so với năm qua. Thanh khoản đối với cả VND và ngoại tệ tiếp tục được cải thiện, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng hơn những tháng đầu năm, trong đó nhu cầu vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Dự báo cũng đưa ra đánh giá, mặt bằng lãi suất cho vay, huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định hoặc chỉ tăng rất nhẹ quý II, khoảng 0,03% -0,06% và 0,13% - 0,18% trong cả năm 2022, dự kiến chủ yếu là tăng lãi suất huy động.
Đáng chú ý theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II của Vụ Dự báo thống kê, rủi ro của nhóm khách hàng cá nhân được dự báo cải thiện tốt hơn. Dự báo huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,6% trong quý II và tăng 11,4% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 12,1% vào thời điểm cuối năm 2021. Các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được tăng 4,8% trong quý II và tăng 14,1% trong năm 2022. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của năm 2022 so với kỳ điều tra cuối năm 2021, trong đó, 89,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021 (điều chỉnh giảm so với tỷ lệ 95% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
https://hoanhap.vn/chi-tiet/can-day-nhanh-ke-hoach-tang-von-cua-ngan-hang1654828398.html